Tây Ninh: Chủ động đảm bảo an toàn hồ đập, phòng chống thiên tai

Đoàn công tác Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) Bộ Công Thương do Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng làm trưởng đoàn vừa có buổi làm việc với UBND tỉnh Tây Ninh về công tác phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh.

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng - Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN Bộ Công Thương - cho biết, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Bộ Công Thương trong chuyến công tác lần này làm việc tại ba tỉnh gồm Tây Ninh, Bình Phước và Đồng Nai. Mục tiêu là khảo sát, nắm bắt về tình hình thực hiện công tác PCTT&TKCN tại các địa phương đồng thời có những giải pháp để khắc phục thiên tai hiệu quả khi mùa mưa bão đang đến gần.

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng - Trưởng Ban chỉ huy PCTT&TKCN Bộ Công Thương thị sát thực tế tại hồ Dầu Tiếng

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng - Trưởng Ban chỉ huy PCTT&TKCN Bộ Công Thương thị sát thực tế tại hồ Dầu Tiếng

Tại hồ Dầu Tiếng, tỉnh Tây Ninh, đoàn công tác đã thị sát thực địa về độ an toàn hồ đập của hồ Dầu Tiếng và có buổi làm việc với UBND tỉnh Tây Ninh, Sở Công Thương, lãnh đạo các địa phương và Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa.

Ông Võ Đức Trong - Phó Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Tây Ninh - cho biết, hệ thống thủy lợi tỉnh Tây Ninh gồm có hồ chứa nước Dầu Tiếng, hồ Tha La, trạm bơm điện, đê bao và kênh tưới, kênh tiêu.

Hồ Dầu Tiếng tỉnh Tây Ninh

Hồ Dầu Tiếng là hệ thống thủy nông có quy mô lớn nhất nước hiện nay, dung tích 1,58 tỷ m3 nước, nằm trên thượng nguồn sông Sài Gòn, hồ có nhiệm vụ cấp nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt, tưới tự chảy cho Tây Ninh 78.830 ha, tạo nguồn tưới cho các xã phía Tây sông Vàm Cỏ Đông 17.740 ha, đẩy mặn cho các tỉnh Bình Dương, Long An và TP. Hồ Chí Minh.

Hồ Tha La được xây dựng trên nhánh suối thượng nguồn của công trình Dầu Tiếng để tưới tự chảy cho vùng nguyên liệu mía đường Tân Châu, với quy mô công trình gồm 1 đập đất; 1 đập cao su dâng nước; 1 cống xả đáy với hồ Dầu Tiếng; 1 cống lấy nước tưới và hệ thống kênh các cấp, với diện tích lưu vực ở Việt Nam là 280km2, tổng dung tích 27,5 triệu m3, diện tích phục vụ tưới thiết kế là 3.670 ha.

Về tình hình PCTT&TKCN trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, theo ông Trong, dù đã có nhiều cố gắng để khắc phục, tuy nhiên tình hình thiên tai và tai nạn gây thiệt hại về người và tài sản vẫn xảy ra. Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn tỉnh xảy ra 12 vụ thiên tai làm 27 căn nhà, 3 trường học và 109 ha cây trồng bị ảnh hưởng; giá trị thiệt hại 4.562 triệu đồng.

"Do nguồn lực địa phương còn khó khăn, chưa đảm bảo để thực hiện nhiệm vụ đã đề ra, cụ thể kinh phí đầu tư công trình phòng chống thiên tai, sửa chữa công trình thủy lợi còn hạn chế, chủ yếu lồng ghép công trình theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020”, ông Trong nói thêm.

Để hỗ trợ tây Ninh thực hiện tốt công tác PCTT&TKCN, ông Võ Đức Trong đề xuất và kiến nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT&TKCN bổ sung đối tượng, mức hỗ trợ kinh phí làm nhà, sửa chữa nhà ở cho nhân dân khi bị thiệt hại do thiên tai gây ra. Đề nghị hỗ trợ kinh phí 45 tỷ đồng, để thực hiện dự án nâng cấp, sửa chữa đập cao su hồ chứa nước Tha La, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh trong giai đoạn 2021-2025.

Đoàn công tác Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Bộ Công Thương làm việc tại Tây Ninh

Tại cuộc họp, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát tiển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cục Điện lực và năng lượng tái tạo, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đều nêu ý kiến: Chính quyền và các đơn vị trực tiếp quản lý hồ đập, hệ thống tưới tiêu, các công trình về điện… trên địa bàn Tây Ninh cần tăng cường và thực hiện chuyên nghiệp hơn trong khâu ứng phó thiên tai bằng những phương án lồng ghép của cơ quan quản lý và người dân quanh vùng cùng thực hiện.

Ông Phan Duy Phú - Đại diện Cục Điện lực và năng lượng tái tạo - cho rằng, công trình hồ Dầu Tiếng đã được xây dựng hơn 40 năm, vì thế quá trình vận hành khai thác đã thu thập được nhiều thông tin, số liệu về khí tượng, thủy văn, bồi lắng hồ chứa. Vì vậy, cần cập nhật các thông tin này, đưa vào phân tích để đánh giá khả năng đáp ứng của công trình, đặc biệt việc xả lũ dưới điều kiện hạn chế lưu lượng xả tránh ngập lụt cho hạ du phía TP. Hồ Chí Minh, giảm nguy cơ rủi ro cho công trình và hạ du.

Ông Trần Văn Chiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh - nhìn nhận, qua ý kiến của Ban chỉ huy PCTT&TKCN của Trung ương, công tác phòng chống thiên tai và cứu hộ cứu nạn của Tây Ninh còn nhiều vấn đề chưa làm tốt, trong đó sự phối hợp giữa các tỉnh gồm Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh và Long An chưa chặt chẽ.

Theo ông Chiến, hồ Dầu Tiếng là cơ sở thủy lợi trọng yếu, những có vai trò quản lý và hưởng lợi của nhiều địa phương, trong thời gian qua khâu phối kết hợp để quản lý, vận hành là chưa thông, còn nhiều chồng chéo. Hồ Dầu Tiếng chủ yếu nằm ở Tây Ninh nhưng hưởng lợi nhiều nhất và thẩm quyền xã lũ thuộc về TP. Hồ Chí Minh. Vì thế, quy chế phối hợp sắp tới cần phải được thay đổi để quản lý hồ đập an toàn và hiệu quả hơn.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng đánh giá công tác phòng chống thiên tai của địa phương có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên chính quyền địa phương và các đơn vị trực tiếp quản lý hồ đập cần nâng cao tinh thần ứng trực, thường xuyên diễn tập; Cần quan tâm những quy định của trung ương, thực hiện tốt chương trình lồng ghép nhằm phát triển kinh tế xã hội tốt hơn. Cụ thể là xây dựng các phương án, nhất là phương án 4 tại chỗ… để nếu xảy ra nguy cơ thiên tai thì thiệt hại ở mức thấp nhất. Ngoài ra tỉnh cần tiếp tục làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền để người dân tự nhận thức được rủi ro của thiên tai; khi giáo dục người dân tốt hơn thì thiệt hại sẽ giảm đi.

Thế Vĩnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tay-ninh-chu-dong-dam-bao-an-toan-ho-dap-phong-chong-thien-tai-138719.html