'Teen ơi, làm bạn nhé' - 10 điều cha mẹ thường hiểu nhầm con

Theo TS Vũ Thu Hương, nguồn cơn tranh cãi giữa cha mẹ và con cái đều bắt nguồn từ chuyện hai bên không hiểu nhau. Bà đưa ra 10 điều phụ huynh thường hiểu nhầm con.

Nguồn cơn vụ chiến tranh giữa cha mẹ và con cái đều bắt nguồn từ chuyện hai chiến tuyến không hiểu nhau.

Tỷ dụ như đứa con giặt đồ cho mẹ vì thương mẹ mệt, mẹ lại sợ con ướt người rồi ốm nên quát nhặng lên mà không hiểu thành ý tuyệt vời của bọn trẻ.

Hay chuyện cha mẹ lo lắng cho con nhưng con lại cho đó là sự cấm đoán vô lý. Chuyện này thêm nghiêm trọng khi con bước vào tuổi teen.

Vậy những điểm nào mà cha mẹ thường hiểu nhầm con?

 Cha mẹ và con cái không hiểu nhau dẫn đến căng thẳng giữa hai bên. Ảnh minh họa: ReachOut.

Cha mẹ và con cái không hiểu nhau dẫn đến căng thẳng giữa hai bên. Ảnh minh họa: ReachOut.

Nghĩ con không biết lo việc học

Teen lo lắng cho các kỳ thi lắm đấy. Nhiều bạn còn bị “sờ chét” vì lo thi trượt, sợ điểm kém. Nhiều, vô cùng nhiều bố mẹ than thở là bố mẹ thì lo còn con thì không.

Thật ra, con rất lo lắng nhưng con tỏ ra vậy thôi, anh hùng rơm mà, ai lại thể hiện ra là mình lo lắng cái sự nhỏ xíu như là... một kỳ thi chứ. Vì thế, bố mẹ đừng hiểu nhầm, teen cực kỳ lo về kỳ thi đấy.

Nghĩ con không biết gì

Ái chà chà, có vẻ coi thường nhau quá. Các bố mẹ cứ làm những trò bậy bạ đằng sau lưng con rồi nghĩ con không biết.

Con biết rõ lắm đấy. Cảm nhận của trẻ luôn tốt hơn bố mẹ. Sự quan sát của con cũng tốt hơn.

Thế nên, nếu cứ rao giảng đạo đức rồi lén lút có các hành vi xấu, trẻ sẽ cảm thấy thất vọng về bố mẹ, thậm chí sau đó còn thiếu tôn trọng bố mẹ nữa.

Vì thế, đừng cố tỏ ra mình luôn đúng các bố mẹ nhé. Thừa nhận luôn là mình cũng là con người, cũng sẽ có lúc sai. Đồng thời, người lớn cố gắng đừng làm những trò bậy nữa, con biết đấy.

Nghĩ con không cần bố mẹ, chỉ cần bạn

Bố mẹ luôn là điểm yếu nhất trong trái tim mỗi con người. Đặc biệt với teen, dù con có thích bạn bè đến đâu, con vẫn cần bố mẹ lắm.

Cái chính là bố mẹ giảng đạo đức nhiều quá, mắng mỏ nhiều quá, con sẽ xa cách và không thích tâm sự với bố mẹ thôi. Vì thế, hãy bỏ cái mác "tao là bố/mẹ mày" xuống để tâm sự với con các bố mẹ nhé.

Nghĩ rằng nếu thả con ra là con hư luôn

Có bố mẹ nào giữ con được đâu mà gọi là “giữ” hay “thả”. Đứa trẻ mà hư, bố mẹ có giữ bằng trời, con đã hư sẵn rồi, chỉ có điều con chưa phát tác ra thôi.

Vì thế, đừng nghĩ kỳ quặc vậy. Các con biết suy nghĩ, chúng con không còn là trẻ con lên 3 để thả ra là chạy tót ra giữa đường ôtô để chơi đâu. Các con hiểu chuyện mà, tôn trọng các con chút đi!

Nghĩ con là đứa trẻ lên 3, không tự quyết được việc gì

Ôi thôi, trình trạng này thì quá phổ biến nhé! Nhiều cha mẹ giải thích cho con: Con còn bé, con chưa hiểu được mọi chuyện, lớn lên con sẽ hiểu.

Nói nhỏ nè, ngày trước bố mẹ tôi cũng nói y như vậy và bọn tôi rất ức chế. Các con có đủ khả năng hiểu biết, cha mẹ chỉ cần cho con biết mọi nguy cơ, mọi tình huống có thể xảy ra để con lựa chọn.

