Tây Nam ký sự: Hòn Khoai – đảo tiền tiêu

Đảo Hòn Khoai có diện tích khoảng 4km2, thuộc xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau), cách đất liền 14,6km. Hòn Khoai được ví như trạm tiền tiêu canh giữ vùng trời, vùng đất phía Tây Nam Tổ quốc.

Giống như ngày khởi hành từ Phú Quốc ra Thổ Chu, tàu 632 khởi hành đi Hòn Khoai vào ban đêm để kịp sáng hôm sau đoàn lên đảo. Sóng cấp 3 - cấp 4, gió cũng bớt hơn hôm đầu tiên. Cánh báo chí chúng tôi đến từ Nam và Bắc cũng đã bắt đầu quen với nhịp sinh hoạt trên tàu. Hơn 50 phóng viên đến từ gần 40 cơ quan báo chí, trong đó những chị em thì được ưu tiên ngủ trong cabin, còn lại cánh nam giới thì ngủ trên boong, lều bạt dã chiến. Sau một ngày tác nghiệp mệt nhoài trên đảo Thổ Chu, đêm đã khuya nhưng một số người như anh Việt Dũng (Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương), anh Tín Huy (Báo Sài Gòn Giải phóng), anh Trần Ích (Báo Hà Nam), anh Thanh Sơn (Báo Hòa Bình), chị Thanh Nga (Đài Phát thanh - Truyền hình Thái Nguyên)… vẫn cặm cụi bên máy tính để kịp gửi về tòa soạn những tin bài mới nhất của chuyến đi.

Để lên được đảo Hòn Khoai, Đồn Biên phòng Hòn Khoai phải hỗ trợ chuyển người và quà tặng từ tàu vận tải 632 vào cảng.

Để lên được đảo Hòn Khoai, Đồn Biên phòng Hòn Khoai phải hỗ trợ chuyển người và quà tặng từ tàu vận tải 632 vào cảng.

Khác với Thổ Chu, Phú Quốc, có lẽ do nằm gần đất liền, lại ảnh hưởng của dòng chảy nên vùng biển quanh đảo Hòn Khoai đục màu phù sa. Cụm đảo Hòn Khoai gồm 5 hòn: Hòn Khoai (hay còn gọi là hòn Độc Lập, hòn Giáng Tiên), Hòn Sao, Hòn Đồi Mồi, Hòn Đá Lẻ và Hòn Tượng.

Truyền rằng đảo có tên gọi Hòn Khoai vì nhìn từ xa đảo trông giống như một củ khoai khổng lồ. Lại cũng có tài liệu nói rằng vì xưa người dân ra đây làm rẫy, trồng cây ăn trái nên giờ trên đảo vẫn còn những bụi khoai do đó người ta gọi đảo là Hòn Khoai. Hòn Khoai có điều kiện tự nhiên rất phong phú, đồng thời có vị trí quan trọng về quốc phòng an ninh. Nơi đây được ví như một trạm tiền tiêu canh giữ vùng trời, vùng biển và dải đất phía Tây Nam của Tổ quốc gắn liền với cuộc khởi nghĩa của anh hùng liệt sĩ, thầy giáo Phan Ngọc Hiển thời kháng chiến chống Pháp và ngọn hải đăng gần 100 tuổi được xây dựng từ thời Pháp thuộc.

Cảng trên đảo Hòn Khoai mới được xây dựng, làm nơi tránh trú bão, neo đậu cho tàu thuyền ngư dân và mở ra hướng phát triển của đảo,

Dù cảng trên đảo Hòn Khoai vừa mới được xây dựng nhưng do trọng tải lớn nên tàu 632 phải neo phía ngoài, rồi tàu của Đồn Biên phòng chuyển tải đón đoàn vào cảng.

Để tới được đích đến là Trạm Rada 595 (Tiểu đoàn 551, Vùng 5 hải quân), đoàn phải vượt dốc quãng đường trên dưới 5km nên cán bộ Bộ Tư lệnh Vùng 5 khuyến cáo cánh nhà báo để lại tàu những tư trang không cần thiết. Tôi xem lại ba lô và quyết định chỉ mang đi máy ảnh cùng ống kính phụ nhưng thấy cũng chòm chèm 10kg.

Đi qua Hạt Kiểm lâm Hòn Khoai (thuộc Chi cục Kiểm lâm Cà Mau), con đường bắt đầu dốc. Nói là đường nhưng nó là lối đi, khi thì lổn nhổn đá cuội, khi đá tai mèo vừa hai người tránh nhau thì đúng hơn. Cứ như vậy, chúng tôi đi xuyên qua những tán cây, dây leo, vắt hình chữ chi đi lên.

Lối lên Hải đăng Hòn Khoai và Trạm Rada 595 đi qua những tán rừng xanh.

Đi được khoảng 1,5km, khi mà mồm và mũi tranh nhau thở, cái lưng đã rịn mồ hôi cũng là lúc chúng tôi đến Đồn Biên phòng 700 (thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau). Mọi người nghỉ, uống nước và tranh thủ hỏi thăm sức khỏe, đời sống cán bộ, chiến sĩ của Đồn.

Từ Đồn 700 đi lên, con đường đã rộng hơn, nhiều đoạn rải đá nhỏ, đủ chỗ cho 1 xe tải 1,5 tấn chạy. Nghe nói con đường này người Pháp mở từ khi xây dựng hải đăng Hòn Khoai. Đường đã bớt dốc nên chúng tôi có điều kiện vừa đi vừa ngắm cảnh. Hai bên đường, nhiều đoạn rợp bóng cây xanh.

