Tổng thiệt hại do Hamas gây ra cho Israel trong 8 ngày xung đột

Cho đến nay, tuy ít tổn thất về người, Israel đã hứng chịu thiệt hại lớn về kinh tế và cơ sở hạ tầng do các đợt phóng rocket của Hamas từ Gaza sang.

Hamas gây tổn thất như thế nào cho phía Israel?

Sau hơn 1 tuần leo thang xung đột, hai bên là Palestine và Israel đều hứng chịu những thiệt hại nặng nề về con người và kinh tế. Truyền thông quốc tế chú ý nhiều hơn đến những thương vong của Palestine, bởi trong số những nạn nhân thiệt mạng có cả dân thường, trẻ em và phụ nữ; nhiều cơ sở hạ tầng bị phá hủy. Trong khi đó, thiệt hại đối với Israel có thể thấp hơn về người nhưng người dân ảnh hưởng về tinh thần, kinh tế và hạ tầng cũng rất lớn. Tuy nhiên, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã mạnh mẽ tuyên bố chiến dịch quân sự nhằm vào dải Gaza sẽ vẫn tiếp diễn chừng nào Hamas còn gây đe dọa cho người dân và an ninh của Israel.

Ô tô Israel trúng rocket của Hamas. Ảnh: Reuters.

Ô tô Israel trúng rocket của Hamas. Ảnh: Reuters.

Phía Israel cho biết trong 8 ngày leo thang xung đột vừa qua, các phiến quân từ Gaza đã bắn khoảng 3.500 quả rocket về phía Israel, thấp hơn con số khoảng 4.500 quả rocket đã được phóng trong cuộc xung đột năm 2014, kéo dài 51 ngày. Tuy nhiên, đến nay đã có 11 người Israel thiệt mạng do trúng tên lửa. Ngoài ra, Israel còn phải chịu những tổn thất lớn về kinh tế.

Cụ thể, chiến dịch quân sự do Israel triển khai mang tên “Người bảo vệ bức tường” đã khiến nước này tiêu tốn khoảng 300 triệu USD và chi phí sẽ tiếp tục tăng lên nếu xung đột tiếp diễn. Thiệt hại tài sản trực tiếp đối với cả các công trình tư nhân và cơ sở hạ tầng công cộng do việc bắn tên lửa từ Dải Gaza về phía Israel trong hơn 1 tuần qua, đã tương đương với tổng thiệt hại trong đợt xung đột năm 2014, khoảng hơn 60 triệu USD. Kể từ khi bùng phát đợt leo thang vào ngày 10/5 đến nay, đã có hơn 4.000 người Israel nộp báo cáo về thiệt hại đáng kể đối với nhà cửa và tài sản do hậu quả của các vụ bắn tên lửa từ Gaza.

Ngoài ra, các hoạt động sản xuất kinh tế và sinh hoạt của người dân Israel còn bị ảnh hưởng nghiêm trọng do các cuộc tấn công tên lửa nhằm vào một số thành phố của nước này. Khoảng 30% các cơ sở sản xuất ở khu định cư ven Gaza phải ngừng hoạt động hoàn toàn; 17% các nhà máy ở các khu vực còn lại phía Nam Israel và thủ đô Tel Aviv phải ngừng hoạt động một phần; 70% các cơ sở giáo dục đào tạo phải đóng cửa; thị trường chứng khoán ở Tel -Aviv thiệt hại khoảng 28%.

Theo đánh giá của liên minh những nhà sản xuất Israel, nước này thiệt hại 165 triệu USD từ việc gián đoạn hoạt động sản xuất trong vòng 3 ngày. Ngoài ra, nhiều hãng hàng không nước ngoài của Mỹ, châu Âu, UAE đã hủy các chuyến bay đến và đi từ Israel; hoạt động khai thác tại mỏ khí đốt tự nhiên Tamar ở Địa Trung Hải (trữ lượng khoảng 300 tỷ m3) cũng bị đình chỉ; tuyến đường ống dẫn dầu giữa Ashkelon và Eilat bị hư hỏng.

Con số về chi phí và thiệt hại kinh tế có thể lên tới hàng tỷ USD nếu cuộc chiến kéo dài. Điều này đang trở thành gánh nặng với ngân sách quốc gia của Israel, vốn đang bị thâm hụt lớn do khủng hoảng kinh tế gây ra bởi đại dịch Covid-19 và bế tắc chính trị sau khi Thủ tướng Benjamin Netanyahu thất bại trong việc thành lập một chính phủ ổn định và không thể thông qua gói ngân sách tài chính quốc gia trong vòng 2 năm qua.

Dư luận Israel về hiệu quả của hệ thống phòng không Vòm Sắt

Hệ thống Vòm Sắt bắt đầu hoạt động từ năm 2011 và được coi là một trong những hệ thống phòng thủ tiên tiến nhất của thế giới. Hệ thống phòng thủ này được thiết kế để đánh chặn và tiêu diệt tên lửa tầm ngắn và đạn pháo, thông qua việc sử dụng radar để xác định và tiêu diệt các mối đe dọa trước khi chúng gây ra thiệt hại.

Ưu điểm của hệ thống Vòm Sắt là có tính linh hoạt cao, hoạt động được trong mọi điều kiện thời tiết. Ước tính Israel hiện triển khai khoảng 10 khẩu đội dự bị trên khắp đất nước, mỗi khẩu đội có 3-4 bệ phóng đủ sức bắn ra 20 tên lửa đánh chặn cùng lúc.

