Tên lửa chống vệ tinh của MiG-31 là đạn đạo tầm trung?

Gần đây trên các trang quân sự đã đăng tải hình ảnh tiêm kích đánh chặn tầm xa MiG-31 của Nga thử nghiệm một loại tên lửa mới trông rất lạ mắt.

Căn cứ vào những hình ảnh từ đợt thử nghiệm đầu tiên, có nhiều ý kiến nhận định rằng đây là một loại tên lửa đạo đạo chống vệ tinh được Nga khôi phục lại từ tên lửa 79M6 thuộc chương trình Ishim ra đời từ thời Liên Xô.

Chương trình vũ khí chống vệ tinh Ishim với đạn 79M6 bị đình chỉ trước khi bước vào giai đoạn thử nghiệm ban đầu, cho dù Liên Xô khi đó đã hoán cải 2 chiếc MiG-31D làm phương tiện mang vác, nguyên nhân không gì khác ngoài vấn đề kinh phí.

Tuy nhiên trong năm 2009, Tướng Alexander Nikolayevich Zelin - Tư lệnh Không quân Nga xác nhận họ đang hồi sinh chương trình vũ khí không gian mới dựa trên tên lửa 79M6 và vẫn dùng nền tảng tiêm kích đánh chặn MiG-31.

Một số nguồn tin giấu tên thậm chí còn cho biết, trong giai đoạn 2009 - 2010, Quân đội Nga đã phân bổ kinh phí chương trình và dự án có thể đã tái khởi động vào năm 2012. Do vậy không có gì ngạc nhiên với suy đoán được đưa ra ở đầu bài viết.

Tên lửa "lạ" được tiêm kích đánh chặn MiG-31 mang dưới bụng trong chuyến bay thử nghiệm

Mặc dù vậy, mới đây lại có một nhận định khác khá táo bạo, đó là quả tên lửa này không phải đạn chống vệ tinh 79M6 mà thực chất là một quả tên lửa đạn đạo tầm trung phiên bản phóng từ trên không.

Hoàn cảnh địa chính trị khu vực vào lúc này, khi Nga đang có nhiều dấu hiệu sẽ rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) thì việc tiến hành chế tạo một loại tên lửa đạn đạo không đối đất mới nhằm vươn xa hơn tầm bắn 2.000 km của Kh-47M2 Kinzhal cũng là điều hợp lý.

Ngoài ra hiện tại Nga còn triển khai được cả một phi đội tiêm kích MiG-31K đã được gia cố khung thân để mang theo tên lửa đạn đạo mới, cho nên điều kiện để đánh giá thử nghiệm vũ khí vào lúc này có nhiều thuận lợi hơn dưới thời Liên Xô.

Vũ khí mới của MiG-31 liệu có phải là tên lửa đạn đạo không đối đất tầm trung

Theo cảm quan ban đầu, nếu như đây không phải tên lửa chống vệ tinh mà thực sự là tên lửa đạn đạo không đối đất tầm trung thì nó có thể vươn tới cự ly trên 5.000 km, tức là gấp hơn 2 lần Kh-47M2 Kinzhal.

Nhưng để đạt được cự ly tác chiến này thì có lẽ vận tốc của tên lửa sẽ không thể cao tới Mach 10 như Kinzhal mà phải hạ xuống để giảm tiêu hao nhiên liệu, đồng thời điều kiện phóng của MiG-31 cũng không phức tạp như khi triển khai Kh-47M2.

Trong lúc này Nga chưa đưa ra tuyên bố chính thức về nghi ngờ trên, đây cũng là điều dễ hiểu khi Moskva về lý thuyết vấn đang tuân thủ Hiệp ước INF và họ cần một vỏ bọc hợp lý đó là "tên lửa chống vệ tinh".

Chí Linh

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/ten-lua-chong-ve-tinh-cua-mig-31-la-dan-dao-tam-trung-3366704/