Tây Nguyên: Xây dựng 'thế trận lòng dân' trên biên giới

Từng là địa bàn phức tạp về an ninh nông thôn, nhưng những năm gần đây, Tây Nguyên đã có nhiều đổi thay tích cực. Biên giới bình yên, trật tự, trị an xã hội được giữ vững, đời sống của người dân không ngừng phát triển, cuộc sống ấm no luôn hiện hữu trên các buôn làng vùng sâu, vùng xa. Trong niềm vui, sự phấn khởi đó có thành quả của nghĩa tình quân dân như 'cá với nước' giữa BĐBP và đồng bào các dân tộc trên biên giới...

Phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, BĐBP các tỉnh Tây Nguyên luôn nêu cao trách nhiệm chính trị, thương yêu, gắn bó máu thịt với đồng bào các dân tộc nơi biên giới, thường xuyên bám dân, bám thôn, buôn, bám chính quyền để góp phần xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, vận động nhân dân tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới.

BĐBP Kon Tum phối hợp tuần tra, bảo vệ cột mốc biên giới. Ảnh: Đăng Bảy

Chú trọng nâng cao chất lượng của tổ chức đảng, chính quyền cơ sở

Những năm trước đây, nhiều thôn, buôn khu vực biên giới Tây Nguyên không có đảng viên, một số thôn chưa đủ điều kiện thành lập chi bộ. Cùng với đó, năng lực của một số tổ chức đảng, chính quyền cấp cơ sở vẫn còn hạn chế, hiệu quả hoạt động thấp. Từ thực trạng trên, BĐBP các tỉnh Tây Nguyên đã chủ động tham mưu cho địa phương có chủ trương, biện pháp củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng của tổ chức đảng, chính quyền và đoàn thể cơ sở.

Để làm được điều đó, cùng với việc bồi dưỡng kiến thức, phương pháp công tác cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở, BĐBP các tỉnh Tây Nguyên đã thực hiện tốt các chủ trương, mô hình như: “Cán bộ Biên phòng tăng cường xã”; “Phân công đảng viên đội công tác địa bàn tham gia sinh hoạt tại chi bộ thôn (làng) và kết nghĩa giúp các hộ gia đình khó khăn trên khu vực biên giới thoát nghèo”; “Phân công đảng viên đồn Biên phòng phụ trách hộ gia đình”... Theo đó, đã giới thiệu trên 200 đảng viên tham gia sinh hoạt tại các chi bộ thôn, buôn; 37 đồng chí tăng cường cho các xã biên giới, trong đó có 32 đồng chí giữ chức danh Phó Bí thư Đảng ủy xã, 5 đồng chí tham gia cấp ủy, chính quyền...

Ngoài ra, các đơn vị Biên phòng còn phân công trên 700 cán bộ phụ trách gần 5.000 hộ khó khăn trong địa bàn 4 tỉnh biên giới. Bằng sự nhiệt tình, am hiểu thực tiễn, chỉ tính riêng từ năm 2015 đến nay, BĐBP các tỉnh Tây Nguyên đã giúp địa phương phát triển hàng ngàn đảng viên, xóa 229 thôn, buôn “trắng” đảng viên và tổ chức đảng; củng cố 381 lượt chi bộ và 1.031 tổ chức đoàn, hội...

Điển hình, BĐBP Kon Tum đã phân công 67 đảng viên tham gia sinh hoạt tại 58 chi bộ thôn, buôn; cử 288 đảng viên phụ trách 968 hộ gia đình trên khu vực biên giới. Qua đó, đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương các xã biên giới củng cố 121 lượt chi bộ, 385 lượt các tổ chức quần chúng... BĐBP Gia Lai đã cử 48 đảng viên tham gia sinh hoạt tại 48 chi bộ thôn, buôn; phân công 216 đảng viên Biên phòng phụ trách 951 hộ/3.889 khẩu trên 7 xã biên giới thuộc 3 huyện: Đức Cơ, Ia Grai, Chư Prông...

Không chỉ là cầu nối giữa “ý Đảng với lòng dân”, bằng những cách làm hay, linh hoạt, BĐBP các tỉnh Tây Nguyên đã khéo léo lồng ghép để đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tích cực, chủ động tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương khu vực biên giới chăm lo, củng cố “thế trận an ninh nhân dân”, “thế trận biên phòng toàn dân” vững chắc.

