Tên lửa Iran nổ gần căn cứ Mỹ: Mỹ sợ Iran...đánh nhầm

Sau vụ Iran dùng tên lửa và UCAV tấn công IS ở Syria, cách vị trí Mỹ vài km, Mỹ đã đề nghị Iran dùng đường dây liên lạc của Nga.

Theo truyền thông nhà nước Iran, 7 máy bay không người lái và 6 tên lửa đạn đạo tấn công chính xác đã được sử dụng tấn công các mục tiêu khủng bố ở khu vực Abu Kamal ở miền đông Syria, để đáp trả cuộc tấn công khủng bố của IS ngày 22 tháng 9 tại Ahvaz, phía tây nam Iran, giết chết 24 người.

Theo giới chức lãnh đạo Tehran 6 quả tên lửa đạn đạo Zolfaqar và Qiam có tầm phóng khoảng 750km đã được bắn ra từ vùng Kermanshah của người Kurd ở Iran, bay sang tấn công các mục tiêu của IS ở phía đông sông Euphrates của Syria, nằm giáp biên giới với Iraq.

Zolfaqar là tên lửa đạn đạo tầm ngắn, sử dụng nhiên liệu rắn, với tầm hoạt động khoảng 750 km và có thể nâng cấp lên tầm trung; còn Qiam 1 là tên lửa đạn đạo tầm ngắn sử dụng nhiên liệu lỏng, với tầm hoạt động tối đa 750km. Như vậy là Iran đã sử dụng cả 2 chủng loại tên lửa thiết kế riêng biệt và tốt nhất của mình cho cuộc tấn công này.

Ngoài ra, Iran còn sử dụng cả máy bay không người lái để tấn công IS. Theo đó, những chiếc máy bay tấn công không người lái được sản xuất trong nước, gọi là Saeqeh đã được IRGC sử dụng để phóng tên lửa vào trung tâm chỉ huy của những kẻ khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria.

Hãng tin Fars News đã đăng video về cuộc tấn công của máy bay không người lái này và cảnh quay cũng xuất hiện trên các phương tiện truyền thông xã hội.

Các máy bay không người lái Saeqeh (Thunderbolt) được Iran xếp vào loại máy bay tấn công không người lái trên không Simorgh (Phượng hoàng - Phoenix). Nó có khả năng tấn công đồng thời 4 mục tiêu với tên lửa thông minh, có khả năng tấn công chính xác ở khoảng cách xa.

Chiếc máy bay tấn công không người lái Simorgh là một phiên bản với kích thước thu nhỏ, chỉ bằng khoảng 60% của máy bay do thám không người lái RQ-170 Sentinel của Mỹ bị Iran bắt được và dùng kỹ thuật đảo ngược để chế tạo, bao gồm khả năng trinh sát, giám sát, chiến đấu và ném bom.

Các nguồn tin quân sự của Iran nhấn mạnh rằng, các tên lửa đạn đạo và tên lửa từ UCAV đã nhắm vào khu vực nằm giữa Harse và Hajin, địa điểm cuối cùng mà tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS vẫn giữ được ở Syria, nơi thủ lĩnh tối cao của IS là Abu Bakr al-Baghdadi được cho là đang ẩn nấp ở đó.

Mỹ đang lo sợ khả năng bị Iran “đánh nhầm” ở Syria

Địa điểm bị tấn công cũng được cho là chỉ nằm cách khu vực có lực lượng liên quân do Mỹ đứng đầu đồn trú chỉ vài km. Nếu đòn đánh của Iran thiếu chính xác một chút thì có thể lực lượng Mỹ đã “ăn đủ”.

Ngay sau vụ tấn công này, lực lượng quân sự Mỹ tuyên bố rằng, Iran có thể sử dụng chung tuyến đường dây nóng Nga-Mỹ để cảnh báo trước cho Washington về các vụ tấn công khủng bố ở Syria.

Theo Bộ tư lệnh Chiến trường Trung tâm của Mỹ (CENTCOM), Hoa Kỳ đang thúc giục Iran sử dụng tuyến đường dây nóng liên lạc Mỹ-Nga nếu nước này tiến hành các cuộc không kích ở Syria, tránh trường hợp các cuộc tấn công gần đây của Iran đã diễn ra mà không hề có cảnh báo cho cả Nga lẫn Mỹ.

Tư lệnh Chiến trường Trung tâm của Mỹ Joseph Votel nói với báo chí hôm 04/10 rằng: "Chúng tôi có một kênh giao tiếp chuyên nghiệp được thiết lập với người Nga. Nó đã làm việc tốt và giữ an toàn cho các lực lượng của hai bên khi hoạt động trong không phận rất phức tạp này".

Theo ý kiến của ông, hiện nay Nga và Mỹ đã có sẵn nền tảng và đường dây liên lạc mà Iran có thể sử dụng ngay lập tức.

Trái ngược với quan điểm của đồng minh Mỹ, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm 04/10 tuyên bố sẽ tiếp tục chiến đấu chống lại quân đội Iran đang hiện diện ở Syria, với mục đích tiêu diệt Israel chứ không phải là chống khủng bố IS.

"Israel sẽ tiếp tục làm những gì cần thiết để bảo vệ chính mình. Chúng tôi sẽ tiếp tục ngăn chặn những nỗ lực của Iran để sử dụng Syria và Lebanon như là căn cứ để tiến hành các cuộc tấn công vào Israel" - ông Netanyahu nói với các phóng viên.

Nhật Nam

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/ten-lua-iran-no-gan-can-cu-my-my-so-irandanh-nham-3366703/