Tế bào ung thư cổ xưa được tìm thấy trong khúc xương 1,7 triệu tuổi

Ngón chân cổ đại của người được phát hiện ở Nam Phi cho thấy một phát hiện quan trọng trong nghiên cứu y học hiện đại.

Tại khu vực giàu hóa thạch của Nam Phi, được biết đến như là cái nôi của nhân loại, các nhà khoa học vừa phát hiện được dấu tích sớm nhất của một trong những căn bệnh gây chết người nhiều nhất trên thế giới.

Dựa vào hình ảnh 3D, các nhà nghiên cứu đã chẩn đoán căn bệnh này là ung thư u xương ác tính ở chân một người qua đời ở Swartkrans từ khoảng 1,6 đến 1,8 triệu năm trước. Khám phá này được đăng tải trên South African Journal of Science đãcho chúng ta kết quả khá bất ngờ, vì không chỉ cuộc sống hiện đại ở những nước công nghiệp phát triển mới khiến tỷ lệ mắc ung thư tăng cao mà căn bệnh này đã có từ rất lâu trong lịch sử tiến hóa của loài người.

“Bạn có thể lựa chọn chế độ ăn uống như người tiền sử và sống trong một môi trường trong sạch, nhưng khả năng mắc bệnh này là từ xa xưa và nó tiềm ẩn trong người bạn bất kể bạn sống như thế nào”, ông Edward Odes tại Đại học Witwatersrand, đồng tác giả nghiên cứu cho biết.

Hình ảnh chụp cắt lớp siêu nhỏ cho thấy một khối u ở ngón chân cổ đại từ một loài linh trưởng giống người. Ảnh: Patrick Randolph-Quinney, UCLAN.

Hình ảnh chụp cắt lớp siêu nhỏ cho thấy một khối u ở ngón chân cổ đại từ một loài linh trưởng giống người. Ảnh: Patrick Randolph-Quinney, UCLAN.

Sự đe dọa tiềm ẩn

Nguồn gốc chính xác của căn bệnh ung thư là một chủ đề gây tranh cãi, một phần do sự không đầy đủ các bằng chứng lịch sử. Tài liệu ghi nhận sớm nhất về bệnh được cho là của bác sĩ Ai Cập vĩ đại Imhotep, vào khoảng năm 2600 TCN. Trong ghi chép của Imhotep, ông mô tả dấu hiệu bệnh là “phồng khối trong vú” và nó kháng lại mọi phương pháp điều trị được biết đến vào thời đó.

Hầu hết các ghi chép cổ đại cũng ít nhiều nói về căn bệnh và mô tả giải phẫu chính xác các khối u ác tính cuối cùng cũng xuất hiện vào cuối thế kỷ 18. Những mô tả có lẽ liên quan đến căn bệnh ung thư được ghi chép lại trong lịch sử, cho rằng những người mắc bệnh hầu hết trên 65 tuổi và sau một thời gian dài căn bệnh mới trở thành mối bận tâm, khi người ta nhận thấy rất ít người sống đủ lâu để chống chọi lại nó.

Bằng chứng bệnh ung thư cũng khó xác định khi dựa vào các hóa thạch. Hóa thạch chỉ là một phần nhỏ của xương trên cơ thể một ai đó sống tại thời điểm khác nhau trong lịch sử. Một vài nhà nghiên cứu cũng đã tìm được câu trả lời trong các xác ướp – những hiện vật có thể bảo quản được mô mềm.

Vào năm 1990, một cuộc khám nghiệm tử thi được thực hiện trên những xác ướp ngàn tuổi ở Peru, kết quả cho thấy trường hợp của một phụ nữ khoảng 30 tuổi mắc một khối u ác tính ở phần trên cánh tay trái của mình. Khối u đã phát triển quá lớn và có thể đã phá vỡ phần da thịt xung quanh ngay khi cô vẫn còn sống.

Góc nhìn khác về khúc xương mắc ung thư. Ảnh: Patrick Randolph-Quinney, UCLAN.

Bằng chứng về trường hợp cổ xưa nhất của căn bệnh ung thư ác tính

Việc ướp xác chỉ mới được thực hiện không quá vài ngàn năm, trong khi các hóa thạch có thể có tuổi đời lên tới hàng triệu năm. Giờ đây, Odes và các đồng nghiệp của ông đang rất tự tin rằng xương người được tìm thấy ở khu vực Swartkrans gần Johannesburg có thể chứa đựng trường hợp cổ xưa nhất của căn bệnh ung thư ác tính.

Sử dụng một phương pháp được gọi là chụp ảnh CT siêu nhỏ, nhóm nghiên cứu đã dựng hình ảnh hai chiều và ba chiều của phần bên trong hóa thạch. Hình ảnh cho thấy sự khác biệt về mật độ xương và cái nhìn từ các hướng khác nhau.

Mô hình của mô xương bao gồm một thành phần riêng biệt có hình dạng giống như súp lơ, điều này dẫn nhóm nghiên cứu đến việc chẩn đoán tình trạng u xương ác tính, căn bệnh này ngày nay tấn công chủ yếu vào trẻ em và thanh thiếu niên.

Hóa thạch ngón chân trái được tìm thấy chỉ là một phần của bộ xương hoàn chỉnh, vì thế nó quá ít thông tin để có thể xác định được đối tượng chính xác, cho biết đó là trẻ em hay người lớn, có phải ung thư là nguyên nhân cuối cùng dẫn tới cái chết hay không.

Một điều mà các nhà khoa học đã biết chắc chắn: Nó đã gây ra cảm giác vô cùng đau đớn, ảnh hưởng đến khả năng đi hay chạy của người đó.

Căn bệnh có thể phát triển

Trong một bài viết khác trong cùng số tạp chí, nhóm nghiên cứu đã mô tả sự tăng trưởng một khối u lành tính trong một đốt sống từ bộ xương người có niên đại 1,98 triệu năm. Bộ xương này được xác định là của loài vượn người phương Nam Australopithecus sediba, được phát hiện bởi Lee Berger thuộc nhóm khám phá của National Geographic tại Malapa, cách vài dặm so với Swartkrans.

Trước phát hiện này, sự tăng trưởng khối u lành tính lâu đời nhất là 120.000 năm của loài người Neanderthal, được khai quật tại Croatia. Việc tìm thấy khối u lành tính tại Malapa tiếp tục chứng minh cho sự tồn tại của căn bệnh ung thư ác tính trong thời gian đầu của những loài linh trưởng có quan hệ gần với loài người.

“Nếu đó là khối u lành tính, sẽ có những cách để giữ khối u trong tầm kiểm soát, nó sẽ tự giới hạn và chỉ tăng trưởng đến một kích cỡ nhất định rồi cơ bản sẽ dừng lại ở đó. Trong khi đó, ung thư ác tính sẽ tăng nhanh mà không có cơ chế kiểm soát", nhà cổ nhân loại học Patrick S. Randolph-Quinney, một trong những nhà nghiên cứu của nhóm, cho biết.

Nhóm nghiên cứu cũng nhận thấy những phát hiện của họ như một lời nhắc nhở quan trọng rằng ung thư là một đối tượng có thể tăng trưởng. Tổ tiên của chúng ta đã cho chúng ta bộ gen chứa bệnh ung thư, nhưng căn bệnh này ngày nay thể hiện ở những kiểu khác nhau khi chúng ta tiếp xúc với những thay đổi trong môi trường sống.

Theo Quang Niên/Khám phá

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/te-bao-ung-thu-co-xua-duoc-tim-thay-trong-khuc-xuong-1-7-trieu-tuoi/20200616085653666