Tây Ninh tập trung phát triển kết cấu hạ tầng giao thông

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ X xác định một trong những mục tiêu trọng tâm giai đoạn 2016 - 2020 là 'Tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông phục vụ tốt nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa địa phương'. Đây cũng là một trong bốn khâu đột phá của tỉnh.

THỰC HIỆN GIẢI PHÁP ĐỘT PHÁ VỀ KẾT CẤU HẠ TẦNG GIAO THÔNG

Hạ tầng giao thông là một bộ phận quan trọng của kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, bởi có mạng lưới hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, tính kết nối cao sẽ là cơ sở để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững. Chiến lược phát triển kinh tế xã hội của nước ta xác định hạ tầng giao thông phải đi trước một bước để thúc đẩy, dẫn dắt các ngành kinh tế khác phát triển, đặc biệt là trong giai đoạn hội nhập hiện nay. Do đó, nhiệm kỳ vừa qua, tỉnh Tây Ninh cũng tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông.

Triển khai nhiệm vụ quan trọng này, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình hành động, thành lập Nhóm công tác và ban hành kế hoạch hoạt động. Qua 5 năm triển khai thực hiện, hạ tầng giao thông cảu tỉnh có nhiều thay đổi; nhiều công trình trọng tâm, trọng điểm đã được đầu tư, tạo sự lan tỏa, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển; trong đó, nổi lên một số kết quả chủ yếu sau:

Một là, tỉnh đã chủ động làm việc và kiến nghị, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) về cơ chế đầu tư dự án; đã làm việc với Thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM) kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT giao Ủy ban nhân dân TP HCM là cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức kêu gọi đầu tư dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài theo hình thức đối tác công - tư đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Hai địa phương đã ký kết kế hoạch phối hợp và đang khẩn trương thực hiện các bước theo quy định, đặt mục tiêu hoàn thành dự án đưa vào khai thác sử dụng năm 2025.

Hai là, tỉnh bổ sung quy hoạch tuyến cao tốc Gò Dầu - Xa Mát vào quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam, đã được Thủ tướng chấp thuận; đồng thời, kiến nghị Chính phủ và Bộ Quốc phòng đầu tư dự án đường tuần tra biên giới. Bộ Quốc phòng đã đầu tư xong giai đoạn 1 của dự án qua địa phận tỉnh Tây Ninh dài 130km.

Ba là, đường Hồ Chí Minh đã được Bộ GTVT lập đề xuất chủ trương đầu tư, đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Bốn là, dự án bảo trì, cải tạo Quốc lộ 22B đã được Tổng Cục đường bộ Việt Nam triển khai thực hiện trong 3 năm (năm 2018, 2019, 2020) với tổng kinh phí 255 tỷ đồng; dự án đầu tư 31 cầu dân sinh đã được Bộ GTVT triển khai, hiện nay đã nghiệm thu đưa vào khai thác được 28 cầu, 3 cầu còn lại sẽ khởi công vào đầu năm 2021.

Năm là, Bộ GTVT đã bổ sung quy hoạch Cảng cạn ICD Mộc Bài và ICD Thạnh Phước; đã cấp chứng nhận đầu tư cho nhà đầu tư và đang triển khai các bước để sớm hoàn thành đưa vào khai thác. Sau khi Bộ GTVT triển khai xây dựng mới cầu Bình Lợi, Tây Ninh đã kiến nghị và được Bộ GTVT bổ sung quy hoạch Cảng cạn ICD, Cảng Tổng hợp tại xã Hưng Thuận - thị xã Trảng Bàng; quy hoạch kéo dài luồng đường thủy nội địa sông Sài Gòn đến xã Bến Củi, huyện Dương Minh Châu đạt luồng đường thủy cấp 2. Đây là dự án quan trọng có ý nghĩa chiến lược, với quy mô cấp vùng, khai thác lợi thế vận tải đường thủy sông Sài Gòn. Hiện nay các sở, ngành đang thực hiện các bước lựa chọn nhà đầu tư để có thể sớm khởi công dự án trong năm 2021.

