Tay trần bắt cá mập, ăn thịt đồng nghiệp đã chết để tồn tại trong chuỗi ngày tháng lênh đênh trên biển

Trước sự khắc nghiệt của biển cả, những nhân vật trong các câu chuyện dưới đây phải dùng tay trần bắt cá mập, ăn giày và thậm chí ăn thịt đồng đội đã chết để sống sót.

Phan Liêm: 133 ngày lênh đênh trên biển

Vào chiều ngày 23/11/1942, Phan Liêm (người Trung Quốc) cùng 53 thuyền viên của con tàu Ben Lemmond sẵn sàng cho chuyến hải trình dài từ Cape Town, Nam Phi đến Suriname, Nam Mỹ. Tuy nhiên chiếc thuyền bị lính Đức phát hiện và đánh chìm. Tất cả thuyền viên đều thiệt mạng, chỉ duy nhất Phan Liên, khi đó mới 18 tuổi, may mắn được tìm thấy khi trèo lên được chiếc bè dài 2,4m sau hai giờ lênh đênh trên biển. Trên chiếc bè lúc đó có bánh quy, socola, đường, pháo sáng, đèn pin, chậu khói, và 40 lít nước.

Sau khi dùng hết số lương thực trên, ông phải dùng vải bạt hứng nước mưa làm nước uống, dùng dây kẽm và lò xo từ đèn pin làm lưỡi câu cá để tồn tại. Khi gặp cá mập, ông không hề sợ hãi mà còn hạ được chúng. Ông cũng uống máu và ăn thịt của chúng để sống sót qua ngày.

Cuối cùng, vào ngày 5/4/1943, Phan Liêm dạt vào một cửa sông và được 3 ngư dân người Brazil giải cứu. Cho đến ngày nay, ông vẫn là người giữ kỷ lục chính thức về việc sinh tồn trong một thời gian dài giữa biển khơi. Sau khi được giải cứu, Phan Liêm phải nhập viện trong 4 tuần và được nhà vua George VI dành tặng huy chương danh dự của Vương Quốc Anh. Sau thế chiến II Phan Liêm di cư sang Mỹ. Vào ngày 4/1/1991, ông qua đời tại nhà riêng ở New York, hưởng dương thọ 72 tuổi.

Wilbert Widdicombe và Robert Tapscott: 70 ngày

Vào ngày 30/10/1940, hai thủy thủ người Anh, Wilbert Roy Widdicombe và Robert George Tapscott, được đưa về Eleuthera, Bahamas sau 70 ngày trôi dạt trên biển. Làn da họ bị cháy sạm bởi ánh nắng mặt trời, mái tóc từng được nhận xét là không khác gì một bó rơm.

Khi được cứu vớt, Robert George Tapscott yếu đến nỗi không thể đi bộ, còn Wilbert Roy Widdicombe bị mất vài chiếc răng do cố ăn giày vì quá đói. Họ là hai người đàn ông duy nhất còn sống sót sau khi con tàu Anglo Saxon của Anh bị tàu chiến Đức - Widder đánh chìm tại bờ biển châu Phi vào đêm 21/8/1940.

Widdicombe và Tapscott cùng 5 người khác đã nhanh chân trốn vào một con thuyền nhỏ khi tàu của họ bị tấn công. Tuy nhiên, chỉ ít giờ sau, hai trong số họ bị bắn chết, những người còn lại điên cuồng nhảy xuống biển hoặc tự dùng dao cắt cổ họng. Không muốn từ bỏ mạng sống quý giá, Widdicombe và Tapscott đã cố gắng tận dụng lượng thức ăn ít ỏi trên tàu để sống sót qua ngày.