Có tài liệu nào đó viết rằng Hòn Khoai được mệnh danh là hòn đảo đẹp nhất vùng cực Nam Tổ quốc. Quả thực, có lẽ một phần là đảo không có dân cư sinh sống nên Hòn Khoai vẫn còn giữ được vẻ nguyên sơ của rừng biển. Bao phủ khắp đảo là cánh rừng xanh bạt ngàn với rất nhiều cây gỗ lớn. Đảo có hai bãi biển, một bãi lớn nằm ở phía Đông Nam và một bãi nhỏ nằm ở phía Bắc. Bờ biển sạch, kín gió, là nơi neo đậu, trú bão cho tàu thuyền khai thác thủy sản. Điều đặc biệt là trên đảo có hai dòng suối, quanh năm cho nước ngọt cung cấp cho các đơn vị trên đảo và ngư dân đánh bắt quanh vùng. Người ta kể rằng, vì xưa tiên xuống dòng suối ngọt này tắm nên đảo từ đó còn có tên là Giáng Tiên.

Chiến sĩ Trạm Rada 595 chuẩn bị ban thờ và mâm ngũ quả đón Tết.

Vượt qua 3,5km, chúng tôi rồi cũng lên được đỉnh núi – cũng là đơn vị của Trạm Rada 595. Đại úy Nguyễn Minh Mạng, Chính trị viên Trạm Rada 595 ra tận chân dốc đón khách. Những cái bắt tay thật chặt, những nụ cười trao nhau như thân quen lâu rồi.

Gió đông thổi mát rượi. Từ sân Trạm Rada 595, tôi có thể quan sát một vùng xung quanh đảo Hòn Khoai, gồm các hòn nhỏ khác như Hòn Sao, Hòn Đồi Mồi, Hòn Đá Lẻ và Hòn Tượng. Nhìn từ trên cao, Hòn Tượng trong giống như một chú voi khổng lồ đang ngâm mình dưới biển; hòn Đồi Mồi, hòn Sao thì xanh mơ, mượt mà. Từng dải sóng vỗ vào bờ đảo tung bọt trắng xóa, lòng chợt trào dâng lên một xúc cảm như lần đầu tôi đến Trường Sa năm 2012, đó là Tổ quốc thiêng liêng.

Sau 99 năm xây dựng, Hải đăng Hòn Khoai vẫn nguyên vẹn, vững chãi giữa biển khơi.

Từ cổng Trạm Rada 595 đi xuống khoảng 200m, rẽ về bên phải là đến hải đăng Hòn Khoai. Hải đăng Hòn Khoai được người Pháp xây dựng năm 1920 – đến nay tròn 100 năm, nghe nói là một trong những công trình đèn biển có mặt sớm nhất trên hải phận Việt Nam và nằm trong hệ thống đèn biển Cần Giờ - Côn Đảo - Hòn Khoai - Phú Quốc dùng để chiếu sáng cho tàu biển đi lại trên biển Đông. Hải đăng Hòn Khoai có hình khối vuông, mỗi cạnh dài 4m, cao 12,5m, được xây bằng đá hộc và ximăng, công suất quét sáng bán kính 35km. Dù đã tồn tại 100 năm nhưng kiến trúc của nó vẫn còn khá nguyên vẹn. Điều thú vị là khi leo lên đến đỉnh Hải đăng Hòn Khoai, ngoài cảnh trời biển bao la thì còn thấy được Mũi Cà Mau ở phía xa xa.

Bia ghi dấu sự kiện khởi nghĩa Hòn Khoai dưới chân ngọn hải đăng.

Theo tư liệu khắc trên bia đá dựng cạnh Hải đăng Hòn Khoai này, chính tại đây, 80 năm trước, ngày 13/12/1940, nhà báo, thầy giáo, chiến sĩ cách mạng Phan Ngọc Hiển đã lãnh đạo quân nổi dậy khởi nghĩa Hòn Khoai giành thắng lợi, tên sếp đảo người Pháp bị thương nặng chết ngay trên đảo. Tuy nhiên, thực dân Pháp đã bao vây quân khởi nghĩa Hòn Khoai và bắt được Phan Ngọc Hiển cùng các đồng chí của mình và đến ngày 12/07/1941, giặc Pháp đã xử bắn Phan Ngọc Hiển cùng 7 đồng chí của mình. Ngày khởi nghĩa Hòn Khoai (13/12/1940) đã được chọn làm Ngày truyền thống cách mạng của Đảng bộ, quân và dân Cà Mau. Phan Ngọc Hiển đã được đặt tên cho 1 huyện của tỉnh Cà Mau – huyện Ngọc Hiển. Năm 1990, Hòn Khoai được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận Di tích lịch sử – văn hóa cấp Quốc gia.

Mùa xuân đã về. Cành mai vàng bên sân Trạm Rada 595 bung sắc rung rinh trong nắng gió phương Nam. Một đồng nghiệp Báo Cà Mau cho biết, trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội, tỉnh Cà Mau rất chú trọng bảo tồn cảnh quan với những nét hoang sơ vốn có, khai thác tiềm năng du lịch sinh thái biển, đảo. Hòn Khoai đã trở thành bến cảng, khu neo đậu trú bão cho tàu thuyền khai thác thủy sản trên biển. Một thời gian không xa nữa, Hòn Khoai sẽ gần hơn với du khách, không chỉ là đảo tiền tiêu mà sẽ trở thành hòn đảo ngọc trên vùng biển phía Tây – Nam của Tổ quốc này.

Trần Minh

Kỳ sau: Hòn Khoai - Ấm tình quân dân

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202002/tay-nam-ky-su-hon-khoai-dao-tien-tieu-2470503/