Sáu là, tỉnh đã triển khai thực hiện các tuyến giao thông kết nối với TP HCM, tỉnh Bình Dương, Long An, Bình Phước, cụ thể là:

1) Với TP HCM: Ngoài dự án cao tốc TP HCM - Mộc Bài và đường Xuyên Á thì 2 địa phương có kế hoạch phối hợp mở rộng, cải tạo các tuyến giao thông kết nối giữa thị xã Trảng Bàng với huyện Củ Chi. Năm 2017-2018, TP HCM đã hỗ trợ 100% vốn xây dựng đường Hương lộ 10 từ Chợ Cũ Trảng Bàng kết nối với Củ Chi (với tổng mức đầu tư khoảng 80 tỷ đồng).

2) Với tỉnh Bình Dương: Thống nhất quy hoạch thêm 3 cầu vượt sông Sài Gòn để kết nối từ Tây Ninh đến Bình Dương. Trong đó, giai đoạn 2018 - 2022 đầu tư hoàn thành đường kết nối từ ngã ba Đất Sét (Tây Ninh) đến ĐT 744 (Bình Dương) và xây dựng 1 cầu mới bắc qua sông Sài Gòn.

3) Với tỉnh Long An: Bổ sung vào quy hoạch các tuyến giao thông kết nối và đầu tư nâng cấp các tuyến đường hiện hữu, đảm bảo kết nối thuận lợi giữa 2 tỉnh. Phía Long An đang đầu tư nâng cấp mở rộng đường ĐT 838C và ĐT 821 để kết nối đồng cấp với ĐT 786, ĐT 787A của phía Tây Ninh đã được đầu tư.

4) Với Bình Phước: Đã đầu tư đưa vào sử dụng cầu Sài Gòn 2 trên đường ĐT 794 kết nối Tây Ninh - Bình Phước (có sự góp vốn của 2 tỉnh).

Bảy là, theo chương trình hành động của UBND tỉnh và kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020, ngành giao thông của tỉnh thực hiện đầu tư 38 dự án, với tổng kế hoạch vốn đến nay là 5.116 tỷ đồng (trong đó, tỉnh thực hiện 28 dự án với tổng vốn 3.866 tỷ đồng; hỗ trợ mục tiêu cho các huyện, thị xã, thành phố 10 dự án với tổng vốn 1.250 tỷ đồng). Cụ thể, nguồn ngân sách địa phương là 3.517 tỷ đồng, các nguồn Trung ương hỗ trợ là 1.599 tỷ đồng.

Đến nay, nhiều dự án đã được nghiệm thu đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả đầu tư như: Đường và cầu Bến Đình; cầu Bến Cây Ổi; đường tỉnh ĐT 788; đường ĐT 794 (Giai đoạn 1); đường Kà Tum - Tân Hà; đường ĐT781 từ ngã tư Tân Hưng - ngã ba Bờ Hồ đi ranh giới tỉnh Bình Dương; đường Phước Vinh - Sóc Thiết - Tà Xia; đường 790 nối dài đến Bờ Hồ; đường Điện Biên Phủ; đường 30/4; đường Lý Thường Kiệt; đường Nguyễn Văn Linh; đường Trưng Nữ Vương… Đặc biệt trên sông Vàm Cỏ Đông hiện đã có 6 cây cầu kết nối hai bờ, tháng 6 - 2021 sẽ hoàn thành thêm cầu An Hòa - Trảng Bàng.

Nhiều dự án trọng điểm đang trong giai đoạn thi công như: Cầu An Hòa (kết nối với 3 xã cánh Tây Trảng Bàng); đường 782-784 từ Trảng Bàng đến Ngã tư Tân Bình; đường ĐT 793 (từ ngã tư Tân Bình đi Cửa khẩu Chàng Riệc); đường Đất Sét - Bến Củi kết nối với ĐT 744 (Bình Dương); đường ĐT 781 (từ Châu Thành đi cửa Khẩu Phước Tân); đường từ xã Ninh Điền (Châu Thành) đi Biên Giới; đường An Dương Vương - Trần Phú;… Đang triển khai công tác lập phương án đền bù giải phóng mặt bằng đường ĐT 787B để sớm đấu thầu thi công vào quý II năm 2021.

TIẾP TỤC TẠO ĐỘT PHÁ ĐỂ PHÁT TRIỂN GIAO THÔNG

Trong thời gian tới, ngành giao thông của tỉnh đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức; khai thác tiềm năng, phát huy lợi thế để tạo đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là hạ tầng giao thông kết nối với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; phát huy lợi thế Tây Ninh là cửa ngõ của hành lang kinh tế Đông - Tây phía Nam thuộc các nước tiểu vùng sông Mê-Kông (GMS). Cụ thể, ngành GTVT tỉnh xác định một số nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo như sau:

Một là, chủ động phối hợp với Bộ GTVT, các bộ, ngành, các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam lập các quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, làm cơ sở đầu tư phát triển cũng như định hướng phát triển lâu dài trong thời gian tới, cụ thể:

1) Quy hoạch các tuyến giao thông liên kết vùng đi qua địa bàn tỉnh, kết nối thuận lợi giữa Tây Ninh với các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm Phía Nam.

