Team building phải thực tế hơn nếu muốn nhân viên san sẻ thời gian

Team building được chứng minh giúp xây dựng sự gắn kết giữa các đồng nghiệp. Quản lý cần phải tạo ra hoạt động đủ ý nghĩa để nhân viên muốn tham gia, đủ hấp dẫn để họ trở lại.

Trên lý thuyết, team building có ý nghĩa là các hoạt động, trò chơi tập thể, kỳ nghỉ hay chuyến du lịch nhằm thúc đẩy nhân viên thoát khỏi vỏ bọc, xây dựng và củng cố mối quan hệ cũng như cải thiện sự gắn kết với đồng nghiệp.

Tuy nhiên, trong thực tế, đôi khi, nó gây ra nỗi sợ hãi đối với nhân viên, theo Spiceworks.

Theo một nghiên cứu năm 2018, chỉ 11% người lao động tin rằng team building giúp họ tăng cường sự tự tin trong công việc. Trong khi đó, chỉ 14% đồng ý những hoạt động như vậy có thể cải thiện sự giao tiếp với cấp trên và đồng nghiệp.

Dưới 1/5 cảm thấy team building khiến các mối quan hệ tại văn phòng trở nên tốt đẹp hơn.

Dù vậy, hầu hết công ty tổ chức những sự kiện này ít nhất 1-2 lần/năm, gây ra sự mệt mỏi bởi nhiều lý do.

Nghiên cứu năm 2021 từ Đại học Sydney (Australia) cho thấy phần lớn nhân viên không thích bị ép tham gia team building. Họ thậm chí coi đó là điều cấm kỵ đối với sự tồn tại của mình tại nơi làm việc, theo The New Daily.

PGS Julien Pollack, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết: “Nhiều người không muốn bị ép phải vui vẻ hoặc kết bạn, đặc biệt là khi công việc của họ quá bận rộn và môi trường làm việc căng thẳng. Tuy nhiên, những hoạt động này thường mang tính bắt buộc ngầm. Nhân viên có thể cảm thấy cấp trên tọc mạch hoặc cố kiểm soát cuộc sống riêng tư của họ quá nhiều”.

 Team building có ý nghĩa là các hoạt động thúc đẩy nhân viên gắn kết với đồng nghiệp. Ảnh: Hoàng Hà.

Team building có ý nghĩa là các hoạt động thúc đẩy nhân viên gắn kết với đồng nghiệp. Ảnh: Hoàng Hà.

Trong hơn 2 năm Covid-19 bùng phát, sự thay đổi hoàn toàn của văn hóa công sở gần như loại bỏ hết những trò vui gượng ép của thời kỳ tiền đại dịch.

Tất nhiên, nhiều người vẫn tham gia một số hoạt động team building ảo hoặc “giờ hạnh phúc” qua Zoom, nhưng phần lớn không còn bắt buộc phải có mặt trong các bữa tiệc sinh nhật hàng tháng, nhậu sau giờ làm hoặc đi du lịch cùng công ty.

Ngay cả khi nhiều doanh nghiệp kêu gọi nhân viên trở lại văn phòng, niềm vui tại nơi làm việc không còn như trước đây.

Trong môi trường làm việc kết hợp, thật khó để gắn kết mọi người lại với nhau. Thêm vào đó, việc sắp xếp lại mức độ ưu tiên trong cuộc sống khiến nhiều người chỉ muốn nhanh chóng trở về nhà với gia đình sau giờ làm việc.

Các công ty thông minh đang cố nắm bắt tâm tư của người lao động, rằng những hoạt động thế nào sẽ thu hút họ tham gia vì thích thú, không phải bị ép buộc.

Adrian Gostick, đồng tác giả của một số cuốn sách về nhân viên văn phòng, cho biết: “Không ai muốn bị nói rằng ‘Đây là hoạt động tập thể, bạn sẽ là kẻ tồi tệ nếu không tham gia’”.

Giống như nhiều thứ khác, đại dịch làm thay đổi niềm vui công sở. Do đó, mọi người ít có khả năng làm những việc họ không muốn hơn.