Phát động phong trào toàn dân tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc

Muốn giữ yên bờ cõi, phải xây dựng được “thế trận lòng dân”, vững chắc, huy động sức mạnh, trách nhiệm của toàn dân, toàn xã hội. Từ thực tiễn và bài học kinh nghiệm quý báu đó, BĐBP các tỉnh Tây Nguyên đã không ngừng tuyên truyền, vận động, tổ chức cho quần chúng nhân dân tham gia các hoạt động, phong trào quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Gần đây, việc thực hiện Chỉ thị 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ “Về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới” được BĐBP hết sức coi trọng và có nhiều cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả. Nổi bật là các phong trào như: “Già làng, trưởng bản gương mẫu”; “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, mốc giới và an ninh trật tự bản, buôn”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”...

Nhờ bám, nắm địa bàn, gần gũi với cấp ủy, chính quyền, sâu sát với nhân dân, biết phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong các thôn, buôn nên BĐBP các tỉnh Tây Nguyên đã phối hợp với địa phương làm tốt công tác vận động các hộ gia đình, các tập thể ký kết cùng hưởng ứng thực hiện phong trào “8 không”.

Đó là: không nghe, không tin, không làm theo lời kẻ xấu; không để hoạt động tuyên truyền đạo trái pháp luật trong địa bàn; không vi phạm quy chế biên giới; không gây mất trật tự địa bàn, vượt biên, xâm canh, xâm cư trái phép; không vi phạm hay che giấu, tiếp tay cho các hoạt động mua bán, vận chuyển, sử dụng ma túy, buôn bán hàng cấm và các tệ nạn xã hội; không phát nương làm rẫy trái phép; không uống rượu, bia say, vi phạm an toàn giao thông; không tham gia tiếp tay khai thác, vận chuyển gỗ, vàng, khoáng sản và săn bắn động vật trái phép...

Nhờ đó, phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc ở các tỉnh Tây Nguyên phát triển ngày càng sâu rộng. Đến nay, ở 4 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, đã có trên 500 tập thể, 12.000 hộ và gần 20.000 thành viên đăng ký tự quản đường biên, mốc quốc giới và an ninh trật tự thôn, buôn.

Các tổ tự quản đã phối hợp với các đồn, đơn vị Biên phòng tuần tra bảo vệ biên giới, địa bàn trên 10.000 cuộc với 56.467 lượt người tham gia; tiến hành phát quang đường biên, cột mốc 342 lần/1.215 lượt người tham gia. Bên cạnh đó, các tổ tự quản và quần chúng nhân dân cũng đã cung cấp hàng ngàn nguồn tin giúp các lực lượng chức năng xử lý 1.477 vụ/781 lượt đối tượng liên quan đến hành vi trộm cắp tài sản, gây rối trật tự công cộng, vận chuyển lâm sản, buôn bán, sử dụng ma túy trái phép, vi phạm quy chế biên giới.

Cán bộ Đồn Biên phòng Đắk Xú, BĐBP Kon Tum hướng dẫn người dân sử dụng hiệu quả nguồn nước sạch. Ảnh: Văn Lý

Đại tá Phạm Cảnh Toàn, Phó Chính ủy BĐBP Kon Tum cho biết, chỉ tính riêng năm 2020, tại Kon Tum, đã có 56 tập thể thôn (làng), 143 hộ gia đình, 119 cá nhân thuộc 13 xã biên giới đăng ký tham gia tự quản trên 292km đường biên giới và 86 mốc quốc giới; 125 tổ/723 hộ gia đình đăng ký tự quản an ninh trật tự thôn (làng). Qua tuyên tuyền, vận động, quần chúng nhân dân giao nộp cho BĐBP Kon Tum 327 khẩu súng tự chế. Và 5 năm qua, đã có 64 tập thể, 284 hộ gia đình, cá nhân được UBND 4 huyện biên giới tỉnh Kon Tum khen thưởng vì thành tích nổi bật...

Tại tỉnh Gia Lai, đã có 10.013 hộ đăng ký tham gia tự quản an ninh trật tự thôn, làng; có 93 hộ và 3.847 cá nhân đăng ký tự quản đường biên, mốc giới. Từ năm 2015 đến nay, các tổ tự quản trên khu vực biên giới Gia Lai đã tham gia tuần tra, kiểm soát địa bàn và tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc được 3.718 buổi/20.219 lượt thành viên tham gia.

Cuộc sống ổn định, ý thức, trách nhiệm, hiểu biết pháp luật của người dân được nâng lên, “thế trận lòng dân”, “thế trận an ninh nhân dân” ngày càng được củng cố, đó là tiền đề, là cơ sở vững chắc giúp cho BĐBP các tỉnh Tây Nguyên hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Đăng Bảy

www.bienphong.com.vn

Đăng Bảy

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/tay-nguyen-xay-dung-the-tran-long-dan-tren-bien-gioi-114895.html