Tây Ninh - Đất và người

Mới đây, một công trình khá đồ sộ gồm 794 trang có tên gọi Tây Ninh đất và người của nhiều tác giả đã được NXB Thanh niên phát hành với nội dung khá toàn diện về tỉnh Tây Ninh. Cuốn sách được Ban biên soạn là những người tâm huyết về nghiên cứu, điền dã, tập hợp tư liệu và đam mê viết lách như các nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Lợi, Nguyễn Đình Cơ và Phí Thành Phát thực hiện nghiêm túc, công phu trên cơ sở tổng hợp những bài viết riêng lẻ của các tác giả.

Bìa sách Tây Ninh đất và người

Bìa sách Tây Ninh đất và người

Sách gồm 8 mục lớn (tập hợp 61 bài viết) về: địa danh, địa lý; khảo cổ; lịch sử; di tích; dân tộc; tín ngưỡng, tôn giáo; văn hóa nghệ thuật; kinh tế. Đọc sách, độc giả cảm thấy rất thú vị qua từng trang sách với lượng thông tin ngồn ngộn về địa danh, lịch sử, dân cư, tôn giáo tín ngưỡng, di sản, phong tục tập quán, ẩm thực, lễ hội… của đất và người Tây Ninh được giới thiệu, giải mã một cách cụ thể, chi tiết và căn cứ khoa học.

Địa danh không thể thiếu trong sách Tây Ninh đất và người được nhóm tác giả đề cập đến như: Bà Đen, Cái Răng, Chàm, Rồng Tượng, Trao Trảo, Bàu Nâu, Bến Đối, Bến Kéo, Bố Heo, Gò Dầu Hạ, Gò Dầu Thượng, Dầu Tiếng, Mộc Bài, Tha La, Bến Cầu, Châu Thành, Dương Minh Châu, Bến Củi, Chà Là, Truông Mít, Bàu Đồn, Bàu Năng, Chuồng Voi, Bùng Binh, Bến Tầm Long… Nguồn gốc một số địa danh vừa bắt nguồn từ tiếng Việt, vừa có nguồn gốc từ Khmer, Chăm…

Khảo cổ học ở Tây Ninh được các tác giả đề cập đến với những di chỉ thời tiền sử và sơ sử được khai quật như: tháp Chót Mạt mang phong cách kiến trúc tiền Ăngkor, tháp Bình Thạnh (Prei Cek), Prasat Ankun, Phước Hưng, Rừng Dầu, Bùng Binh, Sóc Lào, Miếu Bà - Bến Cầu, Thanh Điền, Vườn Dầu, Cổ Lâm Tự, gò tháp Thuận An, Gò Bà Đao, Bến Đình, thành Sông Đua, Hào Thành, chùa Hiệp Long…; các di chỉ Dinh Ông, Bà Đao, Cao Sơn Tự, Bến Sỏi, gò tháp Bến Trâu…; các tượng Hindu giáo, di vật Óc Eo… thể hiện vùng đất cổ xưa mang dấu ấn đặc trưng của văn hóa Đồng Nai và văn hóa Óc Eo ở miền Đông Nam bộ.

Lịch sử Tây Ninh được các tác giả đề cập qua các giai đoạn lịch sử từ thời kỳ khai phá thế kỷ XVII đến lịch sử xây dựng và phát triển vùng đất phía Đông Nam bộ giáp biên giới Campuchia; các cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ…

Phần Kinh tế được các tác giả đề cập qua loạt bài viết về: ẩm thực đặc sản của Tây Ninh (bánh tráng phơi sương, bánh canh Trảng Bàng, muối ớt Tây Ninh, mãng cầu Bà Đen); chợ Tây Ninh xưa và nay; những nghề thủ công truyền thống (đan lát mây tre, dệt vải, nghề làm bánh tráng, nghề ép mía nấu đường, nghề ép đậu phộng, nghề rèn, nghề mộc, nghề đóng xe bò, nghề đóng ghe xuồng, nghề làm gạch ngói, nghề làm thuốc rê, nghề kim hoàn).

Công trình khá phong phú khi đề cập đến văn hóa dân tộc với đặc điểm văn hóa vật thể và phi vật thể của các tộc người Hoa, Khmer, Chăm Islam ở Tây Ninh. Đặc biệt, người Tà Mun là một trong những tộc danh khá đặc biệt, còn nhiều tranh luận về nguồn gốc nhưng độc giả sẽ được tiếp cận khá thú vị khi đọc sách Tây Ninh đất và người.

Di sản văn hóa tỉnh Tây Ninh được nhóm tác giả đề cập với ngôi chùa trăm năm làng An Tịnh, ngôi cổ tự Phước Lưu, những di tích cổ của gia tộc ông Nguyễn Văn Đẹp ở Trảng Bàng; những di sản tín ngưỡng tôn giáo như: đình làng, chùa cổ của người Việt, người Khmer ở các địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Vùng đất Tây Ninh không chỉ là nơi ra đời và bảo lưu những tín ngưỡng dân gian của người Kinh, Hoa, Chăm, Khmer, Tà Mun như tín ngưỡng thờ Bà Đen, Linh Sơn Thánh Mẫu, bà Chúa Xứ, thần Thành hoàng Bổn cảnh; hệ thống tín ngưỡng người Hoa, miếu - hội quán người Hoa, lễ hội người Hoa… mà còn là nơi phát xuất tôn giáo bản địa nội sinh ở Nam bộ là đạo Cao Đài biểu hiện qua kiến trúc Thánh thất, nghi lễ, lễ hội và văn hóa khá đặc trưng của vùng đất này. Những tôn giáo lớn như Phật giáo, Thiên Chúa giáo cũng được đề cập như: Công giáo Tây Ninh, họ đạo Tha La, các hệ phái Phật giáo (Bắc tông, Nam tông, Khất sĩ)…

Phần Văn hóa nghệ thuật Tây Ninh được thể hiện đa dạng với 13 bài viết về: ngôn ngữ, văn học dân gian (truyền thuyết, sự tích, ca dao, dân ca, thơ ca), nghệ thuật tạo hình (tranh kiếng, tượng thờ), nghệ thuật biểu diễn (đờn ca tài tử, múa trống Chhay), nhạc lễ Cao Đài, nghệ nhân dân gian…

Ngoài phần chính văn, sách còn có phụ lục chi tiết đáng tin cậy hơn 80 trang về: niên biểu Tây Ninh; dân số; danh sách chợ; cửa khẩu biên giới Tây Ninh; các đoạn sông suối biên giới; nghề truyền thống và món ăn đặc trưng; danh sách nghệ nhân dân gian; danh sách đình làng; danh mục sắc phong; danh sách chùa; danh sách thánh thất Cao đài; danh sách giáo xứ; di tích lịch sử văn hóa. Một số trang sách còn có hình ảnh minh họa chân thực cho nội dung bài viết.

Có thể nói, sách Tây Ninh đất và người cung cấp nhiều kiến thức bổ ích, bổ sung vào thư mục công trình nghiên cứu về tỉnh Tây Ninh ở Đông Nam bộ. Cuốn sách giúp người đọc khám phá, hiểu biết và yêu mến hơn mảnh đất và con người Tây Ninh; một vùng đất nổi tiếng với danh thắng núi Bà Đen, Thánh địa đạo Cao Đài chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, văn hóa và tôn giáo ở miền Đông Nam bộ hơn ba thế kỷ qua.

Nguyễn Thị Nguyệt

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/vanhoa/202011/tay-ninh-dat-va-nguoi-3031602/