Tây Nguyên xanh trên đà cất cánh

Tây Nguyên thanh bình, một Tây Nguyên đang hồi sinh phát triển trên đà cất cánh, đó là cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi đến Tây Nguyên những ngày tháng 4 năm 2016. Những thành tựu về phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh ở Tây Nguyên sau 41 năm được giải phóng, có công sức đóng góp rất lớn của cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn 15, Binh đoàn Tây Nguyên, BĐBP và lực lượng vũ trang các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắc Nông.

 BĐBP Gia Lai hướng dẫn bà con vùng biên giới Đức Cơ thu hoạch lúa nước. Ảnh: Lê Quang Hồi

BĐBP Gia Lai hướng dẫn bà con vùng biên giới Đức Cơ thu hoạch lúa nước. Ảnh: Lê Quang Hồi

Gắn bó với dân từ những mô hình

Tây Nguyên những ngày tháng 4, mặt trời như đi ngủ sớm sau những cánh rừng cao su, cà phê bạt ngàn xanh tốt. Đêm vùng biên giới trời se lạnh, ngồi bên nhau một cảm giác nồng ấm như ngọn lửa đâu đó lan tỏa mân man. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược, quân và dân các dân tộc Tây Nguyên đã đoàn kết sát cánh bên nhau đấu tranh anh dũng lập nên bao chiến công hiển hách, góp phần giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Ngày nay, sức mạnh đó càng được nhân lên trong cuộc chiến xóa mù chữ, chống nghèo khổ, "đánh đuổi" hủ tục, phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh, chung sức xây dựng Tây Nguyên ngày một giàu đẹp.

Từ ngày đất nước thống nhất, ngoài nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ), thì việc giúp đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế hộ gia đình, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, đã trở thành truyền thống, việc làm thường xuyên của cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn 15, Quân đoàn 3, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai, Kon Tum. Các đơn vị đã đẩy mạnh phong trào "Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới", xác định và thực hiện những mô hình hiệu quả như: "Xóa một hộ đói, giảm một hộ nghèo"; "Hũ gạo vì người nghèo"; "Gắn kết hộ"; "Vườn rau sân nhà"… Hàng ngàn hộ dân vùng biên giới Tây Nguyên đã hưởng lợi từ các mô hình này.

Ngoài các mô hình trên, BĐBP Gia Lai còn thực hiện mô hình "Phát triển kinh tế gia đình", "Bếp ăn tình thương", tuyên truyền cho bà con chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, phát huy hiệu quả mô hình vườn, ao, chuồng; hướng dẫn cách làm, tìm các loại giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, tập quán canh tác của bà con để giúp người dân đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Mô hình "Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo", "Lúa nước trên núi", hỗ trợ vốn sản xuất, hỗ trợ vật nuôi, cây trồng cho người nghèo được Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện. Từ năm 2010 đến 2015, BĐBP Gia Lai đã xây dựng và bàn giao 172 ngôi nhà "Đại đoàn kết", 5 công trình dân sinh trên địa bàn 7 xã biên giới với trị giá trên 5,5 tỷ đồng, triển khai xây dựng 20 "Mái ấm chiến sĩ nơi biên giới" trị giá 1,2 tỷ đồng…

Có mặt tại Ia Dom (huyện Đức Cơ, Gia Lai) - xã đầu tiên trên vùng biên giới Tây Nguyên hội đủ 19/19 tiêu chí về "Nông thôn mới", chúng tôi thấy cuộc sống người dân đã có những chuyển biến tích cực. Từ một xã nghèo đói, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội có những lúc diễn biến phức tạp, đến nay, nhờ có sự tiếp sức của cán bộ, chiến sĩ BĐBP Gia Lai đã không còn người vượt biên trái pháp luật, đời sống kinh tế, xã hội phát triển. Năm 2015 và 3 tháng đầu năm 2016, diện tích gieo trồng cây nông nghiệp của xã đạt hơn 1.000ha, tăng gần 200% so với kế hoạch đề ra và tăng hơn 200ha so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, diện tích cây công nghiệp dài ngày tăng theo hướng tích cực, trong đó có 282ha cao su tiểu điền, 377ha cà phê, 99,4ha hồ tiêu, 449ha điều đã cho thu hoạch… Kết quả này là minh chứng cho tính đúng đắn đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng nông thôn mới, lòng quyết tâm vượt qua đói nghèo, sự thay đổi về tư duy sản xuất của bà con dân tộc thiểu số và sự tiếp sức hiệu quả của cán bộ, chiến sĩ Biên phòng Gia Lai.

Đại tá Vũ Trọng Tiệp, Chỉ huy trưởng BĐBP Gia Lai cho biết thêm: "Những mô hình trên được triển khai rộng rãi, đạt kết quả tốt và được cán bộ, chiến sĩ các đơn vị đồng thuận, có sức lan tỏa rất mạnh. Từ kinh nghiệm ban đầu, chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với Binh đoàn 15, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai và các địa phương để thống nhất triển khai, phân công địa bàn, chọn đối tượng giúp đỡ. Tổ chức đồng bộ, phù hợp với từng địa phương, tập quán sản xuất, nguyện vọng, hoàn cảnh của từng gia đình và điều kiện của cơ quan, đơn vị; đồng thời định hướng phát triển, hướng tới xóa đói và thoát nghèo bền vững. Nhiều nơi, bộ đội không chỉ tranh thủ được sự ủng hộ về chủ trương, mà còn thuyết phục, lôi cuốn các ban, ngành, đoàn thể địa phương vào cuộc, tạo hiệu ứng xã hội tốt. Tình cảm, mối quan hệ quân dân tỏa sáng, bền chặt, là cơ sở quan trọng để xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh".

