Tên lửa Kh-29 của Su-30SM Nga bị kích hoạt khi máy bay chưa cất cánh

Thao tác với vũ khí công nghệ cao là điều luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu người thực hiện bỏ qua các quy tắc an toàn cần thiết.

 Kh-29 (AS-14 Kedge) là một gia đình tên lửa không đối đất tầm ngắn mang đầu đạn lớn do Liên Xô/Nga chế tạo, có thể trang bị cho máy bay ném bom tiền tuyến Su-24 hoặc tiêm kích đa năng Su-30MK, MiG-29SMT...

Kh-29 (AS-14 Kedge) là một gia đình tên lửa không đối đất tầm ngắn mang đầu đạn lớn do Liên Xô/Nga chế tạo, có thể trang bị cho máy bay ném bom tiền tuyến Su-24 hoặc tiêm kích đa năng Su-30MK, MiG-29SMT...

Phiên bản Kh-29T là loại sử dụng cơ chế dẫn đường TV, được lắp đầu dò quang học tự động nhận dạng vật thể Tubus-2.

Tên lửa trước khi phóng sẽ nhận diện hình ảnh mục tiêu và sau khi phi công bấm nút khai hỏa, Kh-29 tự động bay tới theo dạng "phóng và quên".

Trong khi đó Kh-29L là phiên bản sử dụng hệ dẫn đường laser bán chủ động, đầu dò 24N1 của tên lửa sẽ tự động bám theo chùm laser do máy bay phóng chiếu vào đối tượng để chỉ thị đường bay.

Sau khi phi công thực hiện thao tác khai hỏa, tên lửa sẽ leo lên độ cao 5.000 m rồi bổ nhào thẳng đứng xuống mục tiêu với vận tốc rất lớn.

Cả hai biến thể Kh-29 trên đều lắp đầu nổ tiếp xúc và được đẩy bằng động cơ nhiên liệu rắn, tầm bắn ước tính trong khoảng 10 km, đặc biệt hiệu quả khi dùng để chống lại boong ke, công sự kiên cố, thậm chí cả tàu mặt nước.

Tên lửa Kh-29 có sức công phá cực lớn khi được lắp các loại đầu đạn với trọng lượng từ 100 kg cho tới 320 kg, cho nên sẽ là thảm họa nếu vũ khí này vô tình bị kích hoạt dưới mặt đất.

Một sự cố hy hữu như vậy đã xảy ra đối với lực lượng không quân của hạm đội biển Đen hải quân Nga, liên quan đến thao tác sai của 2 nhân viên kỹ thuật.

Sau khi một chiếc tiêm kích đa năng Su-30SM hạ cánh, trên giá treo vũ khí của nó vẫn còn 2 tên lửa Kh-29TD trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu.

Các kỹ thuật viên sau đó đã thực hiện thao tác tháo quả đạn xuống để tiến hành kiểm tra tình trạng kỹ thuật, công việc tiến hành trong khu nhà chứa máy bay.

Hai quân nhân chịu trách nhiệm thực hiện công việc có tên Andreassey Chebanov và Nikolai Zverev, họ sử dụng thiết bị Oka để kiểm tra quả đạn.

Các kỹ thuật viên bị cáo buộc đã không mở nắp thiết bị kiểm tra và không thực hiện đúng thao tác về tính toàn vẹn của niêm phong, cũng như khóa các cơ chế tương ứng.

Kết quả là họ đã làm cho dòng điện chạy qua vũ khí, khiến một tên lửa Kh-29TD trọng lượng 700 kg bị kích hoạt và bay đi, phá hủy cổng và một phần bức tường của nhà chứa máy bay.

Rất may đầu đạn của quả tên lửa với 100 kg thuốc nổ đã không hoạt động, nhưng hai tên lửa Kh-29TD đã tan thành mây khói, đồng thời thiết bị kiểm tra đặc biệt phải ngừng hoạt động.

Hai quân nhân trên bị cáo buộc về việc vi phạm các quy tắc xử lý vũ khí gây nguy hiểm cho người khác (Phần 1 của Điều 349 Bộ luật hình sự Liên bang Nga).

Đánh giá thiệt hại do cơ qua điều tra đưa ra đó là chi phí cho mỗi quả tên lửa Kh-29TD được định giá là 18 triệu 459 nghìn Rub, tổ hợp kiểm tra Oka và các thiết bị đã bị phá hủy khác ước tính khoảng 9,5 triệu Rub.

Tòa án đã cân nhắc đến việc mỗi người bọn họ đã tự nguyện nộp 3.000 Rub để khắc phục hậu quả và một người đang phải nuôi 4 con nhỏ để đưa ra bản án khá nhẹ.

Andreassey Chebanov bị kết án quản chế 15 tháng và phải nộp lại 15% tiền trợ cấp cho ngân sách nhà nước, trong khi đó Nikolai Zverev chịu 12 tháng quản chế với 10% tiền trợ cấp phải nộp lại.

Việt Dũng

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-ten-lua-kh29-cua-su30sm-nga-bi-kich-hoat-khi-may-bay-chua-cat-canh/822219.antd