Telehealth và sự cần thiết của việc bảo mật thông tin cá nhân

Bên cạnh những lợi ích mà khám chữa bệnh từ xa (telehealth) cùng với sự kết nối, tương tác của đội ngũ y bác sĩ chuyên môn trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân; vấn đề bảo mật thông tin cá nhân người bệnh cũng đang được đặt ra trong khuôn khổ quy định của pháp luật.

Thông tin cá nhân nói chung hay thông tin bệnh nhân nói riêng là những thông tin mang tính nhạy cảm. Cho nên việc tôn trọng, bảo mật thông tin là vô cùng quan trọng và cần thiết. Các quy định về bảo mật thông tin bệnh nhân đã được quy định cụ thể trong các văn bản, luật hiện hành. Tại chương 2, mục 1, điều 8 Luật Khám - chữa bệnh ban hành ngày 23 /11 /2009, có hiệu lực từ ngày 01/ 01/2011 quy định về quyền được tôn trọng bí mật riêng tư của người bệnh với nội dung như sau :

Điều 8. Quyền được tôn trọng bí mật riêng tư

1. Được giữ bí mật thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong hồ sơ bệnh án.

2. Thông tin quy định tại khoản 1 điều này chỉ được phép công bố khi người bệnh đồng ý hoặc để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng chẩn đoán, chăm sóc, điều trị người bệnh giữa những người hành nghề trong nhóm trực tiếp điều trị cho người bệnh hoặc trong trường hợp khác được pháp luật quy định.

Khi ứng dụng nền tảng khám, chữa bệnh telehealth, việc bảo mật thông tin của bệnh nhân càng cần được chú trọng bảo đảm. Theo đó, Bộ Y tế vừa có quyết định số 4054/QĐ-BYT, ban hành tạm thời hướng dẫn và quy định tổ chức hội chẩn, tư vấn khám, chữa bệnh từ xa, được áp dụng tại các cơ sở trong cả nước có đăng ký khám, chữa bệnh từ xa. Ban hành kèm theo quyết định này hướng dẫn và quy định tạm thời tổ chức hội chẩn, tư vấn khám, chữa bệnh từ xa, bao gồm: Hướng dẫn thiết lập phòng hội chẩn, tư vấn khám, chữa bệnh từ xa; ướng dẫn bảo mật thông tin trong hoạt động tư vấn khám bệnh, chữa bệnh từ xa; quy trình tổ chức hội chẩn khám, chữa bệnh từ xa. Hướng dẫn này đã quy định cụ thể về bảo đảm an toàn thông tin trong hoạt động tư vấn khám bệnh, chữa bệnh từ xa (bao gồm hội chẩn và tư vấn khám bệnh, chữa bệnh từ xa). Trong quá trình thực hiện hoạt động tư vấn khám, chữa bệnh từ xa, cần thực hiện đúng các quy định tại điều 8 Luật Khám -chữa bệnh.

Với những lợi ích to lớn mà telehealth mang lại cùng sự chung tay quản lý của các cơ quan liên quan, telehealth kỳ vọng sẽ được tiếp tục nhân rộng, phát triển hơn nữa trong thời gian tới. Mang đến những lợi ích thiết thực cho công tác chăm sóc sức khỏe, phòng chống bệnh tật trong tương lai.

Hướng dẫn bảo mật thông tin trong hoạt động tư vấn khám bệnh, chữa bệnh từ xa nêu rõ: Cán bộ y tế tham gia hội chẩn, tư vấn khám, chữa bệnh từ xa có trách nhiệm giữ bí mật, không chia sẻ thông tin người bệnh, người tham gia hội chẩn trong quá trình thực hiện hoạt động hội chẩn, tư vấn khám, chữa bệnh từ xa. Tuân thủ nghiêm các nội dung của hướng dẫn này và quy chế nội bộ của cơ sở nơi làm việc.

- Không chia sẻ thông tin cá nhân của người bệnh như: Họ và tên đầy đủ, địa chỉ, hình ảnh mặt, cơ thể bệnh nhân hoặc các thông tin có thể định danh người bệnh bằng bất cứ hình thức nào (thông qua hình ảnh, văn bản, ghi âm…).
- Trường hợp buổi hội chẩn cần sự hiện diện của bệnh nhân, phải sử dụng các biện pháp kỹ thuật để che, hoặc làm mờ hình ảnh mặt bệnh nhân.
- Không thực hiện tường thuật trực tiếp các buổi hội chẩn, tư vấn khám chữa bệnh từ xa qua các mạng xã hội hoặc các hình thức khác mà có thể làm lộ thông tin cá nhân, hình ảnh mặt người bệnh và tình hình sức khỏe của người bệnh; những người tham gia buổi hội chẩn.

TUẤN DŨNG

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/telehealth-va-su-can-thiet-cua-viec-bao-mat-thong-tin-ca-nhan-n181696.html