Techcombank có lo lắng khi BOT Thái Nguyên - Chợ Mới than khó?

Tài sản bảo đảm cho các dự án BOT chủ yếu từ vốn vay nên rất khó định giá, tiềm ẩn rủi ro mất thanh khoản, nợ xấu cao nên lượng xe, doanh thu không đạt như dự kiến, gây khó khăn cho các ngân hàng trong thu hồi vốn.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Thái Nguyên-Chợ Mới (Bắc Kạn) có chiều dài tuyến gần 40km, trong đó đi qua tỉnh Thái Nguyên 22,62km và đi qua tỉnh Bắc Kạn 17,1km. Tổng mức đầu tư dự án 2.746 tỷ đồng được thực hiện theo hình thức BOT do liên danh 3 đơn vị làm nhà đầu tư.

Dự án BOT tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới.

Theo tìm hiểu, hợp đồng tài trợ vốn cho dự án Thái Nguyên – Chợ Mới lên tới 1.650 tỷ đồng, Techcombank đóng vai trò là ngân hàng đầu mối thu xếp vốn cho công trình này. Một điểm được chỉ ra trong báo cáo của Kiểm toán Nhà nước tại dự án này cho thấy, việc huy động vốn vay không tuân thủ theo phương án tài chính trong hợp đồng BOT, Hợp đồng tín dụng giữa nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án và Techcombank số vốn vay còn thiếu so với yêu cầu của hợp đồng BOT, thời hạn các khoản vay ngắn hơn thời gian thu phí để hoàn vốn.

Trong văn bản gửi Bộ GTVT mới đây, Liên danh nhà đầu tư cho biết, Điều 69 của Hợp đồng BOT được ký kết giữa Bộ GTVT, nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án nêu rõ: “Trường hợp doanh thu thu phí không đảm bảo hoàn vốn cho Nhà đầu tư theo tính toán tại phương án tài chính trong Hợp đồng thì Bộ GTVT sẽ xem xét phối hợp cùng Nhà đầu tư trình cơ quan chức năng có liên quan và Chính phủ hỗ trợ cho Nhà đầu tư về cơ chế, chính sách đảm bảo việc thu hồi vốn và lợi nhuận cho Nhà đầu tư”.

Liên danh nhà đầu tư khẳng định, đến nay vẫn chưa có doanh thu để hoàn vốn, chứ chưa nói đến lợi nhuận, trong khi đó vẫn phải trả nợ lãi vay cho ngân hàng (khoảng 16 tỷ đồng/tháng), trả chi phí duy trì hoạt động của doanh nghiệp dự án và chi phí thực hiện bảo dưỡng thường xuyên tuyến đường (khoảng 0,7 tỷ đồng/tháng).

Như vậy, tổng các con số này đã phải chi trả trên 160 tỷ đồng và bắt đầu từ tháng 11/2017, Liên danh nhà đầu tư phải chi trả cả nợ gốc. Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án gặp rất nhiều khó khăn về tài chính và có thể rơi vào tình trạng vỡ nợ.

Hiện vẫn chưa có thông tin gì về cơ chế hỗ trợ về chính sách đảm bảo việc thu hồi vốn và lợi nhuận cho liên danh nhà đầu tư trong dự án này. Trước khi thực hiện, chủ đầu tư này phải lập và trình phương án tài chính, trong đó đã lường trước rủi ro và tính toán được doanh thu dự kiến, tất nhiên, lộ trình trả nợ thì đã rõ ràng. Như vậy có thể thấy, phương án tài chính mà chủ đầu tư lập ra ban đầu lại chẳng mang lại giá trị gì khi nhìn vào tình hình thực tế.

Theo quy định về tín dụng, các ngân hàng chỉ cho phép nhà đầu tư, doanh nghiệp vay vốn cho các dự án khi dự án có khả năng hoàn vốn. Tuy nhiên, trong triển khai thực hiện các nguyên tắc này, có một số trường hợp ngân hàng lại dựa vào thông tin xác nhận trên giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của dự án, trong khi đây chỉ là bản xác nhận thông tin đăng ký của nhà đầu tư. Hơn nữa, việc cấp tín dụng cho các dự án giao thông được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT cũng tiềm ẩn rủi ro khi các dự án bị chậm tiến độ.

Việc đầu tư một dự án BOT cả nghìn tỷ mà chưa phát huy được tối đa hiệu quả khai thác toàn tuyến, chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải và phát triển kinh tế - xã hội thì cần phải xem lại cách tính toán của chủ đầu tư. Và nếu trong trường hợp "kêu cứu" khó thành thì có phải ngân hàng cũng "chết chìm" theo những dự án như thế này, nói rõ hơn trong trường hợp này là ngân hàng Techcombank?

Để tìm hiểu rõ hơn về hợp đồng tín dụng trong vay vốn tại dự án này, PV đã nhiều lần liên hệ với đại diện Techcombank, song bị khước từ nhiều lần.

Mai An

Nguồn ANTT: http://antt.vn/techcombank-co-lo-lang-khi-bot-thai-nguyen-cho-moi-than-vo-no-216084.htm