Jose Salvador Alvarenga: 438 ngày

Vào ngày 17/11/2012, Jose Salvador Alvarenga và Ezequiel Cordoba rời khỏi cảng Costa Azul, Mexico trên một chiếc thuyền dài 7m với mục đích đơn giản là để đánh bắt cá. Tuy nhiên, mọi thứ đã bị đảo lộn khi họ gặp phải con sóng cao tới 5m cùng những đợt gió lớn có vận tốc khoảng 100 km/h. Kém may mắn hơn khi tình trạng này kéo dài liên tiếp trong vòng 5 ngày.

Vào thời điểm “sóng yên biển lặng”, cũng là lúc tất cả thức ăn và thiết bị trên tàu biến mất, động cơ và bộ đàm ngừng hoạt động. Lúc này, họ cách Mexico 450km. Mặc dù các ngư dân đã tổ chức hoạt động tìm kiếm và cứu nạn kéo dài hai tuần, tuy nhiên cũng không tìm thấy dấu vết của họ. Tất cả mọi người đều tin rằng hai người đã chết.

Những ngày lênh đênh trên biển, làn da của Ezequiel Cordoba bao phủ đầy những vết lở loét. Để sống sót, bộ đôi này phải ăn chim biển, bất chấp mùi vị nồng nặc. Trong một lần vô tình ăn phải rắn biển, Ezequiel Cordoba bị ngộ đến thập tử nhất sinh. Đến ngày thứ 23 trên biển, Cordoba bắt đầu bị ảo giác. Có những lúc, ông còn cố tự tử vì lo sợ đám cá mập luôn vây quanh. Cuối cùng, đến ngày thứ 118, Ezequiel Cordoba tử vong.

Vào ngày 30/1/2014, sau 14 tháng sống trên biển, Alvarenga xuất hiện tại quần đảo Marshall. Nhiều người nghi ngờ câu chuyện của ông, nhưng các nhà hải dương học và các bác sĩ lên tiếng xác nhận rằng đó là sự thật. Tuy nhiên, điều đó không ngăn cản được việc thực hiện “thí nghiệm” Alvarenga. Do gia đình Cordoba nghi ngờ Alvarenga ăn cơ thể con trai họ, mặc dù ông tuyên bố đã chôn thi thể Ezequiel Cordoba trên biển.

Thuyền trưởng Jukichi, Hanbe và Otokichi: 484 ngày

Vào ngày 4/11/1813, một chiếc tàu của Nhật Bản dưới sự chỉ huy của thuyền trưởng Jukichi phải đối mặt với một trận bão ở Shizuoka, Nhật Bản, khi đang trên đường quay trở lại từ Edo (Tokyo ngày nay). Buồng lái và cột buồm bị cơn bão phá hủy. Những người trên tàu không còn cách nào khác buộc phải để nó trôi dạt trong 484 ngày vô vọng cho đến khi được giải cứu trên vùng biển California vào ngày 24/3/1815.

Khi được phát hiện, chỉ có 3 người trên tàu còn sống sót, trong đó có thuyền trưởng Jukichi và hai thủy thủ đoàn là Hanbe và Otokichi. 12 người khác đã chết do mắc bệnh xco- buýt (bệnh của máu do thiếu vitamin C trong đồ ăn hàng ngày). Khi đặt chân lên đất Mỹ, họ tạo ra sự tò mò, vì họ là những người Nhật đầu tiên tới đây. Do thời điểm đó, Nhật Bản là một quốc gia “bế quan tỏa cảng”, không cho phép người nước ngoài nhập cảnh.

Tuy vậy, Hanbe đã chết trong chuyến trở về Nhật Bản, chỉ còn lại thuyền trưởng Jukichi và Otokichi. Thuyền trưởng Jukichi trở nên nổi tiếng sau khi trở về quê hương và thậm chí còn được cập họ riêng (vào thời điểm đó, chỉ có công dân thuộc tầng lớp quý tộc mới được hưởng quyền lợi này).

