Tên lửa chống hạm đáng sợ AGM-84H/K SLAM-ER

Tên lửa tấn công mặt đất ngoài tầm phòng không (ngoài đường chân trời) được mở rộng tầm bắn AGM-84H/K SLAM-ER là tên lửa hành trình phóng từ trên không được điều khiển chính xác do Boeing chế tạo cho các Lực lượng Vũ trang Mỹ và các nước đồng minh.

Tên lửa hành trình chống hạm AGM-84H/K SLAM-ER. (Nguồn: Tecno Defesa)

AGM-84H/K SLAM-ER "đáng sợ" tới đâu?

Phát triển từ Tên lửa tấn công mặt đất ngoài tầm phòng không AGM-84E SLAM (do Hệ thống phòng thủ tích hợp Boeing phát triển từ tên lửa chống hạm McDonnell Douglas Harpoon), SLAM-ER có khả năng tấn công các mục tiêu trên mặt đất và trên biển ở tầm trung đến tầm xa (290km).

SLAM-ER được trang bị cho Hải quân Mỹ từ tháng 6/2000 và đã được sử dụng trong chiến tranh Iraq và Chiến dịch Tự do bền vững ở Afghanistan. AGM-84H/K SLAM-ER nặng tới 725kg, dài 4,37m, đường kính 34,3cm, trọng lượng đầu đạn 360kg, sải cánh 2,43m, bay với tốc độ 855 km/h (0.700 Mach). Nó có thể được phóng và điều khiển bởi nhiều loại máy bay bao gồm F/A-18 Hornet, F/A-18 Super Hornet và P-3C Orion, cũng như F-15E Strike Eagle của Không quân Mỹ. SLAM-ER có độ chính xác cao nhất trong số các tên lửa được sử dụng bởi Hải quân Mỹ.

SLAM-ER có thể tấn công các mục tiêu di chuyển trong mọi thời tiết, cả ngày lẫn đêm. Được dẫn hướng và điều khiển bằng Hệ thống định vị toàn cầu (GPS) và hình ảnh hồng ngoại, SLAM-ER có thể được lái từ xa trong khi đang bay, có thể chuyển hướng đến một mục tiêu khác sau khi phóng. Nếu mục tiêu ban đầu đã bị phá hủy, hoặc không còn được coi là nguy hiểm (hướng dẫn chỉ huy - command guidance), tên lửa này có thể tự phát nổ. Thông tin mục tiêu cũng có thể gửi lại từ SLAM-ER chia sẻ cho các máy bay khác hoặc UAV giúp tăng khả năng gây thiệt hại cho lực lượng đối phương.

Sở hữu bộ phận nhận dạng mục tiêu tự động (ATRU) xử lý dữ liệu bằng cách so sánh video tốc độ cao trước và sau khi phóng cho phép SLAM-ER hoạt động theo chế độ “bắn và quên”. Khi tiếp cận mục tiêu đã được đánh dấu, tên lửa SLAM-ER mới kích hoạt cảm biến ảnh nhiệt, sau đó chúng sử dụng thuật toán so sánh hình ảnh được cung cấp trước khi phóng với thực địa để xác định vị trí hợp lý chờ lệnh công kích. Nó cũng có thể bắn theo chế độ "điểm đã được khoanh tròn" (“man-in-the-loop”), khi phi công hoặc nhân viên hệ thống vũ khí có thể chỉ định chính xác điểm tác động, ngay cả trong trường hợp mục tiêu không có tín hiệu hồng ngoại khác biệt.

AGM-84H có thể được sử dụng từ nhiều loại máy bay. (Nguồn: Cgtrader)

Hiện nay, những nước được trang bị loại tên lửa này gồm: Saudi Arabia, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Mỹ và Australia. AGM-84H sử dụng loại đầu đạn WDU-40/B của tên lửa hành trình Tomahawk Block 3 phát triển tại Trung tâm Vũ khí Hải quân Mỹ. Đầu đạn WDU-40/B sử dụng đầu xuyên titan giúp tăng khả năng xuyên và sau đó mới kích nổ, giúp tăng hiệu quả công phá và gây cháy. Trong kho của Hải quân Mỹ có khoảng 700 tên lửa sẽ được nâng cấp lên chuẩn SLAM-ER.

