Tây Nam Bộ cảnh giác nguy cơ cháy rừng

Mùa khô năm 2019-2020, nhiều địa phương khu vực Tây Nam Bộ bị xâm nhập mặn sớm và sâu hơn so với cùng kỳ nhiều năm. Do đó, tình trạng thiếu nước, hạn hán, nguy cơ xảy ra cháy rừng và cháy lớn là rất cao.

Để công tác phòng, chống cháy rừng (PCCR) đạt hiệu quả cao, các lực lượng Kiểm lâm, Công an, Quân đội, Hải quan… các tỉnh, thành quyết tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp từ ngăn ngừa cho đến sẵn sàng ứng phó với tình huống cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ” .

Nắng nóng gay gắt, hanh khô kéo dài nhiều ngày qua đã làm hàng ngàn hécta rừng trên địa bàn tỉnh An Giang được cảnh báo có nguy cơ cháy ở cấp V (cấp cảnh báo cực kỳ nguy hiểm). Trước thực trạng trên, Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) Công an tỉnh An Giang đã phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng, tăng cường nhiều biện pháp PCCR. Hiện toàn tỉnh hiện có 16.868ha rừng, trong đó vùng trọng điểm cháy là 7.286,2ha, chiếm gần 50% tổng diện tích rừng.

Thượng tá Nguyễn Tấn Lợi, Phó Trưởng phòng PCCC&CNCH Công an tỉnh An Giang, cho biết đơn vị thường xuyên cắt cử CBCS thực hiện công tác tuyên truyền, khuyến cáo người dân, nhất là người dân sống tại các khu vực ven rừng và trong rừng cần phải có ý thức trong việc PCCR. Không hút thuốc ném tàn bừa bãi. Không đốt tổ ong trong rừng. Khi đốt cỏ, đốt rác, đốt đồng thì phải có người trông coi và phải tránh những giờ cao điểm như gió to, nắng gắt dễ gây cháy lan. Bên cạnh đó, tăng cường công tác hướng dẫn khách hành hương, khách du lịch không đốt nhang, đốt giấy tiền vàng mã trong rừng và các khu vực ven rừng để phòng tránh những nguy cơ cháy rừng có thể xảy ra.

Ông Chau Si Na, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên huyện Tịnh Biên – Châu Đốc cho biết, đơn vị đã chuẩn bị các biện pháp PCCR, trong đó, chú trọng việc chủ động thông báo cho các chủ rừng và tổ chức, cá nhân thực hiện xây dựng phương án PCCR. Triển khai, bố trí các dụng cụ PCCC rừng đến Ban chỉ huy các xã. Cùng với công tác tuyên truyền, lực lượng liên ngành Công an – Kiểm lâm còn tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, thường xuyên xuống địa bàn phối hợp với các hộ dân sinh sống làm vườn trong khu vực đất rừng sản xuất, rừng phòng hộ và các khu vực lân cận thực hiện các biện pháp phòng ngừa cũng như việc ứng phó khi có cháy xảy ra.

Lực lượng Công an phối hợp cùng Kiểm lâm tỉnh An Giang kiểm tra công tác phòng chống cháy rừng.

Lực lượng Công an phối hợp cùng Kiểm lâm tỉnh An Giang kiểm tra công tác phòng chống cháy rừng.

Chi cục Kiểm lâm tỉnh An Giang đã phối hợp với Ban quản lý rừng khẩn trương thực hiện phát và đốt dọn cỏ cục bộ làm giảm vật liệu cháy trong rừng; đốt dọn các tuyến băng trắng, vùng đệm chống cháy lan từ ngoài vào, nhất là các khu vực giáp diện tích sản xuất nông nghiệp. Cụ thể, xây dựng, phát dọn các tuyến đường băng cản lửa, chống cháy lan khu vực rừng tràm Trà Sư, Núi Cấm và núi Phú Cường huyện Tịnh Biên; Núi Sam, TP Châu Đốc; phát dọn chăm sóc các diện tích rừng phòng hộ; cây bụi bảo vệ rừng...

Ông Trần Nguyên Kháng, Phó Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ đặc dụng tỉnh An Giang cho biết: “Ngay từ đầu năm chúng tôi đã triển khai thực hiện phát dọn cỏ hạn chế vật liệu cháy được 2.100ha chăm sóc bảo vệ rừng, xây dựng các đường băng cản lửa là 27ha ở các khu vực trọng điểm. bên cạnh đó, chúng tôi còn thực hiện đốt chủ động chủ yếu là các khu vực giáp với đường mòn, đường lên núi, các đường giáp ruộng trên để ngăn chặn cháy lan”.