Vidana, Rendon và Ordonez: 285 ngày

Vào ngày 28/10/2005, 5 người đàn ông cùng nhau rời San Blas, Mexico để đánh bắt cá. Tuy nhiên, họ sớm gặp phải vấn đề khi một động cơ trên tàu ngừng hoạt động, một chiếc khác lại rò rỉ nhiên liệu, khiến con tàu trôi dạt. Những người đàn ông này đã phải ăn chim biển, thậm chí cả cá mập được bắt bằng chính đôi tay trần của họ. Họ hứng nước mưa vào một chiếc xô đựng cá để có nước. Tuy vậy, hai trong số 5 ngư dân đã sớm qua đời do không thể ăn thịt sống.

Sau đó, con tàu tiếp tục trôi dạt cho tới khi nó được tìm thấy bởi một chiếc thuyền đánh cá gần quần đảo Marshall vào ngày 8/8/2006. Thế nhưng, 3 người còn lại là esus Vidana, Lucio Rendon và Salvador Ordonez không được chào đón khi trở về vì họ bị kết tội ăn thịt các đồng nghiệp đã chết.

Maurice và Maralyn Bailey: 117 ngày

Ngày 4/3/1973, Maurice Bailey cùng vợ là Maralyn có chuyến du lịch trên biển từ Anh đến New Zealand, thì bất ngờ một con cá voi đâm vào chiếc du thuyền của họ ngay ngoài khơi Guatemala. Họ nhanh chóng dùng phao cứu hộ nhảy xuống biển trước khi con tàu chìm xuống. Cũng bởi vâỵ̣, họ không có thức ăn dự trữ nên buộc phải ăn sống rùa, chim và cá để tồn tại.

Sẽ không có ai biết được cặp vợ chồng đang gặp khó khăn nếu Maralyn không gửi bưu thiếp vào mối bến cảng mà họ ghé qua. Tấm bưu thiếp cuối cùng được gửi vào tháng 2 năm 1973, khi cặp vợ chồng đang lênh đênh tại kênh đào Panama. Mặc dù cặp vợ chồng đi qua nhiều con tàu, nhưng không ai nhìn thấy họ. Chiếc phao cứu hộ cũng bắt đầu có dấu hiệu mòn sau hai tháng trên biển, các đường nối của nó bị tách ra.

Mãi cho đến ngày 30/6/1973, sau 117 ngày trên biển, hai vợ chồng mới được một tàu đánh cá Hàn Quốc phát hiện. Cặp đôi bị cháy nắng, suy dinh dưỡng, mất nước và bị nhiều vết loét. Dạ dày của họ bị co vào đến nỗi họ không thể ăn thứ gì rắn trong hai ngày.

Nalepka, Glennie, Hofman và Hellriegel: 119 ngày

John Glennie, Rick Hellriegel, Jim Nalepka và Phil Hofman cùng ở trên chiếc du thuyền có tên Rose-Noelle khi nó bị lật ngược vào khoảng 6 giờ sáng ngày 4/6/1989. 4 người đàn ông leo lên đáy thuyền và ở đó trong khoảng bốn tháng. Chính quyền New Zealand tuyên bố những người này đã tử vong sau khi thất bại trong cuộc tìm kiếm cứu nạn.

4 người đàn ông trôi dạt đến Chilê, nhưng cuối cùng lại dừng chân tại hòn đảo Great Barrier tại New Zealand. Ban đầu, chính quyền New Zealand nghi ngờ câu chuyện của họ, đặc biệt là vì họ mặc quần áo sạch sẽ và không có những vết loét, trái với những gì mà nhiều người khác phải đối mặt với không khí biển mặn trong nhiều tháng. Thậm chí, lực lượng hải quan New Zealand còn nghi ngờ rằng những người đàn ông này có thể đã đi thuyền đến Nam Mỹ để buôn bánma túy .

Nhiều cuộc điều tra chứng minh được rằng chiếc du thuyền thực sự bị lật ngược như thông tin mà 4 nạn nhân tuyên bố. Tuy nhiên, thực tế, họ lại sống bên trong một góc nhỏ của chiếc tàu và ăn thức ăn dự trữ ở đó. Khi lên bờ, họ tìm thấy một căn nhà trống rỗng và tìm thấy quần áo sạch để mặc.