“Đại dịch đã khiến chúng ta nóng giận hơn một chút, hoài nghi hơn một chút và nhiều người không còn bận tâm đến những thứ mà họ cho là khó chịu nữa. Vì vậy, không ít bị vỡ mộng bởi các hoạt động team building ảo do lãnh đạo tổ chức với mong muốn giữ chân nhân sự”, Gostick nói.

Nhân viên có thể thấy không thoải mái khi bị ép tham gia hoạt động tập thể. Ảnh: Getty.

Theo PGS Julien Pollack, dù tốt hay xấu, team building vẫn cần thiết để nâng cao tinh thần và cải thiện sự gắn kết trong môi trường công sở.

Để thành công, bí quyết là tìm hiểu thực tế, thu nhỏ quy mô hoạt động và tập trung vào việc xây dựng mối quan hệ giữa những người có sự cộng tác cũng như giao tiếp.

“Công ty có thể cho nhân viên tùy ý quyết định có hoặc không tham gia team building. Dù kết quả lựa chọn thế nào, họ cũng không bị đánh giá sau đó”, Pollack nói.

Đại dịch cũng dẫn đến sự gia tăng của nhiều sáng kiến team building do nhân viên khởi xướng và dẫn dắt. Ví như các lớp học yoga hoặc nấu ăn cho đồng nghiệp.

Đó là sự thay đổi thú vị, từ “bạn phải làm điều này” và hướng đến “các bạn thực sự muốn làm gì?”.

Tác giả Adrian Gostick cũng thấy xu hướng tổ chức các bữa tiệc “uống rượu và than vãn” vào thứ sáu hàng tuần trên Zoom ở Mỹ. Tại đó, mọi người đều có thể trút bỏ sự bực bội về khách hàng tồi tệ và ông chủ khó chịu để chuẩn bị tận hưởng cuối tuần đồng thời thấy sảng khoái hơn vào sáng thứ hai.

Công ty có thể cho nhân viên tùy ý quyết định có hoặc không tham gia team building sẽ khiến họ thoải mái hơn. Ảnh: Hubgets.

Sau hơn 2 năm làm việc từ xa, số lượng lớn người lao động không còn muốn quay trở lại văn phòng. Tại Mỹ, theo một nghiên cứu của Pew Research vào tháng 2/2022, gần 60% người đang làm việc tại nhà muốn tiếp tục làm như vậy. Ở Anh, con số thống kê thậm chí còn rõ ràng hơn.

Gostick cho biết nhân viên bị ép trở lại văn phòng có khả năng sẽ nghỉ việc. Do đó, các công ty cần có những cách để “thu hút mọi người quay trở lại”.

“Một trong những khách hàng của tôi đã xây văn phòng mới và lớn hơn trong đại dịch. Cuối cùng, họ mở cửa cách đây vài tháng và tổ chức bữa tiệc hoành tráng. 90% nhân viên tham dự và rất hào hứng khi được gặp nhau. Tuy nhiên, đến thứ hai, có lẽ chỉ 10% đến làm việc. Mọi người rất muốn gặp gỡ, nhưng vẫn thích làm việc từ xa”, ông nói.

Theo Gostick, những bữa tiệc hào nhoáng lúc đầu có thể hiệu quả nhưng các công ty cần chiến lược vui vẻ lâu dài hơn. Họ phải tạo ra hoạt động team building đủ ý nghĩa để nhân viên muốn tham gia và đủ hấp dẫn để khiến họ trở lại.

“Không ép buộc, không phải nghĩa vụ. Lãnh đạo phải cho cấp dưới lựa chọn không tham gia nếu không hào hứng. Bởi hậu dịch, mọi người nhận ra rằng mỗi phút giây trôi qua đều quý giá. Nếu ông chủ muốn nhân viên san sẻ thời gian, họ phải sử dụng nó một cách khôn ngoan”, ông cho biết.

Thiên Nhi

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/team-building-phai-thuc-te-hon-neu-muon-nhan-vien-san-se-thoi-gian-post1329535.html