Tây Ninh khẩn trương đối phó dịch tả heo châu Phi

Ngày 8-7, với việc phát hiện ổ dịch bệnh tả heo châu Phi tại hộ gia đình bà Tống Thị Ngọc Ánh (ngụ ấp Bắc Bến Sỏi, xã Thành Long, huyện Châu Thành), tỉnh Tây Ninh đã là địa phương thứ 62/63 của cả nước xuất hiện dịch. Trước tình hình đó, UBND tỉnh Tây Ninh chỉ đạo 'Phòng chống dịch như chống giặc'.

Lãnh đạo tỉnh Tây Ninh kiểm tra hiện trường xử lý ổ dịch

Lãnh đạo tỉnh Tây Ninh kiểm tra hiện trường xử lý ổ dịch

Ngay sau khi phát hiện ổ dịch, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Phạm Văn Tân đến kiểm tra hiện trường, chỉ đạo chính quyền huyện Châu Thành, ngành thú y tỉnh khẩn trương khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch; tổ chức rắc vôi, phun thuốc khử trùng môi trường xung quanh và toàn khu vực; đồng thời khẩn trương lập chốt kiểm dịch 2 bên đầu đường đi ngang qua ổ dịch, ngăn ngừa các trường hợp người dân trong vùng tẩu tán khi có heo bị bệnh và đưa heo từ các nơi khác vào vùng đang có dịch.

UBND tỉnh yêu cầu coi nhiệm phòng chống, khống chế bệnh dịch tả heo châu Phi là nhiệm vụ trọng tâm vào lúc này. Phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể thực hiện khẩn trương, kiên quyết, đồng bộ các biện pháp phòng chống bệnh dịch do Chính phủ, các bộ ngành và Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn. Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt, chỉ đạo, điều hành công tác phòng chống dịch với phương châm “Phòng chống dịch như chống giặc”.

Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền địa phương chịu trách nhiệm trước cấp ủy, chính quyền cấp trên về việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi

Trước đó, khi dịch bệnh tả heo châu Phi xuất hiện lần lượt ở các tỉnh thành lân cận như Bình Phước, Bình Dương và TPHCM, tỉnh Tây Ninh đã lập nhiều chốt kiểm dịch động vật ở những địa bàn giáp ranh.

Tại các chốt đều có đội kiểm tra liên ngành (cán bộ thú y, quản lý thị trường, cảnh sát giao thông, công an xã) túc trực 24/24 giờ, với nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát và xử lý những vi phạm về vận chuyển động vật, sản phẩm động vật nhiễm bệnh, nhằm ngăn chặn việc vận chuyển heo và sản phẩm từ heo nghi mắc bệnh, hoặc mắc bệnh dịch tả heo châu Phi và các bệnh dịch nguy hiểm khác trên gia súc, gia, gia cầm; khử trùng, tiêu độc phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật đi qua chốt kiểm dịch…

Đồng Nai kiến nghị hỗ trợ người chăn nuôi heo

Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, vừa gửi văn bản đến Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đề nghị hỗ trợ cho người chăn nuôi heo chịu ảnh hưởng của bệnh dịch tả heo châu Phi.

Cụ thể, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai đề nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước sớm có chính sách khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất cho vay đối với: những trang trại và hộ chăn nuôi đã bị dịch tả heo châu Phi; những trang trại, hộ chăn nuôi chưa bị ảnh hưởng dịch bệnh nhưng chịu thiệt hại do giá bán heo xuống thấp; những trang trại, hộ chăn nuôi có đàn heo nhưng chưa đến tuổi xuất bán, chuẩn bị cung ứng cho thị trường trong thời gian tới.

Trước khi dịch tả heo châu Phi xuất hiện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, người chăn nuôi heo đã gặp khó khăn do giá heo giảm vào năm 2018 nên hầu hết các trang trại, hộ chăn nuôi đang còn nợ ngân hàng. Đến tháng 5-2019, khi giá heo có dấu hiệu tăng trở lại thì bệnh dịch tả heo châu Phi bùng phát khiến người chăn nuôi không có điều kiện để trả nợ, khó khăn càng thêm chồng chất.

TIẾN MINH

ĐẠI DƯƠNG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/tay-ninh-khan-truong-doi-pho-dich-ta-heo-chau-phi-604143.html