Chung tay giúp bà con phát triển kinh tế, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh Kon Tum đã kết nghĩa với xã Ya Xiêr, huyện Sa Thầy (Kon Tum). Từ năm 2015 đến nay, đơn vị đã huy động gần 1.000 ngày công trồng và chăm sóc được 10ha mì, 2ha cao su, trên 2ha bắp, 6ha lúa, 1.000 cây bời lời và hỗ trợ hơn 1 tấn gạo giúp bà con mùa giáp hạt. Với phương châm "Cầm tay chỉ việc" và tích cực hướng dẫn bà con biết trồng cao su, trồng lúa nước, bời lời… xã Ya Xiêr đã có những chuyển biến tích cực. Từ một xã nghèo đói, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội có những lúc diễn biến phức tạp, nhưng đến nay không còn người vượt biên trái pháp luật, đời sống kinh tế, xã hội phát triển. Trên 200ha đất bạc màu đã được chuyển đổi sang trồng cao su. Đặc biệt, lần đầu tiên người dân tộc thiểu số trên địa bàn xã đã trồng được 137ha lúa đông xuân và 152ha bắp; 891ha sắn… Tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm 11,74%/năm. Xã đã dần dần đạt tiêu chí "No đủ, vững mạnh, an toàn".

Từ sức mạnh "gắn kết" Kinh - Thượng

Đến nay, trên 30 năm bám trụ với Tây Nguyên, vùng đất khô cằn và khốc liệt bởi đạn bom và chất độc hóa học của Mỹ-ngụy còn lại sau chiến tranh, cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn 15 đã kề vai sát cánh cùng với cấp ủy, chính quyền và bà con địa phương không chỉ bằng công sức, mồ hôi mà cả xương máu của mình, biến vùng "đất chết" trên vành đai biên giới thành một vùng kinh tế, xã hội phát triển năng động. Mô hình "Lúa nước trồng trên núi" giúp dân thoát nghèo của Công ty 72, mô hình "Người Giá Rai mang tiền đi đẻ" của Công ty 74 và mô hình "Làng công nhân biên giới" của Công ty 75… đã đem lại những hiệu quả thiết thực, giúp bà con địa phương phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Đặc biệt, mô hình "Gắn kết hộ" hiệu quả không chỉ mang lại về mặt kinh tế, mà còn cả lĩnh vực chính trị, xã hội, văn hóa, quốc phòng-an ninh. Từ 30 cặp hộ gắn kết buổi ban đầu năm 2006, đến nay đã có 4.276 cặp hộ gắn kết với nhau. Họ là những mắt xích, là sự kết nối "đoàn kết dân tộc" giữa người Kinh với bà con đồng bào các dân tộc thiểu số. Nhờ vậy, cuộc sống của hàng ngàn lao động trên địa bàn tỉnh Gia Lai, Kon Tum đã có cuộc sống ổn định, nhiều gia đình có thu nhập từ 100 đến 200 triệu đồng/năm. Binh đoàn 15 đã trở thành đơn vị tiên phong trong lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng - an ninh trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên.

Chúng tôi tìm hiểu và được biết, trong 4.276 cặp hộ gắn kết với nhau, có Đậu Văn Lành - Ksor Lương (Công ty 74); Nguyễn Thị Băng - Rơ Lan Hê (Công ty 75); Kpui Then - Lê Đức Oánh (Công ty 72) và Rơ man En - Nguyễn Đàm Khoa (Công ty 715), đây là bốn cặp hộ gắn kết thực sự tiêu biểu của Binh đoàn 15. Họ chính là những bông hoa đẹp của núi rừng Tây Nguyên về tình đoàn kết gắn bó Kinh - Thượng, thấm đẫm chất nhân văn "đồng chí - anh em". Họ gắn kết với nhau hoàn toàn tự nguyện và những câu chuyện của họ cũng hết sức chân thật và lay động lòng người. Theo Ksor Lương: "Hai gia đình chúng tôi đã gắn kết với nhau như anh em ruột thịt, gia đình có công việc gì thì cùng nhau chia sẻ. Nhờ anh Lành hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc vườn cây, cạo mủ cao su nên đồng tiền, hạt gạo cứ "chạy về" trong bồ, trong tủ. Mình giúp anh Lành và công nhân người Kinh hiểu biết thêm về văn hóa, phong tục… của người Giá Rai, Ba Na… Bà con mình ngày càng no cái bụng, tiền có nhiều họ đầu tư cho con cái đi học, xây nhà và mua sắm dụng cụ sinh hoạt gia đình. Sản phẩm đó là của tình đoàn kết anh em Kinh - Thượng, tình đồng chí đồng đội, tình anh em!".

Nói về mô hình "Gắn kết hộ", Thiếu tướng Đặng Anh Dũng, Tư lệnh Binh đoàn 15 khẳng định: Xuất phát từ yêu cầu thực tế, nên mô hình "Gắn kết hộ" đã và đang lan tỏa một cách sâu rộng, tình đồng chí, nghĩa đồng bào ngày càng thêm sâu nặng, hiệu quả thiết thực, góp phần làm giàu, làm đẹp cho Tây Nguyên. Những năm qua, nếu không làm tốt công tác dân vận, mà cụ thể là thực hiện tốt mô hình "Gắn kết hộ" thì đơn vị không thể hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với quốc phòng-an ninh, từng bước tạo đà và đưa Tây Nguyên phát triển toàn diện".

Những việc làm nghĩa tình, thiết thực của cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 3, Binh đoàn 15 và lực lượng vũ trang các tỉnh Tây Nguyên không những để lại những công trình có giá trị về kinh tế, mà còn tô đậm thêm truyền thống tốt đẹp Bộ đội Cụ Hồ, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, hy sinh.

Lê Quang Hồi

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/tay-nguyen-xanh-tren-da-cat-canh/