Tây Ninh: Thoát nghèo bền vững nhờ áp dụng mô hình hợp tác xã kiểu mới

Dương Minh Châu vốn là huyện thuần nông nghiệp của tỉnh Tây Ninh, trước đây có tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo khá cao. Để giúp người dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo từ sản xuất nông nghiệp, huyện đã hướng người dân tập trung chuyển đổi cây trồng, ứng dụng khoa học vào sản xuất, đưa 'nông nghiệp, nông thôn, nông dân' cùng phát triển. Trong đó, vai trò của các hợp tác xã (HTX) kiểu mới rất quan trọng.

Một trong những lợi thế rõ nét mà mô hình HTX kiểu mới mang lại là khả năng đưa các ứng dụng công nghệ, kỹ thuật vào sản xuất một cách nhanh chóng, đồng bộ. Bên cạnh đó, mối liên kết giữa các hộ, nhóm sản xuất nhằm cùng nhau xác định các sản phẩm chủ lực, chia sẻ thông tin về thị trường… cũng được thiết lập và phát huy hiệu quả, giúp người dân từng bước thoát nghèo bền vững.

HTX nông nghiệp Chà Là (xã Chà Là) là một ví dụ điển hình. Với mong muốn hỗ trợ thành viên cùng nhau sản xuất theo hướng nông nghiệp bền vững, ngoài sản xuất các loại rau ăn lá, thời gian gần đây, HTX này đã định hướng các xã viên phát triển thêm cây măng tây trong nhà lưới. Đây là một loại cây trồng hoàn toàn mới với người dân địa phương nên việc phổ biến, hướng dẫn kỹ thuật phải rất kỹ lưỡng. HTX cử cán bộ về tận từng hộ tư vấn việc đầu tư hệ thống tưới nước nhỏ giọt nhằm hạn chế tác động tiêu cực từ khí hậu, hướng dẫn kỹ thuật canh tác, chăm sóc...

Nhờ đó, không chỉ gia tăng diện tích trồng măng tây lên nhanh chóng mà chất lượng măng tây của HTX Chà Và cũng sớm đẳng định được chỗ đứng trên thị trường. Đến nay, đầu ra cho măng tây được HTX liên kết với các cửa hàng nông sản sạch trong và ngoài tỉnh để bao tiêu, giúp người dân có thu nhập ổn định. Với giá trị dinh dưỡng cao, được thị trường ưa chuộng, doanh thu từ loại cây này là khoảng 60 - 65 triệu đồng/1.000 m2. Đặc biệt, măng tây là loại cây chỉ cần trồng một lần mà có thể cho thu hoạch trong vòng 5 - 7 năm, sản lượng cao nhất là từ năm thứ 3 đến 5, có thể giúp người dân thu về khoảng 90 triệu đồng/1.000 m2.

Mô hình nuôi cá lóc tại HTX Phước Ninh giúp người dân, thành viên nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Mô hình nuôi cá lóc tại HTX Phước Ninh giúp người dân, thành viên nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Ngoài ra, HTX cũng tư vấn cho nông dân trong thời gian chờ thu hoạch măng tây thì trồng xen canh một số loại cây như: Đậu đen, đậu xanh để "lấy ngắn nuôi dài", tăng vòng quay của đất. Anh Vũ Văn Tuế (xã Chà Là) là một trong những người được hưởng lợi từ việc tham gia HTX, được HTX hỗ trợ khá nhiều để phát triển sản xuất cho biết, từ khi tham gia HTX Chà Là, được học kỹ thuật sản xuất măng tây theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, gia đình anh hiện có thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng, cao và ổn định hơn nhiều so với mức thu nhập thấp, bấp bênh trước đây.

HTX sản xuất thương mại dịch vụ nông nghiệp Phước Ninh (xã Phước Ninh) cũng là điển hình về các hoạt động hỗ trợ nông dân, giúp nhiều gia đình vốn khó khăn nhanh chóng thoát nghèo khó. Tích cực vận động người dân chuyển đổi từ trồng cây lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng các loại cây, con khác có giá trị cao hơn, ngoài phát triển diện tích cây sắn (khoai mì) trên diện tích 20ha, HTX Phước Ninh còn hướng dẫn người dân nuôi trồng thủy hải sản theo định hướng hàng hóa gắn với thị trường trên diện tích 40ha. Trong những năm qua, HTX đã giúp nhiều hộ dân giảm nghèo bền vững trên chính diện tích đất sản xuất của mình.

