Tây Nam ký sự: Nam Du – Thiên đường du lịch

Quần đảo Nam Du thuộc huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang, cách TP Rạch Giá khoảng trên 80km. Nam Du gồm 21 đảo lớn, nhỏ, trong đó 11 đảo có cư dân sinh sống. Quần đảo Nam Du được ví như Vịnh Hạ Long trên vùng biển Tây Nam của Tổ quốc.

Sự tích hòn Củ Tron

 Một góc khu dân cư bến Chệt trên đảo Củ Tron - trung tâm của xã An Sơn.

Một góc khu dân cư bến Chệt trên đảo Củ Tron - trung tâm của xã An Sơn.

Từ Hòn Chuối, tàu hải quân 632 đưa chúng tôi đến quần đảo Nam Du vào một buổi sáng sớm. Tàu cập hòn Củ Tron - đảo lớn nhất quần đảo Nam Du, thuộc xã An Sơn. Mặt trời vừa lên, rải ánh vàng xuống mặt biển xanh biếc. Xung quanh cảng, âm thanh ngày mới sôi động.

Tiếng pô xe máy, tiếng mời chào của các tài xế xe ôm trộn vào nhau. Một Nam Du đẹp, yên bình vậy nên thật khó hình dung hơn 20 năm trước, nơi đây từng phải gánh chịu hậu quả nặng nề do cơn bão Linda (bão số 5) gây ra vào ngày 2 và 3/11/1997 khiến 460 người chết, bị thương 335 người; 2.383 tàu bị chìm và mất tích; 3.210 nhà bị sập, 20.537 nhà bị tốc mái. Thiệt hại tính ra tiền là trên 1.515 tỷ đồng.

Đại diện lãnh đạo Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân và đoàn công tác thắp hương tưởng niệm gần 500 đồng bào bị thiệt mạng trong cơn bão Linda năm 1997.

Sau khi cùng đoàn thắp hương tưởng nhớ các nạn nhân thiệt mạng do cơn bão Linda năm 1997 tại Nhà bia tưởng niệm ngay cầu cảng, tôi thuê 1 xe máy tự lái đi khám phá đảo. Giá thuê 150.000đ cho cả ngày, chủ nhà lo tiền xăng.

Ngay bên trên cảng, từng dãy những điểm bán hải sản tươi sống, đủ loại từ cua, ghẹ, tôm, cá, ngao, ốc… giá cũng vừa phải, thậm chí còn rẻ hơn ở Quảng Ninh. Những người bán hàng nở nụ cười nhẹ nhàng mời chào khách chứ không có ý chèo kéo, gây khó dễ.

Qua trụ sở xã An Sơn, vượt lên con dốc là tới bãi Đất Đỏ. Từ trên cao nhìn xuống, bãi Đất Đỏ nước biển xanh ngắt, những rặng dừa ven bờ xõa tóc đu đưa, bãi cát trắng, những con thuyền câu xinh xắn neo đậu, yên bình.

Toàn cảnh khu bãi Đất Đỏ nhìn từ trên cao.

Thấy cái tên đảo gọi là hòn Củ Tron (tên khác của hòn Lớn) ngồ ngộ, tôi hỏi một người đàn ông đứng tuổi thì được biết, tương truyền, vào thế kỷ 18, khi Nguyễn Ánh trốn quân Tây Sơn ra đây, quân lính bị đói nên hỏi dân bản địa tìm cái ăn. Họ được chỉ một loại củ hình tròn, to thì bằng cái đĩa, nhỏ thì bằng nắm tay. Quân lính đào củ ăn, thấy lành và no bụng.

Tới khi Nguyễn Ánh đánh bại quân Tây Sơn, nhớ ơn củ tròn cứu tai qua nạn khỏi liền cử quan ra đảo sắc phong tên Củ Tròn. Do viên quan người gốc miền Trung truyền đạt sai, đọc mất dấu nghe thành Củ Tron nên đảo mang tên Củ Tron ngộ nghĩnh từ đó.

Theo con đường bê tông uốn lượn chạy ven đảo khoảng 3-4km, tôi đến khu bãi Ngự nằm ở cuối đảo. Gọi là bãi Ngự - tương truyền là vào cuối thế kỷ 18, khi chúa Nguyễn Ánh trốn quân Tây Sơn ra đây, chiều chiều ngài hay ngồi (ngự) trên bãi biển ngắm cảnh nên người dân đảo gọi như vậy.

Khu bãi Ngự - tương truyền khi xưa chúa Nguyễn Ánh thường ngồi ngắm cảnh.

Con đường đi vào xóm bãi Ngự nhỏ, ngoằn ngoèo, san sát những ngôi nhà nhỏ lợp tôn, nhỏ bé, lụp xụp. Ngay đầu xóm, dăm ba đứa trẻ đang tự chơi bằng trò câu cá ven bờ biển. Tịnh không có một ngôi nhà tầng, nhà xây kiên cố nào, trái ngược hẳn với đầu kia của đảo. Một bà khoảng hơn 60 tuổi đang phơi cá bên sân nhà cho tôi biết, hầu hết dân xóm bãi Ngự này sống bằng đi làm thuê cho nửa đầu đảo bên kia. Họ bán quán, dọn dẹp nhà nghỉ, lái ghe đưa khách đi thăm các đảo.

Ông Lê Quốc Toàn, thủ nhang đền thờ Cá Ông đang kể lại ký ức kinh hoàng về trận bão Linda năm 1997.

