Tây Nguyên cam kết bảo vệ thú rừng

Cam kết bảo vệ thú rừng là một trong những nội dung được nêu bật trong sự kiện Hưởng ứng Ngày Thế giới Bảo tồn các Loài Hoang dã tại Buôn Ma Thuột, với sự tham gia của lãnh đạo các cấp và người dân thành phố.

Sự kiện hưởng ứng Ngày Thế giới Bảo tồn các Loài Hoang dã (ngày 4.12 hàng năm) lần đầu tiên vừa được tổ chức bởi Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk và WWF, vào ngày 2.12 tại Buôn Ma Thuột.

Sự kiện có sự tham gia của lãnh đạo UBND thành phố, Cục Kiểm lâm, các sở ban ngành liên quan, trường Đại học Tây Nguyên, các hiệp hội doanh nghiệp và người dân.

Tại sự kiện, tuy cho biết quần thể các loài hoang dã đã suy giảm đến mức báo động, nhưng ông Y Sy H’Dơk, Chi cục trưởng Chi Cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk cũng bày tỏ tin tưởng: “Rừng Tây Nguyên vẫn đủ giàu để các loài hoang dã tự phục hồi”.

“Điều quan trọng là trả lại cho chúng môi trường sống an toàn và hành lang di chuyển đủ rộng theo tập tính của loài. Lãnh đạo các cấp và người dân cần hành động ngay bây giờ, và phải làm nhiều hơn nữa mới có thể đảo ngược tốc độ suy giảm quần thể loài.”, ông Y Sy H’Dơk nói.

Voi Tây Nguyên và trẻ em dưới ống kính của nhiếp ảnh gia người Nhật Niimura Yoko

Ông Y Sy H’Dơk đưa ra ví dụ, hiện Đắk Lắk có quần thể voi hoang dã lớn nhất cả nước đang sinh sống tại Vườn Quốc gia Yok Don, và đây là niềm hy vọng của bảo tồn voi Việt Nam.

“Tôi hy vọng rằng cam kết ngày hôm nay sẽ được biến thành hành động cụ thể, thành phố Buôn Ma Thuột sẽ trở thành thành phố đầu tiên của Tây Nguyên không buôn bán các sản phẩm ngà voi, nhẫn lông đuôi voi và các loài động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng.

WWF sẽ luôn đồng hành cùng chính quyền và người dân để thực hiện mục tiêu này.”, ông Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc Quốc gia của WWF-Việt Nam chia sẻ tại sự kiện.

Từ ngàn đời xưa, người Tây Nguyên nương tựa vào thiên nhiên, sinh sống và phát triển yên bình trong lòng thiên nhiên cùng muôn loài hoang dã.

Nhưng trong hơn bốn thập kỷ gần đây, bức tranh hài hòa này đang bị phá vỡ. Áp lực phát triển đè nặng lên thiên nhiên.

Các cánh rừng bị thu hẹp, nhường đất cho phát triển nông lâm nghiệp và cơ sở hạ tầng.

Các con sông, con suối bị ô nhiễm và quần thể các loài hoang dã bị suy giảm nghiêm trọng do mất sinh cảnh sống và bị săn bắt tận diệt để phục vụ nhu cầu ẩm thực xa xỉ, thuốc đông y và đồ trang sức.

Từ hàng ngàn cá thể voi hoang dã, giờ Tây Nguyên chỉ còn khoảng 70 cá thể, sống co cụm trong Vườn Quốc gia Yok Don.

Loài bò tót đẹp và dũng mãnh, từ hơn 4.000 con giờ còn chưa tới 400 cá thể trên toàn quốc.

Hổ đã biến mất khỏi núi rừng nơi đây và các loài mèo lớn khác đang bị ráo riết săn lùng...

Lê Quỳnh

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/tay-nguyen-cam-ket-bao-ve-thu-rung-16469.html