Jennifer Appel và Tasha Fuiava: 176 ngày

Vào ngày 3/5/2017, Jennifer Appel và Tasha Fuiava rời Honolulu cùng với hai chú chó đến Tahiti. Chiếc thuyền của hai người phụ nữ được cho là bị mắc kẹt trong một cơn bão lớn, khiên nước biển tràn ngập động cơ. Vào ngày 25/10, họ được Hải quân Mỹ phát hiện và giải cứu.

Được biết, trong khoảng thời gian lênh đênh trên biển, hai người phụ nữ này không hề bật chức năng định vị trên tàu. Họ còn tuyên bố rằng một chiếc thuyền đánh cá Đài Loan cố tình đâm vào thuyền của hai người.

William và Simonne Butler: 66 ngày

William và Simonne Butler có ý tưởng đi du lịch vòng quanh thế giới trên chiếc thuyền buồm. Tuy nhiên, kế hoạch của họ sớm thất bại khi một đoàn cá voi gồm 200 đến 500 con, tạo thành một dải có chiều dài 2.200km. Một con cá voi đã đâm vào phía mạn thuyền. 15 phút sau, con thuyền chìm xuống lòng đại dương. Cặp vợ chồng nhanh chân leo lên một chiếc bè cao su.

Tất cả những gì mà cặp vợ chồng có là một con dao, một máy khử nước mặn, một cái móc cá, đèn pin, hai cái chăn, ba pháo sáng, 38 lít nước và một chiếc Sony Walkman. Họ nhanh chóng ăn hết thức ăn trong 4 tuần và phải tìm đến rùa và cá hồi.

Thật không may, cá mập luôn rình rập dưới chiếc dưới bè của họ. Đến ngày thứ 66, một chiếc thuyền của Cảnh sát Costa Rica phát hiện và giải cứu họ. Khi được tìm thấy, William và Simonne sụt tới 23kg. Chân của Simonne được cho là mềm như bông, trong khi William bị đứt một phần ở tay phải và có một vết loét trên lưng.

Toakai Teitoi: 108 ngày

Vào ngày 27/5/2012, Toakai Teitoi đã đi từ Maiana tới Tarawa để tuyên thệ nhậm chức. Trong chuyến đi trở lại, ông xem một bộ phim về 4 người đàn ông Kiribati mất tích trên biển trong 6 tuần mà không hề biết rằng ông cũng sắp phải trải nghiệm số phận tương tự.

Teitoi cùng với anh rể của ông là Ielu Falaile tỉnh giấc và phát hiện họ đang lênh đênh trên biển mà không hay biết chuyện gì đã xảy ra trước đó. Hai người đàn ông đành trông cậy vào lượng thức ăn dự trữ ít ỏi trên tàu để kéo dài sự sống. Tuy nhiên, lúc đó, họ lại không có nước uống. Điều này đã khiến Falaile qua đời ngày 4/7. Chỉ một ngày sau, trận bão lớn kèm theo mưa lớn đã giúp Teitoi lấp đầy hai thùng nước 19 lít, thoát khỏi tình thế hiểm nguy.

Buổi trưa ngày 11/9, khi Teitoi đang ngủ say thì một con cá mập lao tới và đập mạnh vào thuyền của ông. Tuy nhiên, chính nhờ con cá mập này thu hút sự chú ý của những thủy thủ trên chiếc tàu đánh cá gần đó, mà Toakai Teitoi được giải cứu. Cho tới tận bây giờ, Teitoi vẫn luôn tin rằng ông được cứu bởi cá mập.

Ngọc Bích

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/the-gioi/nhung-cau-chuyen-nghe-thoi-da-rung-minh-cua-nhung-nguoi-song-sot-sau-nhieu-thang-lenh-denh-tren-bien-2245850.html