Ngay đầu bãi Ngự có một đền thờ thần Nam Hải, trong đền có một bộ xương cá voi cùng nhiều hài cốt cá heo. Ông Lê Quốc Toàn, 71 tuổi, người dân bãi Ngự là người bỏ tiền và vận động người dân xây dựng đền này. Ông Toàn cho biết ông vốn người miền Trung, tới đây lập nghiệp năm 1988. Trận bão Linda năm 1997, gia đình ông may mắn không có người thiệt mạng nhưng đắm mất tàu. Ông xây và tự trông coi cái đền này coi như một sự tạ ơn với biển, với cá Ông.

Từ bãi Ngự, theo con đường vòng quanh đảo, tôi quay về khu cầu cảng – còn gọi là bãi Chệt. Tương truyền, khoảng thế kỷ 16, có nhiều đoàn tàu Trung Quốc và Hà Lan qua vùng biển này buôn bán. Một buổi sáng, dân hòn Lớn thấy nhiều xác người Hoa (vốn được gọi là các chú Chệt) đi buôn bị giết chết, xác trôi vào bãi. Họ đem chôn cất và bãi Chệt có tên từ sự tích này.

Khu bãi Mến hoang sơ, sạch sẽ, rất thích hợp để tắm biển, cắm trại.

Đường về bãi Chệt đi qua một số bãi, mỗi bãi một tên gọi như bãi Sỏi, bãi Cây Mến, bãi Đá cháy, mũi Đá đen... Mỗi địa danh mô tả ngắn gọn nhưng đầy đủ nhất đặc điểm địa hình, gợi trí tò mò cho du khách. Bãi Cây Mến có hai cách được người Nam Du giải thích: Cách thứ nhất nói ngày xưa ở đây trồng nhiều cây mến, giống cây cau nhưng cao và to hơn. Cách giải thích thứ hai rằng mến nghĩa là trai gái mến nhau. Ở đảo Củ Tron chỉ có bãi Mến là bãi đẹp, có bãi cát trắng mịn hình vòng cung và khá cách biệt với khu dân cư nên ngày trước trai gái tới đó hẹn hò, “yêu mến”.

Nam Du đẹp lắm không đùa được đâu

Đó là một thông điệp do một người dân ở bãi Ngự dùng sơn viết lên tường nhà mình. Thật là ngộ nghĩnh và đáng yêu. Tiếc là tôi chỉ có quỹ thời gian 1 ngày, chẳng đủ để đi khám phá hết 20 hòn đảo còn lại của quần đảo Nam Du.

Người đàn ông đang cầm bút tô lên tường nhà chữ "Nam Du đẹp lắm không đùa được đâu".

Theo Chủ tịch UBND xã An Sơn Võ Văn Võ, Nam Du ngày càng thu hút du khách nhiều hơn. Nếu như năm 2018, lượng khách đến đảo tham quan du lịch đạt 148.464 lượt (tăng 28.879 lượt khách so với năm 2017) thì đến năm 2019, con số này là trên 195.000 lượt (so với năm 2018 tăng 46.550 lượt). Doanh thu từ dịch vụ du lịch năm 2019 của xã đạt 430 tỷ đồng, tăng 14 tỷ đồng so với năm 2018.

Một homestay do người dân đầu tư xây dựng gần trung tâm xã An Sơn.

Trước nhu cầu của khách du lịch, nhiều người dân đã đầu tư xây nhà nghỉ homstay, mua xe máy, tàu thuyền đưa đón khách. Hiện toàn xã có 76 nhà trọ, nhà nghỉ với 639 phòng; có 39 tàu, xuồng, 8 ô tô khách, 2.000 xe máy phục vụ nhu cầu đưa đón du khách tham quan, ngắm cảnh, lặn biển…

Tới Nam Du, hải sản rất nhiều, rẻ để du khách có thể mua làm quà.

Chủ tịch UBND xã An Sơn Võ Văn Võ cho biết: Chúng tôi đang khuyến khích các hộ kinh doanh đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, phát triển du lịch một cách bền vững. Ngoài ra, chúng tôi cũng khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch tại các khu du lịch, như: Bãi Cây Mến, bãi Đất Đỏ...; đầu tư phát triển du lịch sinh thái dưới tán rừng, tắm biển, lặn ngắm san hô, mô hình du lịch cộng đồng, tạo cảnh quan để phát triển du lịch sinh thái biển, đảo gắn với bảo vệ môi trường.

Tôi tạm biệt Nam Du khi ánh tà đã tắt. Nhìn lên đảo, cả cung đường ven bến Chệt điện sáng lung linh. Những quán bán hàng ẩm thực đêm đã mở ra, tiếng nhạc xập xình. Cũng phải thôi vì Nam Du là thiên đường du lịch.

Quần đảo Nam Du được mệnh danh là “Hạ Long phương Nam” đang trở thành điểm du lịch khám phá hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế. Nam Du có hai đơn vị hành chính là xã Nam Du và xã An Sơn với tổng hơn 1.600 hộ với gần 5.000 nhân khẩu.

Từ Rạch Giá, du khách có thể đi tàu khách đến Nam Du với vé khứ hồi khoảng 440.000đ/người. Giá nhà nghỉ, homstay trên đảo khoảng 350-450.000đ/phòng đôi (kể cả cuối tuần). Dịch vụ thuê tàu đi lặn ngắm san hô, câu cá, ăn uống… giá vừa phải.

Khoảng thời gian đẹp nhất để đến Nam Du là từ tháng 11 năm trước đến hết tháng 5 năm sau bởi đây là thời điểm biển êm và trong xanh.

Kỳ sau: Quần đảo Hải tặc

Trần Minh

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202002/tay-nam-ky-su-nam-du-thien-duong-du-lich-2472139/