Và nếu con chọn sai, con bị vấp ngã hoặc trả giá, con sẽ trưởng thành hơn nhiều. Vì thế, hãy thuyết phục con thay cho việc nhảy vào quyết định mọi thứ.

Hôm trước, một mẹ gọi điện hỏi tôi về việc con đang học bình thường, tự nhiên đòi chuyển trường. Cha mẹ giải thích con chưa hiểu chuyện nên đừng chuyển. Sau đó, con vẫn đùng đùng đòi chuyển và cha mẹ chiều theo.

Đúng như dự đoán, sang đó, con không thích và tiếp tục đòi cha mẹ chuyển trở về trường cũ. Tôi nghĩ bây giờ, không cần làm gì cả, chỉ yêu cầu con học tại trường mới để coi như đó là sự trả giá cho con khôn người lên mà thôi.

Nhiều phụ huynh không còn bày tỏ yêu thương khi con dần trưởng thành. Ảnh minh họa: Teens - LoveToKnow.

Nghĩ con lớn rồi, không cần bố mẹ bày tỏ yêu thương

Ô trời, bố mẹ cứ thử viết giấy nhắn yêu thương rồi lén dán vào cặp của chàng/nàng teen mà xem. Tim teen mềm như bún ngay.

Chẳng có tuổi nào không cần bố mẹ nói lời yêu thương nhé. Quan trọng là bố mẹ đừng nói thô quá hoặc vít cổ chàng/nàng xuống để thơm, hay đòi chụp ảnh ôm ấp thôi. Chuyện đó thì ngượng lém!

Nghĩ con chỉ luôn gây ra rắc rối

Cho dù con vốn hay để xảy ra sự cố thì cũng có sự cố do con vô tình gây ra. Vì thế, khi cha mẹ cấm cản và nghĩ rằng làm vậy để kiếm tìm sự bình an cũng là lúc cha mẹ đã thể hiện rõ sự thất vọng của mình với chính “thiên thần” mà mình sinh ra.

Do đâu con xảy ra rắc rối vậy? Nếu không phải do cha mẹ dạy chưa đúng cách thì cũng sẽ là do con mới làm lần đầu việc gì đó nên còn lóng ngóng.

Vậy tại sao không cho con thử lóng ngóng lần đầu và tập rút kinh nghiệm cho lần sau? Vụ này các cha mẹ thử nghĩ đi nhé.

Nghĩ con chưa đến tuổi yêu đương

Tình yêu không có tuổi nhé. Các cụ 60-70, hết nhu cầu rồi còn đi tìm bạn, tại sao mấy đứa trẻ 12, 13 lại không thể yêu đương.

Tình yêu khác tình dục. Nếu dạy dỗ đúng cách, chắc chắn lũ trẻ không thể vừa bập vào yêu đã rủ nhau trèo phắt lên giường.

Hãy luôn sẵn sàng đón nhận thông tin con có tình cảm với ai đó và hãy tin rằng: Tình cảm đó vô cùng trong sáng.

Nghĩ con đòi làm việc tốt chỉ là để đi chơi hoặc phá phách

Tâm của con luôn sáng, nếu con có muốn làm gì đó thì hãy tin là con trong sáng đi. Nếu phát hiện ra ý đồ xấu thì xử lý theo vụ việc chứ đừng vì vụ việc mà cấm cản con 100%.

Con cần sống, cần tham gia với xã hội, cấm cản con sẽ không bao giờ là điều tốt đẹp cho ai hết. Nếu con có sự vụ gì thì cũng nên tìm hiểu rõ xem con muốn gì khi làm việc đó rồi hẵng mắng mỏ nhé.

Nghĩ cho con ở nhà là giữ con an toàn

Trời đất, cha mẹ sẽ không thể theo con cả đời để mà giữ con an toàn vậy đâu. Hãy cho con trải nghiệm đi, chính việc trải nghiệm từ từ có lộ trình sẽ giúp con có kiến thức và kĩ năng vượt qua mọi thử thách và con sẽ sống tốt, an toàn hơn là cứ ru rú trong nhà.

Một số quan niệm sai lầm trên của bố mẹ khiến teen không thể gần gũi với bố mẹ được. Nếu chỉnh sửa đi tí, cha mẹ sẽ thấy hình ảnh khác liền à.

Trích sách "Teen ơi, làm bạn nhé" của TS Vũ Thu Hương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/teen-oi-lam-ban-nhe-10-dieu-cha-me-thuong-hieu-nham-con-post1090948.html