Trong đợt leo thang hiện nay ở Gaza, Hamas và các nhóm vũ trang Palestine đã cố gắng áp đảo hệ thống bằng cách bắn hàng chục quả rocket cùng một lúc, và chiến thuật này đã phần nào thành công khi có những tên lửa đã vượt qua hệ thống và rơi xuống các khu dân cư của Israel gây thương vong. Tuy nhiên, dư luận Israel nhìn chung vẫn tin tưởng vào hệ thống phòng thủ này để bảo vệ trước các mối đe dọa.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố, hoạt động phòng thủ của hệ thống Vòm Sắt đủ hiệu quả để đánh bại việc Hamas phóng rocket dồn dập. Quân đội Israel cũng khẳng định hệ thống phòng không tầm ngắn của Israel đang thành công trong các đợt bạo lực giữa Israel và Gaza, khi đã đánh chặn hơn 90% tên lửa hướng đến các khu vực đông dân cư và cứu sống hàng trăm người; con số thương vong của Israel chắc chắn sẽ cao hơn nhiều nếu không có hệ thống này.

Một điểm đáng nói thêm là chi phí cho mỗi tên lửa của hệ thống Vòm Sắt rất đắt đỏ (khoảng 50.000 - 100.000 USD) so với các tên lửa tầm ngắn của Hamas (có giá từ 300 - 800 USD), tuy nhiên Israel cho rằng chi phí này là hoàn toàn cần thiết để bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân.

Tuy vậy, đợt leo thang xung đột tại Gaza cũng đặt ra yêu cầu đối với Israel cần mở rộng và cải tiến hệ thống Vòm Sắt để nâng cao hiệu quả đánh chặn tên lửa trong tương lai, trong bối cảnh Hamas đang thử nghiệm các chiến thuật tấn công mới cũng như có thể phát triển kho vũ khí của mình với các máy bay không người lái và tên lửa có tầm bắn xa hơn và độ chính xác cao hơn.

Hamas dựa vào đâu để đối đầu lâu dài với Israel?

Cuộc chiến leo thang giữa các nhóm chiến binh Palestine ở Dải Gaza và quân đội Israel đã gây ra những cái chết, thiệt hại và đau khổ cho cả hai bên, tuy nhiên hầu hết các chuyên gia nhận định đây vẫn là một cuộc đấu tranh cực kỳ bất cân xứng. Israel là bên áp đảo toàn diện về mặt lực lượng, cho phép họ tấn công các mục tiêu ở Gaza theo ý muốn. Thiệt hại mà phía Hamas và các nhóm Jihad phải gánh chịu cũng rất lớn khi một số lãnh đạo cấp cao và nhiều thành viên bị thiệt mạng, các cơ sở hạ tầng, trụ sở an ninh, kho vũ khí, các đường hầm… bị phá hủy.

Tuy nhiên, Hamas có thể dựa vào một số yếu tố để sẵn sàng duy trì đối đầu với Israel:

Thứ nhất, về mặt danh nghĩa, Hamas phát động cuộc chiến với Israel với tuyên bố đây là hành động chống lại lực lượng chiếm đóng và bảo vệ vùng lãnh thổ Jerusalem và quyền lợi của người Hồi giáo Palestine đối với nhà thờ al-Aqsa. Mục đích này được thể hiện khi Hamas đặt tên cho cuộc tấn công rocket của mình là Saif al-Quds (có nghĩa là Thanh kiếm Jerusalem).

Với những tuyên bố như trên, Hamas sẽ dễ nhận được sự ủng hộ của thế giới A-rập, Hồi giáo và sự đồng cảm của cộng đồng quốc tế. Đối với các nước Arab và Hồi giáo thì Jerusalem và nhà thờ al-Aqsa luôn là một vấn đề mang ý nghĩa tôn giáo thiêng liêng mà họ có nghĩa vụ bảo vệ, đồng thời lập trường ủng hộ cuộc đấu tranh của người Palestine nhằm thành lập một nhà nước độc lập với thủ đô là Đông Jerusalem là lập trường mang tính truyền thống.

Ngoài ra, việc tình trạng đời sống của người Palestine ở bờ Tây và dải Gaza xuống cấp, cùng với những hạn chế bất công mà họ phải đối mặt, cũng là vấn đề luôn được cộng đồng quốc tế quan tâm, tìm cách giúp đỡ.

Thứ hai, về mặt chính trị, trong đợt leo thang hiện nay, hầu hết cộng đồng quốc tế lên án hành động bạo lực quá mức của Israel gây ra nhiều thương vong cho dân thường và phá hủy các mục tiêu dân sự, bao gồm tòa nhà có văn phòng các cơ quan truyền thông quốc tế. Hamas với hành động quyết của mình thì cũng đã đạt được lợi ích chính trị khi thể hiện vai trò lớn hơn trước pháo Fatah của Tổng thống Abbas.

Thứ ba, về mặt quân sự, Hamas tin rằng Israel khó có khả năng triển khai một chiến dịch tấn công trên bộ hoặc nếu có cũng chỉ có thể là một cuộc tấn công chớp nhoáng, bởi khu vực Gaza có địa hình tác chiến phức tạp, mật độ dân cư cao, nên tiềm ẩn rủi ro cao cho các lực lượng Israel nếu tiến vào đây. Tình trạng xung đột bất ổn càng kéo dài thì Israel có thể sẽ là bên chịu thiệt hại lớn hơn về mặt kinh tế, do vậy không có lợi cho tương lai chính trị của Thủ tướng Benjamin Netanyahu. Ngoài ra, Hamas có thể dựa vào sự hỗ trợ quân sự từ các nước trong khu vực, trong đó có Iran, điều mà phía Israel nhiều lần cáo buộc./.

Tuấn Nguyễn/VOV-Cairo

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/tong-thiet-hai-do-hamas-gay-ra-cho-israel-trong-8-ngay-xung-dot-859013.vov