Tên lửa đạn đạo chiến thuật TACMS vẫn thua Iskander-M

Theo Defense News, hãng Lockheed Martin phối hợp với Bộ Quốc phòng Mỹ thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo chiến thuật TACMS.

Trang bị thần tốc

Vụ phóng thử được thực hiện tại bãi thử White Sand, bang New Mexico. Đây là vụ phóng thử đầu tiên của dòng tên lửa đạn đạo nâng cấp này kể từ khi chúng được bàn giao cho Quân đội Mỹ hồi đầu tháng 10/2016. Vụ phóng thử được thực hiện từ tổ hợp pháo phản lực bắn loạt HIMARS và tấn công chính xác mục tiêu cách đó 130km.

Đại diện cấp cao quân đội Mỹ nhận định, TACMS tấn công mục tiêu với độ chính xác cực cao với hệ thống điện tử dẫn đường tiên tiến kết hợp giữa dẫn đường quán tính và vệ tinh GPS, cũng như thế hệ đầu đạn mới có sức công phá cực mạnh. Đạn tên lửa TACMS nâng cấp sẽ phục vụ Quân đội Mỹ trong 10 năm tới, trước khi phải tiến hành kiểm tra kỹ thuật.

Đạn tên lửa TACMS.

Nguồn tin cho biết, đạn tên lửa TACMS là biến thể mới của dòng tên lửa đạn đạo chiến thuật ATACMS được nâng cấp hệ thống dẫn đường và phần mềm điều khiển giúp tăng cơ hội đánh trúng mục tiêu. Tên lửa TACMS mới không có phiên bản đầu đạn chùm như nguyên mẫu ATACMS.

Việc Lockheed Martin thử nghiệm và bàn giao lô tên lửa TACMS đầu tiên được coi là quyết định thần tốc bởi nhà sản xuất này mới quyết định nối lại sản xuất tên lửa TACMS hồi đầu năm 2016.

TACMS hiện được coi là dòng tên lửa đạn đạo cấp chiến thuật duy nhất đang nằm trong biên chế Quân đội Mỹ. Ngoài khả năng mang đầu đạn thông thường, trong những nhiệm vụ đặc biệt, TACMS còn có thể mang đầu đạn hạt nhân giúp tăng khả năng tác chiến.

Dù thông tin về phiên bản TACMS vẫn đang được bảo mật, tuy nhiên theo nhận định của giới chuyên gia, tên lửa này chỉ là bản hiện đại của ATACMS, vì vậy gần như chắc chắn sẽ không có nhiều thay đổi. Lockheed Martin cho biết, tên lửa ATACMS dài hơn 4 m và có đường kính gần 1 m, ATACMS được thiết kế để đánh các mục tiêu quan trọng nằm sâu bên trong lòng địch như sân bay và bãi bắn tên lửa.

Để làm được điều này, ATACMS được trang bị hệ thống xác định mục tiêu bằng định vị toàn cầu và công nghệ dẫn đường quán tính. Tên lửa chiến thuật ATACMS thông thường có tầm bắn 165 km tuy nhiên có nguồn tin cho rằng biến thể mới của ATACMS có tầm bắn lên tới 300 km.

Hệ thống tên lửa chiến thuật ATACMS của Lục quân Mỹ hiện có nhiều biến thể như MGM-140A ATACMS Block 1, MGM-140B ATACMS Block 1A, MGM-164A ATACMS Block 2, MGM-168A ATACMS Block 4A có tầm bắn lần lượt là 165, 300, 140 và 270 km.

Trừ MGM-140A dùng hệ dẫn quán tính, các biến thể sau đều trang bị hệ dẫn kết hợp quán tính + GPS. Đặc biệt MGM-164 có độ chính xác rất cao, sai số 10-20 m.

Nỗ lực khó thành

Với sức mạnh mà ATACMS sở hữu, tên lửa này có thể được coi là đối thủ của tên lửa chiến thuật Iskander-M của Nga và chính người Mỹ cũng không ngần ngại cho rằng việc tái sản xuất với TACMS không nằm ngoài mục đích đối trọng với Isknader-M. Tuy nhiên, nỗ lực của Mỹ khó có thể thành công bởi những tính năng vượt trội của Iskander.

Tên lửa Iskander là tên lửa đạn đạo cấp chiến dịch - chiến thuật hiện đại nhất được trang bị trong Quân đội Nga hiện nay. Đặc biệt, tên lửa có thể tấn công các mục tiêu của đối phương với độ chính xác CEP chỉ 2 m.

Đạn tên lửa Iskander được đặt trên xe cơ động, với mỗi xe mang được 2 tên lửa. Có hai biến thể sửa đổi, đó là biến thể Iskander-E cho xuất khẩu, đạt tầm bắn tối đa 280 km, tầm bắn tối thiểu 50 km; biến thể Iskander-M được Quân đội Nga sử dụng, có tầm bắn lên tới 450 - 500 km (tầm bắn xa nhất của ATACMS chỉ là 300 km).

Iskander-M được cho là vũ khí lợi hại nhất của Moscow để có thể nhanh chóng vô hiệu hóa các thành thành phần của hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ ở Đông Âu trong trường hợp lá chắn tên lửa Mỹ đe dọa đáng kể sức mạnh của lực lượng tên lửa răn đe hạt nhân chiến lược của Nga.

Iskander-M có thể mang cả đầu đạn thông thường cũng như đầu đạn hạt nhân và có tầm bắn 500 km. Như vậy, từ Leningrad, tên lửa có thể tiêu diệt các mục tiêu ở Cận Baltic và phía Đông Ba Lan, từ lãnh thổ Belarus – tiêu diệt các mục tiêu ở vùng trung tâm Ba Lan, từ Kaliningrad – tiêu diệt các mục tiêu ở Đức.

Với sức mạnh mà hệ thống tên lửa Iskander-M sở hữu, nếu xảy ra một cuộc chiến tên lửa chiến thuật Nga – Mỹ, rõ ràng đây là cuộc chiến không cân sức mà phần thắng hoàn toàn thuộc về Nga.

Clip tên lửa ATACMS hủy diệt mục tiêu mặt đất

Thùy Dung

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/ten-lua-dan-dao-chien-thuat-tacms-van-thua-iskander-m-3322758/