Tay hoại tử, thâm đen, rỉ dịch do cách chữa rắn cắn nhiều người làm

Bị rắn cắn vào mu bàn tay khi phát cỏ, người đàn ông dùng lá cây đắp vào vết cắn. Một ngày sau, tay phải anh bị sưng to bầm tím, có đám hoại tử thâm đen, rỉ dịch hôi thối.

Cánh tay bệnh nhân sưng như bắp chuối với bàn tay đã bị hoại tử do đắp lá thuốc nam chữa rắn cắn

Cánh tay bệnh nhân sưng như bắp chuối với bàn tay đã bị hoại tử do đắp lá thuốc nam chữa rắn cắn

03h 50 sáng ngày 9/6 Khoa Cấp Cứu - Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng tiếp nhận bệnh nhân D.V.A 27 tuổi, trú tại huyện Bảo Lâm nhập viện do bị rắn độc cắn ngày thứ 3.

Bệnh nhân đến viện trong tình trạng hoại tử rộng mu bàn tay phải do tự đắp thuốc bằng lá cây chữa vết rắn cắn. Theo lời kể của bệnh nhân, khoảng 12h ngày 7/6/2021, bệnh nhân đi phát cỏ ở vườn nhà bị rắn hổ mang bành cắn vào mu bàn tay phải, sau khi bị rắn cắn bệnh nhân đau nhức, sưng nề bầm tím và lan lên cẳng, cánh tay, bệnh nhân không đến bệnh viện ngay mà dùng lá cây (được người khác mách bảo) đắp vào vết cắn.

Sau đắp thuốc hơn một ngày xuất hiện đau nhức, sưng nề, vùng tím đen lan lan rộng người nhà mới đưa đến khám tại Trung tâm Y tế huyện Bảo Lâm và chuyển đến Khoa Cấp cứu - Bệnh viện đa khoa tỉnh trong tình trạng mệt mỏi nhiều, đau nhức vùng cánh tay phải, toàn bộ cánh, cẳng, mu bàn tay phải sưng to bầm tím, có đám hoại tử thâm đen, rỉ dịch hôi thối.

Bệnh nhân được các bác sĩ khám và chẩn đoán: Theo dõi hoại tử bàn cánh tay phải/ rắn cắn ngày thứ 3. Các bác sĩ của khoa Cấp cứu đã nhanh chóng hội chẩn với các khoa liên quan và được chỉ định mổ cắt lọc, giải tỏa chèn ép khoang, sau mổ bệnh nhân được chuyển về điều trị tích cực tại khoa Cấp cứu.

Đây không phải là trường hợp đầu tiên Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng tiếp nhận bệnh nhân bị rắn cắn. Chỉ trong vòng một tháng trở lại đây, Khoa Cấp cứu - Bệnh viện đa khoa tỉnh đã tiếp nhận nhiều ca bị rắn cắn nhập viện trong tình trạng rất nặng nề.

Trong đó, phải kể đến bệnh nhân D.V.A đến viện trong tình trạng muộn, khi xuất hiện tình trạng sưng nề, hoại tử lan rộng. Sai lầm lớn nhất trong sơ cứu khi bị rắn cắn là người nhà áp dụng kinh nghiệm dân gian, chỉ đến viện khi có các biểu hiện của suy hô hấp (tím tái, co cơ, khó thở…) hoặc sưng nề hoại tử diện rộng thì mới đưa đến các cơ sở y tế.

TS.BS. Lê Xuân Dương, Khoa Cấp cứu – Bệnh viện TƯQĐ 108, ghi nhận tại các cơ sở y tế, cứ vào mỗi mùa mưa, số bệnh nhân bị rắn độc cắn lại gia tăng. Đáng chú ý, do sơ cứu không đúng cách, nhiều bệnh nhân bị hoại tử tay chân, nhiễm trùng máu, thậm chí tử vong. Vì vậy, nhận biết rắn độc cắn và sơ cứu ban đầu đúng cách là vô cùng cần thiết.

Theo đó, nước ta thường gặp 2 họ rắn độc: Họ rắn hổ (rắn hổ mang, rắn hổ mang chúa, rắn cạp nong, cạp nia, rắn biển) và họ rắn lục. Khi bị các loài rắn hổ cắn thì tại vùng vết cắn thường đau, sưng nề, có thể có hoại tử đen da vùng bị cắn (da bị chết do nọc độc), nhiễm trùng (sưng đỏ, sốt, có mủ). Vết rắn cắn do rắn cạp nia, cạp nong cắn thường không có gì đặc biệt.

Biểu hiện toàn thân đau nhiều, nói khó, mờ mắt, yếu chân tay, khó thở, liệt toàn thân, loạn nhịp tim, đái ít,… dễ tử vong hoặc tàn phế. Nguyên nhân tử vong chủ yếu do liệt các cơ gây khó thở.

Nếu bị các loài họ rắn lục cắn sẽ bị sưng nề, phỏng nước, chảy máu vùng vết cắn, chảy máu toàn thân khó cầm. Tử vong do chảy máu, mất máu.

Vì vậy, khi bị rắn cắn, các bác sĩ khoa Cấp cứu Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng nhấn mạnh người dân không nên cố hút nọc độc tại vùng vết thương, không sử dụng các loại thuốc dân gian hoặc chữa bằng mẹo. Việc làm này không những không hiệu quả mà còn làm mất thời gian vàng điều trị.

Việc cần làm là đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế gần nhất để thăm khám, điều trị, ngăn chặn không để nọc độc phát tán.

"Khi bị rắn cắn, phải bình tĩnh, hạn chế vận động. Càng vận động nhiều thì độc tố càng vào người nhanh. Nếu vết thương do rắn cắn gây liệt thì phải ép chặt khu vực bị cắn, lấy vải rộng quấn chặt chân tay chỗ bị rắn cắn rồi nhanh chóng đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế", các bác sĩ nhấn mạnh.

Để tránh bị rắn cắn, người dân cần tránh các khu vực thường có nhiều rắn như bụi cỏ, chuồng gà, khe, hốc; đi ban đêm cần có đèn chiếu sáng; khi lao động cần sử dụng ủng, giày cao cổ và quần dài, không trực tiếp nằm ngủ trên nền đất.

N. Huyền

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/chuyen-de/cssk-nhan-dan/tay-hoai-tu-tham-den-ri-dich-do-cach-chua-ran-can-nhieu-nguoi-lam-286904.html