Tây Nguyên đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển kinh tế

Nhằm tổng kết những kết quả đạt được giai đoạn 2016-2020 và đưa ra định hướng ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển kinh tế xã hội trong thời gian tới của Tây Nguyên, ngày 6-7/12, tại Pleiku,Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai tổ chức hội thảo Ứng dụng Khoa học công nghệ Chương trình Tây Nguyên 2016-2020.

 PGS.TS Trần Tuấn Anh- Phó Chủ tịch Viện Hàn Lâm phát biểu tại Hội thảo

PGS.TS Trần Tuấn Anh- Phó Chủ tịch Viện Hàn Lâm phát biểu tại Hội thảo

Triển khai chương trình khoa học công nghệ (KHCN) do Thủ tướng Chính phủ giao Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam thực hiện “Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên trong liên kết vùng và hội nhập quốc tế” (Chương trình Tây Nguyên 2016-2020). Chương trình chỉ rõ, để các tỉnh Tây Nguyên phát triển bền vững thành vùng kinh tế trọng điểm của đất nước, đòi hỏi ba nguồn lực cơ bản, gồm tài nguyên thiên nhiên môi trường, trong đó có môi trường thể chế; nguồn lực tài chính và nguồn nhân lực. Trong đó, khoa học công nghệ đóng vai trò then chốt, liên kết nguồn lực tài nguyên môi trường và nguồn nhân lực để thu hút nguồn lực tài chính phục vụ phát triển bền vững. PGS. TS Trần Tuấn Anh- PCT Viên Hàn lâm KHCN Việt Nam nhấn mạnh: ngoài mục tiêu hội thảo đã được đã được nêu rõ thì mỗi đại biểu sở ngành tham dự hội thảo có thêm thông tin về kết quả và những khả năng mà các nhiệm vụ thuộc Chương trình chuyển giao để áp dụng tại địa phương mình.

Tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Đỗ Tiến Đông cho biết, Hội thảo diễn ra trong bối cảnh biến đổi khí hậu trong những năm qua tương đối phức tạp, các tỉnh Tây Nguyên chịu tác động khá lớn, dẫn đến sản xuất nông nghiệp ảnh hưởng nghiêm trọng. Các số liệu của dữ liệu, báo cáo khoa học của Chương trình có giá trị cho các tỉnh Tây Nguyên nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng trong việc triển khai ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn, cung cấp cơ sở khoa học cho địa phương trong việc quy hoạch, định hướng phát triển kinh tế trong thời gian tới. Đồng thời, đề nghị các sở, ngành của tỉnh tiếp thu các kết quả của các nhiệm vụ thuộc Chương trình, nghiên cứu lựa chọn những nội dung đã triển khai có kết quả tốt và phù hợp với Gia Lai để tham khảo, triển khai tại địa phương.

Sau khi nghe báo cáo các kết quả nghiên cứu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Trương Thanh Tùng góp ý, việc cải tạo đất tại các bãi thải sau khai thác khoáng sản bằng trồng keo lá tràm hiện nay hiệu quả kinh tế không cao, các nhà khoa học cần nghiên cứu trồng các loại cây có hiệu quả kinh tế cao hơn; cần chọn lựa giống cỏ, giống bò có năng suất cao vì diện tích bãi thả, diện tích trồng cỏ ngày càng thu hẹp. Đề tài nghiên cứu về hang động núi lửa Krông Nô cần mở rộng diện tích khảo sát.

Mô hình thí điểm nghiên cứu giải pháp lưu trữ và khai thác tài nguyên nước mặt Tây Nguyên

Tại Hội thảo đã có 14 bài trình bày tại hai tiểu ban được. Đáng chú ý là các kết quả nghiên cứu và mô hình: Quy trình công nghệ quản lý, khai thác sử dụng nguồn nước; mô hình phục hồi bãi thải công nghiệp thành đất canh tác; mô hình chăn nuôi gia súc bán tự nhiên và tự nhiên,... Các kết quả nghiên cứu đã đưa ra các giải pháp khắc phục quá trình thoái hóa đất; chống hạn, giải quyết vấn đề thiếu nước giải quyết vấn đề về xử lý môi trường của các cụm, khu công nghiệp, tiếp cận công nghệ thông tin, dữ liệu lớn trong quản lý tài nguyên và môi trường khu vực Tây Nguyên. Bên cạnh đó đã xây dựng được cơ sở dữ liệu đồng bộ về hiện trạng tài nguyên môi trường, kinh tế, xã hội và công nghệ của Tây Nguyên

Cũng tại Hội nghị các nhà khoa học đã giới thiệu, chia sẻ các kết quả được áp dụng chuyển giao vào thực tế sản xuất tại Tây Nguyên như: Quy trình công nghệ Quản lý, khai thác sử dụng nguồn nước; Mô hình phục hồi bãi thải công nghiệp thành đất canh tác; Mô hình chăn nuôi gia súc bán tự nhiên và tự nhiên, quy trình công nghệ ứng dụng Viễn thám, máy bay không người lái - UAV, WEBGIS trong quản lý, khai thác tài nguyên đất, nước, rừng... Điều này góp phần: Khắc phục quá trình thoái hóa đất khốc liệt do các quá trình tự nhiên và nhân tác; chống hạn, giải quyết vấn đề thiêu nước; khu vực tổ chức chăn nuôi tập trung đại gia súc quy mô công nghiệp, giải quyết vấn đề về xử lý môi trường của các cụm, khu công nghiệp, tiếp cận công nghệ thông tin, dữ liệu lớn trong quản lý tài nguyên và môi trường khu vực Tây Nguyên.

Bên cạnh đó các nhiệm vụ của chương trình Tây Nguyên cũng đã xây dựng được cơ sở dữ liệu đồng bộ về hiện trạng tài nguyên môi trường, kinh tế, xã hội và công nghệ. Cung cấp cơ sở khoa học cho các tỉnh Tây Nguyên, xây dựng báo cáo chính trị đại Hội Đảng các cấp.

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tay-nguyen-day-manh-ung-dung-khoa-hoc-cong-nghe-de-phat-trien-kinh-te-129467.html