Trung Đông dậy sóng vì tên lửa khủng

Hôm 14/5 vừa qua, Tập đoàn Boeing đã nhận được hợp đồng ước tính khoảng 1,971 tỷ USD để cung cấp 650 tên lửa hành trình SLAM-ER, tích hợp cho tiêm kích F-15SA của không quân Saudi Arabia. Hợp đồng này được thực hiện trước khi kết thúc năm 2028 (chưa kể hợp đồng 402 tên lửa chống hạm 402 Harpoon Block II với giá 656,9 triệu USD) - một trong những thương vụ vũ khí lớn của Mỹ và đồng minh Saudi Arabia từ năm 2013. Boeing cho biết, các hợp đồng mới sẽ đảm bảo việc tập đoàn tiếp tục chương trình phát triển tên lửa Harpoon tới năm 2026, cũng như khôi phục lại dây chuyền sản xuất tên lửa SLAM-ER.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân - Tướng Joseph Dunford - vừa đưa ra tuyên bố Mỹ sẽ đưa binh sĩ cùng hệ thống phòng không bổ sung tới Vùng Vịnh để bảo vệ Saudi Arabia và UAE. Bộ trưởng Esper còn tuyên bố, Mỹ sẽ tăng cường triển khai lực lượng Mỹ đến Vịnh Ba Tư nhằm mục đích phòng vệ sau khi nhận được yêu cầu của đồng minh. Ông Esper còn cho rằng, việc hình thành hệ thống phòng thủ nhiều lớp sẽ bảo vệ Saudi Arabia và UAE tốt hơn trong bối cảnh bị đe dọa liên tục bởi máy bay không người lái hoặc tên lửa.

Diễn biến liên quan tới căng thẳng tại vùng Vịnh là Mỹ đã điều khu trục hạm USS Nitze tới bờ biển phía Đông Bắc Saudi Arabia để thu hẹp khoảng trống trong hệ thống phòng không của Riyadh, sau khi hệ thống này thất bại trong việc ngăn chặn cuộc không kích hồi tháng Chín năm ngoái nhằm vào hai cơ sở dầu mỏ của Tập đoàn Aramco. Việc tái triển khai tàu USS Nitza được cho là phù hợp với các cáo buộc trước đó từ Washington và Riyadh, cho rằng Iran mới là thủ phạm đằng sau vụ tấn công các nhà máy dầu mỏ, dù lực lượng Houthi tại Yemen đã tuyên bố nhận trách nhiệm.

Diễn biến từ phía Mỹ và cả Saudi cho thấy họ chưa đủ bằng chứng và cũng chưa thực sự muốn thúc đẩy một cuộc chiến tranh với Tehran. Và những gì Mỹ và Saudi Arabia có thể làm hiện giờ là thúc đẩy nhanh chóng các hợp đồng vũ khí nhằm tăng cường khả năng tấn công và phòng thủ cho kịch bản xung đột có thể xảy ra trong tương lai.

AGM-84H được cho là sở hữu nhiều tính năng ưu việt. (Nguồn: Cgtrader)

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là Saudi Arabia mua nhiều vũ khí để đối phó với ai và đâu là mục đích của Mỹ tại Trung Đông trong những thương vụ này? Giới chuyên gia cho rằng, một lực lượng Houthi nhỏ bé tại Yemen chắc chắn không phải mục tiêu để Saudi phải chi quá lớn như vậy. Liệu đây có được xem là dấu hiệu chuẩn bị cho một cuộc tấn công nhằm đáp trả Iran khi Saudi Arabia đang tỏ ra thiếu vũ khí cần thiết để có thể xuyên thủng lưới lửa phòng không dày đặc của Iran?

Vũ khí này có thể sẽ gây ra vô vàn khó khăn cho lực lượng phòng không Iran nếu được kết hợp với tiêm kích F-15SA cực kỳ tiên tiến của Saudi Arabia trong một chiến dịch tấn công quy mô lớn. Loại tên lửa này khi kết hợp với tiêm kích đa năng F-15SA có thể sẽ gây ra khó khăn cho lực lượng phòng không đối phương. Các tàu chở dầu, chiến hạm hay các mục tiêu mặt đất nằm sát bờ biển có thể sẽ bị phá hủy hoàn toàn nếu Saudi Arabia quyết định tung bộ đôi tiêm kích F-15SA và tên lửa SLAM-ER xung trận.

(theo National Interest, Military)

Lê Ngọc

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ten-lua-chong-ham-dang-so-agm-84hk-slam-er-115923.html