Mô hình trồng rau sạch giúp nhiều hộ dân có thu nhập cao.

Hiện nay, đầu ra cho con ba ba, cá lóc thương phẩm của thành viên đã được HTX liên kết với công ty, đại lý bao tiêu. Các nguồn đầu vào như phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật cũng được HTX liên kết với doanh nghiệp giúp thành viên được mua các loại vật tư phục vụ sản xuất với giá ưu đãi. Chỉ tính riêng năm 2019, HTX đã giải ngân 11 tỷ đồng, mua 400 tấn phân bón, 600 tấn thức ăn chăn nuôi, giúp người dân có thu nhập ổn định và yên tâm sản xuất. Nhiều thành viên đã có mức thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ đầu tư nuôi ba ba và cá lóc thương phẩm.

Bên cạnh đó, HTX còn thực hiện chức năng là cầu nối giúp nhiều hộ dân tiếp cận một cách thuận tiện các nguồn lực, nhất là các nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Ông Lê Quang Thực (ấp Phước An, xã Phước Ninh) là hộ nuôi ba ba và tham gia HTX Phước Ninh từ những ngày đầu thành lập. Để giúp gia đình ông vượt qua "rào cản" là nguồn vốn đầu tư, HTX đã tạo điều kiện về thủ tục pháp lý để gia đình ông được vay vốn tập trung sản xuất với lãi suất thấp, được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, mua phân bón trả chậm... Nhờ đó, từ một hộ nghèo tại địa phương, gia đình ông đã dần gây dựng được mô hình sản xuất kinh doanh ổn định và đến giờ đã chính thức thoát nghèo.

Ở huyện Dương Minh Châu, các HTX Chà Là và HTX Phước Ninh chỉ là 2 trong số hàng chục mô hình HTX hoạt động hiệu quả. Tính đến cuối năm 2019, huyện có 11 HTX, 10 tổ hợp tác và 1 quỹ tín dụng nhân dân. Các HTX, tổ hợp tác đã khẳng định vai trò của mình trong việc phát triển kinh tế, hỗ trợ người dân giảm nghèo bền vững từ việc hỗ trợ vốn, kỹ thuật, đầu ra…

HTX Chà Là mở rộng sang trồng măng tây để giúp người dân, thành viên nâng cao thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích.

Người nghèo khi được tham gia HTX đều được tạo điều kiện về vốn, pháp lý, hỗ trợ liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm để họ tự tin phát triển sản xuất, vươn lên thoát thoát nghèo. Đại diện lãnh đạo UBND huyện Dương Minh Châu nhận định, khi người nghèo được trao cơ hội, họ có thể thoát nghèo bằng chính nội lực của mình. Thông qua việc tham gia HTX, tổ hợp tác, địa phương cũng nắm bắt được nhu cầu của người nghèo để có kế hoạch hỗ trợ phù hợp, thiết thực hơn.

Vì thế, thay vì những chính sách hỗ trợ trực tiếp, "cho không", huyện đã thông qua các mô hình sản xuất của các HTX, tổ hợp tác tạo cơ hội và cũng là cách để người dân tự đi lên bằng chính đôi chân của mình.

Để người dân hiểu đúng về mô hình kinh tế hợp tác cũng như chủ động tham gia HTX, tổ hợp tác, huyện Dương Minh Châu đã tích cực tuyên truyền để làm rõ sự cần thiết của mô hình chuỗi giá trị và vai trò nòng cốt của HTX trong việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, từ đó mang lại lợi nhuận cho người dân. HTX kiểu mới là một trong những mô hình giúp người dân thoát nghèo hiệu quả mà nhiều địa phương khác có thể học hỏi, áp dụng.

PV

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/tay-ninh-thoat-ngheo-ben-vung-nho-ap-dung-mo-hinh-hop-tac-xa-kieu-moi-20201029171917577.htm