Sẵn sàng ứng phó khi có cháy xảy ra, lực lượng Công an, Kiểm lâm đã cấp phát máy xịt nước sử dụng cá nhân phân bổ cho lực lượng Công an, Xã đội, dân phòng và các điểm, khu vực trọng yếu cho các hộ dân trong khu vực để ứng phó khi có sự cố cháy rừng. Đối với lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH địa phương, quân số luôn túc trực 24/24, các trang thiết bị, phương tiện luôn được kiểm tra thường xuyên và trong tư thế sẵn sàng khi có lệnh huy động.

Tại Cà Mau, Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, hiện vùng cảnh báo cháy rừng cấp V đã tăng từ 3.000ha lên 12.000ha. Nguyên nhân là do nắng nóng gay gắt, gió nhiều, hơi nước bốc nhanh. đứng trước tình hình khô hạn gay gắt dự báo sẽ còn kéo dài và khốc liệt, ngành chức năng liên quan đã đề nghị các chủ rừng và lực lượng chuyên trách thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”. Cắt cử lực lượng quan sát trên các chòi canh lửa 24/24 và thực hiện tốt chế độ ứng trực thông tin.

Tăng cường lực lượng, phương tiện tại những nơi có nguy cơ cháy cao để chủ động, ngăn ngừa và kiểm soát kịp thời khi có cháy xảy ra. Các chủ rừng thường xuyên tuần tra bảo vệ rừng, tuyệt đối không cho người không có phận sự vào rừng lấy mật ong. Thường xuyên kiểm tra độ ẩm dưới chân rừng để đưa ra cấp dự báo cháy rừng phù hợp nhằm chủ động ứng phó.

“Lo nhất hiện nay là tình trạng nắng nóng kết hợp gió mạnh khiến mực nước dưới các kênh, rạch trong rừng bốc hơi nhanh. Vào thời điểm này các năm trước, mực nước dưới kênh rạch trong rừng còn hơn ba mét nhưng hiện tại chỉ còn từ 2-2,3m. Trong khi đó, hệ thống các kênh trục vùng ngọt bên ngoài lâm phần đang trong tình trạng cạn kiệt, chỉ còn từ 1-1,5m; các tuyến kênh cấp một thì còn từ 0,5-0,8m, trong khi các tuyến kênh cấp hai, cấp ba và kênh nội đồng thì khô cạn”, ông Lê Văn Hải, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau cho biết.

Ngành chức năng Cà Mau cũng đã tiến hành đắp 32 đập, khép kín 11 cống để giữ nước. Các lực lượng liên quan còn chủ động phát quang các tuyến giao thông đường bộ, nạo vét, khơi thông các tuyến kênh phục vụ công tác PCCR với tổng chiều dài gần 113km và tu sửa, xây dựng mới được 87 chòi quan sát lửa. Ngoài ra, sửa chữa và trang bị mới 102 máy bơm nước chữa cháy các loại cho các đơn vị chủ rừng, với hơn 48.000m vòi chữa cháy; bố trí sẵn 80 máy ICOM phục vụ công tác thông tin liên lạc trong PCCR...

Đặc biệt, trước mùa khô bắt đầu, Công an tỉnh Cà Mau phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh phối hợp tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ PCCR cho 29 tổ PCCC và 24 đơn vị chủ rừng và hàng trăm lực lượng bán chuyên trách.

Tại Sóc Trăng, công tác PCCR có sự tham gia phối hợp của Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Phòng An ninh kinh tế - Công an tỉnh Sóc Trăng. Ban Chỉ huy các đơn vị thường xuyên phân công các Tổ công tác kiểm tra việc thực hiện bảo vệ rừng, thực hiện trồng rừng, kiểm tra rừng trồng của dự án.

Triển khai phương án PCCR, tập huấn công tác chữa cháy rừng cho các đơn vị chủ rừng, ngăn chặn ghe tàu gây hại cho rừng non, đào bới, rào chiếm đất rừng. Ở các phân trường đều đã chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị phục vụ công tác PCCR, lực lượng bảo vệ túc trực, canh gác tuần tra thường xuyên, kịp thời xử lý khi có cháy rừng xảy ra.…

Văn Đức – Trần Lĩnh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/dieu-tra-theo-don-ban-doc/tay-nam-bo-canh-giac-nguy-co-chay-rung-582930/