Tây hóa những ngôi đình Việt cổ

Trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử theo kiểu khoác áo mới phá vỡ giá trị vốn có không còn là chuyện hiếm ở nước ta.

Gần đây, Di tích Quốc gia đặc biệt đình Tây Đằng (huyện Ba Vì, Hà Nội) có bộ cổng mới theo kiểu “Tây hóa” lại làm nóng dư luận.

Đình Tây Đằng là một trong số ít ngôi đình cổ Việt Nam được bảo tồn khá nguyên vẹn với gần 500 năm tuổi. Ngôi đình này, theo các nhà nghiên cứu văn hóa, chứa đựng những giá trị kiến trúc chạm khắc đặc sắc, độc đáo và được coi như một bảo tàng nghệ thuật dân gian của thế kỷ XVI. Đình Tây Đằng đã được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt vào cuối 2013.

Đình Tây Đằng gần đây có cổng mới theo kiểu hiện đại. Ảnh: Nguyễn Đức Bình

Đình Tây Đằng gần đây có cổng mới theo kiểu hiện đại. Ảnh: Nguyễn Đức Bình

Tuy nhiên mới đây, cổng đình Tây Đằng bị thay hoàn toàn bằng bộ cổng hiện đại, cùng với đèn tròn trên trụ cổng, mang phong cách châu Âu như cổng của nhiều biệt thự hiện nay. “Chiếc cổng mới mang kiến trúc hoàn toàn trái với nội dung bên trong của di tích. Hình trống đồng đặt ngược, họa tiết cò hạc cũng bị bố trí ngược chiều kim đồng hồ. Người ta thấy chiếc cổng này được dựng nhiều ở các biệt thự ngày nay. Trong khi đó, giá trị của mỹ thuật truyền thống cụ thể ở di tích này là không lặp lại, những điêu khắc trang trí có ở di tích này sẽ không xuất hiện ở di tích khác” - nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Đức Bình chia sẻ.

Vụ việc trên khiến dư luận xôn xao, ngay lập tức Cục Di sản Văn hóa (Bộ VH-TT&DL) đã có công văn đề nghị Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội làm việc với UBND huyện Ba Vì, chỉ đạo cơ quan chức năng hướng dẫn về việc tháo dỡ đèn (trên hai trụ cổng) và nghiên cứu sử dụng cổng đình bảo đảm phù hợp và hài hòa với tính chất, giá trị của di tích. Động thái quyết liệt này của cơ quan quản lý nhà nước về di sản văn hóa được nhiều người ủng hộ và đánh giá cao, vì khi bị “tuýt còi” thì cổng đình Tây Đằng sẽ được trả lại hồn cốt vốn có.

Thực tế, việc trùng tu sai nguyên bản, sơn sửa làm mới, thay đổi hoàn toàn kết cấu di tích vẫn thường xuyên xảy ra ở nước ta. Có thể kể đến đình Lương Xá (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) - công trình được xây dựng từ thế kỷ 17, với những mảng chạm tuyệt đẹp đỉnh cao về nghệ thuật kiến trúc thời bấy giờ, khi tu bổ đã bị phá đi và thay vào đó là một công trình kiến trúc bê tông. Tốn nhiều giấy mực báo giới và làm dư luận dậy sóng vào năm 2020 là Cầu Ngói chợ Thượng (Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 2012, tỉnh Nam Định), 1 trong 3 cầu ngói có tuổi đời hàng trăm năm. Di tích này được nhóm thợ xây địa phương trát lại vuông phẳng, sơn mới màu giả đá lên toàn bộ phần cổng, làm biến mất toàn bộ phần hoa văn độc đáo, nét rêu phong, cổ kính của cây cầu hàng trăm tuổi. Có người ví phần cổng Cầu Ngói chợ Thượng khi xây mới giống với lăng mộ ở một số nơi. Ngoài ra, những vụ “khoác áo mới” cho di tích từng khiến nhiều người ngao ngán, bức xúc là bia Sùng Thiện Diên Linh (chùa Long Đọi Sơn, Hà Nam), thành nhà Mạc (Tuyên Quang), đình Lương Xá, chùa Bối Khê (Hà Nội), đình Văn Xá (Hà Nam), đình Ngọ Xá (Bắc Giang)...

Kiến trúc sư Lê Thành Vinh, nguyên Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích cho biết, khi tu bổ di tích cần tuân thủ theo các quy định trong Luật Di sản văn hóa, Luật Xây dựng và các văn bản quy định khác. Đồng thời bảo đảm các nguyên tắc: bảo tồn tối đa yếu tố gốc cấu thành di tích, hạn chế can thiệp làm giảm hoặc thay đổi đặc điểm, giá trị di tích, đồng thời ưu tiên bảo quản, gia cố, sau đó mới đến tu bổ, tôn tạo. Với rất nhiều di tích nằm rải rác ở các địa phương và chịu sự quản lý của địa phương, những sự việc trùng tu theo kiểu phá di tích phản ảnh công tác quản lý ở những đơn vị này. Việc các cá nhân, tập thể có trách nhiệm tùy tiện xem nhẹ, bỏ qua các quy định của pháp luật cũng như sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn.

Nhiều ý kiến cho rằng, đối với những công trình trùng tu có sai phạm, cần làm rõ trách nhiệm và kiên quyết xử lý sai phạm theo quy định của pháp luật. Có như vậy mới từng bước đưa công tác quản lý di tích đi vào nền nếp, để các di tích trường tồn cùng thời gian.

Sơn Tùng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tay-hoa-nhung-ngoi-dinh-viet-co-n188196.html