Tây Ninh xác lập những cột mốc ấn tượng về phát triển kinh tế- xã hội

17/17 chỉ tiêu về kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh Tây Ninh đạt và vượt so với Nghị quyết của Tỉnh ủy. Đáng chú ý, du lịch, kim ngạch xuất khẩu, thu ngân sách năm 2022 xác lập những mốc mới cao nhất từ trước tới nay.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2022, tốc độ tăng trưởng của tỉnh đạt 9,56%, đứng thứ 16 của cả nước, đứng thứ 1 vùng Đông Nam bộ và đứng thứ 28 về quy mô nền kinh tế của cả nước.

Cơ cấu tăng trưởng cũng có thay đổi, về công nghiệp - xây dựng tăng trưởng 15%, nông nghiệp tăng trưởng 2,7%; dịch vụ tăng trưởng 9,6%.

Nổi bật, du lịch đạt trên 4,5 triệu lượt khách, tăng gần 200% so với năm 2021, trong đó, khu du lịch quốc gia núi Bà Đen duy trì nằm trong top 5 điểm đến du lịch hấp dẫn và có lượng du khách lớn nhất cả nước.

Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen duy trì nằm trong top 5 điểm đến du lịch hấp dẫn và có lượng du khách lớn nhất cả nước

Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen duy trì nằm trong top 5 điểm đến du lịch hấp dẫn và có lượng du khách lớn nhất cả nước

Đây là năm đầu tiên kim ngạch xuất khẩu đạt mức 6,4 tỉ USD; khả năng đến cuối năm thu ngân sách vượt ngưỡng 12.000 tỉ đồng, thu ngân sách cấp tỉnh, cấp huyện đều về đích trước hạn từ 2-5 tháng, có 3 huyện đạt và vượt chỉ tiêu thu ngân sách trước 5 tháng, gồm huyện Gò Dầu, Dương Minh Châu và Bến Cầu.

Năm 2022, Tây Ninh có 650 doanh nghiệp thành lập mới, tổng vốn đăng ký là 9.000 tỉ đồng. Về giải ngân vốn đầu tư công, Tây Ninh nằm trong nhóm 6 tỉnh dẫn đầu cả nước về giải ngân vốn Trung ương giao. Ước đến hết 31-1-2023, giải ngân trên 4.368 tỉ đồng, đạt 96,97% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 97,36% kế hoạch HĐND tỉnh giao.

Ông Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, cho biết có nhiều yếu tố đóng góp vào mức tăng thu của địa phương, chẳng hạn như một số dự án của các doanh nghiệp hết thời hạn ưu đãi và bắt đầu có đóng góp vào ngân sách; thị trường bất động sản sôi động, lệ phí trước bạ tăng cao, vượt gần 300 tỉ đồng so kế hoạch; thu sử dụng đất tăng cao.
Sau đại dịch, hoạt động của xổ số phục hồi, thu từ xuất nhập khẩu qua biên giới tăng không chỉ đối với hàng hóa trong tỉnh mà còn của khu vực miền Đông...

Tuy nhiên, KT-XH vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức do mức tăng và cơ cấu nguồn thu một số chỉ tiêu chưa bền vững; các đột phá chiến lược kết quả chưa toàn diện, nhất là đột phá về nông nghiệp còn hạn chế; nguồn lực đất đai chưa được khai thác tốt nhất...

Năm 2023, địa phương đề ra nhiều giải pháp trong tâm về phát triển KT-XH, trong đó tập trung cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương công vụ và thúc đẩy chuyển đổi số, coi chuyển đổi số như một động lực mới phát triển KT-XH.

Xúc tiến dự án cao tốc TP HCM- Mộc Bài; phối hợp Bộ Giao thông Vận tải triển khai các thủ tục pháp lý liên quan dự án cao tốc Gò Dầu - Xa Mát giai đoạn 1 và nghiên cứu hoàn thiện thủ tục pháp lý đề xuất quy hoạch sân bay Tây Ninh...

Thảo Nguyễn

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/tay-ninh-xac-lap-nhung-cot-moc-an-tuong-ve-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-20221208073830342.htm