Tên các Anh ngời sáng trang sử trường

Buổi chia tay thầy giáo Đặng Huy Trung và thầy giáo Nguyễn Đỗ Minh lên đường nhập ngũ thật xúc động với bao niềm lưu luyến, bịn rịn. Tiễn chân hai nhà giáo, hai người chiến sỹ có đồng nghiệp, có học trò và có cả hình ảnh của phấn trắng bảng đen, của tán lá bàng xanh, của cây phượng vĩ gọi về bao kỷ niệm sân trường.

Khi cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ bước vào giai đoạn ác liệt và cam go, khi ranh giới giữa một mất một còn của vận mệnh dân tộc chỉ tính trong gang tấc, không ít người con ưu tú của miền Bắc đã “xẻ dọc Trường Sơn” đi chiến đấu vì miền Nam ruột thịt. Trong số đó, thật xúc động và tự hào khi có những nhà giáo đã tạm xa phấn trắng bảng đen nơi bục giảng, tạm xa trường học thân thương để dấn thân nơi tuyến lửa. Không ít người trong số nhà giáo đã nằm lại nơi chiến trường, để rồi, trong truyền thống của mỗi nhà trường, tên tuổi của họ đã tô thắm trang sử trường…

Ảnh hai thầy giáo Đặng Huy Trung và Nguyễn Đỗ Minh cùng 198 học sinh trường THPT Hạ Hoàlà liệt sỹ tại phòng truyền thống nhà trường. Ảnh: Thế Lượng

Ảnh hai thầy giáo Đặng Huy Trung và Nguyễn Đỗ Minh cùng 198 học sinh trường THPT Hạ Hoàlà liệt sỹ tại phòng truyền thống nhà trường. Ảnh: Thế Lượng

Xếp bút nghiên lên đường

Xin được trở về ngôi trường THPT Hạ Hòa (Phú Thọ) để được nghe các nhà giáo, cựu giáo chức kể lại kí ức một thời hoa lửa trong cuộc trường chinh vào đầu những năm 70. Cô giáo Hoàng Ngọc Loan, giáo viên dạy môn Ngữ văn, người đã gắn bó trọn cuộc đời với sự nghiệp trồng người của trường THPT Hạ Hòa không khỏi bùi ngùi, xúc động mỗi khi nhắc về hai thầy giáo của nhà trường đã hy sinh trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Câu chuyện của cô kể cho bao thế hệ học trò về thầy giáo Đặng Huy Trung và thầy giáo Nguyễn Đỗ Minh. Mặc dù đã bước vào tuổi thất thập, mái tóc đã bạc trắng như cước nhưng cô giáo Loan vẫn không hề quên kí ức về hai người đồng nghiệp đã tạm biệt phấn trắng bảng đen đi chiến trường. Thầy giáo Đặng Huy Trung là người con của vùng quê trung du Hạ Hòa. Sau nhiều năm công tác ở các trường, do hoàn cảnh gia đình, thầy đã trở về quê và giảng dạy môn Vật lý tại trường THPT Hạ Hòa. Còn thầy giáo Nguyễn Đỗ Minh, một chàng trai đất Hà thành, tốt nghiệp ĐHSP Toán, lên nhận công tác tại Hạ Hòa với bao nhiệt huyết của một nhà giáo trẻ. Khi ấy, cả hai thầy giáo đã bước vào tuổi 30, đã có vợ và con nhỏ. Cuộc sống của nhà giáo cuối những năm 60 khó khăn không sao kể xiết. Đất nước có chiến tranh, quê hương còn nhiều gian khó, con còn nhỏ. Vậy mà, đáp lại tiếng gọi thiêng liêng của miền Nam ruột thịt, hai thầy giáo của trường THPT Hạ Hòa đã tạm biệt học trò thân thương, tạm biệt đồng nghiệp và mái trường để bước vào cuộc trường chinh đầy chông gai thử thách.

Cô giáo Hoàng Ngọc Loan mỗi khi kể lại câu chuyện về hai người đồng nghiệp vẫn không thể quên được không khí của buổi chia tay trên sân trường vào một ngày của tháng 12 năm 1971. Cô giáo Loan kể lại như vừa mới hôm qua: “Buổi liên hoan chia tay tại sân trường là buổi mít tinh giản dị mà trang trọng, vui vẻ mà nặng sâu tình nghĩa. Các anh đi mang theo cả niềm tự hào và sự gửi gắm sẻ chia những gian khổ hy sinh cho tuyến đầu chống Mỹ của cả thầy và trò chúng tôi còn ở lại...”.

Chân dung nhà giáo, liệt sỹ Đặng Huy Trung và Nguyễn Đỗ Minh. Ảnh: Thế Lượngtại Lễ kỷ niệm 55 năm ngày thành lập trường (2016). Ảnh: Thế Lượng

Tên các Anh ngời sáng trang sử trường

Phòng truyền thống trường THPT Hạ Hòa hôm nay được xây dựng khang trang và trưng bày nhiều tư liệu quý về chặng đường 57 năm sự nghiệp trồng người. Trong không gian ấy, có một nơi trang trọng đặt tấm ảnh của hai nhà giáo Đặng Huy Trung, Nguyễn Đỗ Minh cùng 198 học sinh của nhà trường đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến. Tên tuổi của hai nhà giáo và các anh đã tô thắm cho trang sử vẻ vang của nhà trường. Biết bao thế hệ nhà giáo, học sinh trường THPT Hạ Hòa dù ở phương trời nào cũng luôn hướng về nơi đây, luôn nhớ tên tuổi và sự hy sinh anh dũng của hai thầy để luôn tự hào và quyết tâm sẽ noi gương tiếp bước.

Những dịp nhà trường kỷ niệm ngày thành lập trường, bao thế hệ nhà giáo, học sinh hội tụ về ngôi trường thân thương. Bao giờ cũng thế, sau khi nghi lễ chào cờ, tất cả đều đứng trang nghiêm, cúi đầu tưởng nhớ về hai nhà giáo và 198 học sinh của nhà trường đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến. Không gian sân trường im lặng, thay vào đó là sự thành kính tưởng nhớ và niềm tự hào dâng trào trong trái tim mỗi người..../.

Nguyễn Thế Lượng

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/xa-hoi/ten-cac-anh-ngoi-sang-trang-su-truong-491241.html