2) Chuyển cấp một số tuyến đường tỉnh đáp ứng các điều kiện theo Luật Giao thông Đường bộ thành Quốc lộ.

3) Khai thác lợi thế vận tải đường thủy sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông; bổ sung các cảng tổng hợp ven sông là các trung tâm đầu mối kết nối vận tải đa phương thức, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

4) Bổ sung các công trình cầu vượt sông Vàm Cỏ Đông, sông Sài Gòn, kết nối thuận lợi giữa hai bờ trong nội địa và giữa Tây Ninh với Bình Dương, Long An.

5) Bổ sung cụm cảng Tổng hợp, cảng ICD, Trung tâm Logistics hành lang phía Bắc Tây Ninh (với các Cửa khẩu Tân Nam, Xa Mát, Chàng Riệc, Kà Tum, Vạc Sa...).

6) Quy hoạch tuyến đường sắt Xuyên Á kết nối Campuchia qua Cửa khẩu Mộc Bài - Bà Vẹt, tuyến đường sắt đến Cửa khẩu Quốc tế Xa Mát vào quy hoạch mạng lưới đường sắt Quốc gia, định hướng đầu tư xây dựng sau năm 2030.

7) Khuyến khích khai thác vận tải hành khách công cộng đường bộ; vận tải hàng hóa bằng đường thủy nội địa; vận tải đa phương thức.

Hai là, tiếp tục triển khai một số dự án trọng điểm; cụ thể:

1) Chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương và TP HCM đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài, đường Hồ Chí Minh đưa vào khai thác sử dụng trước năm 2025.

2) Nghiên cứu tiền khả thi cao tốc Gò Dầu - Xa Mát giai đoạn 1 (đến thành phố Tây Ninh), làm cơ sở phê duyệt chủ trương đầu tư và kêu gọi đầu tư. Đồng thời, tiếp tục đề xuất Trung ương cải tạo, mở rộng Quốc lộ 22B và đường Xuyên Á.

3) Phối hợp với Bộ GTVT thực hiện dự án nạo vét luồng đường thủy sông Sài Gòn đảm bảo luồng cho tàu 2.000 tấn lưu thông. Phối hợp chặt chẽ với nhà đầu tư trong quá trình đầu tư xây dựng Khu phức hợp Cảng Tổng hợp, Cảng cạn ICD, Trung tâm Logistics Hưng Thuận, thị xã Trảng Bàng.

4) Hoàn thành các dự án: ĐT 782-784; Đất Sét - Bến Củi kết nối với Bình Dương; ĐT 787B; ĐT 789; ĐT 793; Giai đoạn 2 - ĐT 794 từ Kà Tum đến ranh Bình Phước; đường ĐT 785 từ thị trấn Tân Châu đến Kà Tum; đường Trần Phú; đường Trường Hòa - đi Chà Là; chỉnh trang, ngầm hóa đường Cách mạng Tháng 8; đường từ xã Bình Minh đi Tân Bình; đường Bời Lời (từ ngã ba Lâm Vồ đến ngã tư Đại Đồng); đường tránh thị trấn Tân Biên; ĐT 795 kết nối Tân Biên - Tân Châu; bổ sung kế hoạch đầu tư công thêm 2 cầu vượt sông Vàm Cỏ Đông; đường Trà Võ - Đất Sét; đường từ thị trấn Gò Dầu đến Khu Công nghiệp Phước Đông; đường bao thị trấn Gò Dầu và bờ kè; đường Cầu Phao - Bến Cầu; đường vành đai thị trấn Bến Cầu; đường 781 từ ranh TP Tây Ninh đi Châu Thành...

Nguyễn Quang Thắng

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tây Ninh

Nguồn Tuyên Giáo: http://www.tuyengiao.vn/nhip-cau-tuyen-giao/tuyen-giao-cac-cap/tay-ninh-tap-trung-phat-trien-ket-cau-ha-tang-giao-thong-131115