Tây Giang: Không còn nỗi lo 'giặc đói' mùa mưa bão

Cứ vào mùa mưa bão, hiện tượng sạt lở liên tục xảy ra, cắt đứt tuyến giao thông từ đồng bằng lên các vùng miền núi Quảng Nam, gây ra tình trạng thiếu lương thực cục bộ. Cái khó ló cái khôn, đồng bào Cà Tu ở đây đã 'sáng chế' ra một mô hình dự trữ lương thực độc đáo có thể khắc phục tình trạng này.

Nộp thóc để nhập vào "kho thóc tình thương". Ảnh: Đặng Tuyết

Nộp thóc để nhập vào "kho thóc tình thương". Ảnh: Đặng Tuyết

"Vũ khí" hiệu quả

Mỗi năm hai lần, bà B'linh Phin, hội viên Chi hội Phụ nữ thôn Bha'Lưa, xã Lăng, huyện Tây Giang lại làm công việc mà bà luôn tự hào là đong thóc vào gùi để mang đi góp vào kho thóc tình thương chung của thôn. Bà Phin cho biết, nhà bà chỉ có hai sào ruộng, mỗi năm thu hoạch được 10 bao lúa, nhưng năm nào cũng góp cho thôn 1-2 ang thóc (khoảng 25 lon sữa bò - PV).

Không riêng gì bà B'linh Phin mà nhiều năm nay, các hộ dân ở 7 thôn thuộc xã Lăng, cứ sau mỗi vụ thu hoạch đều tự nguyện góp thóc vào "kho thóc tình thương" của thôn mình. Có lúc, thóc trong mỗi kho được chất đầy lên tới gần nóc với số lượng lên đến 5-6 tấn, kịp thời giúp đỡ cho nhiều gia đình trong thôn gặp khó khăn trong mùa giáp hạt, nhất là khi thiên tai, bão lũ xảy ra. "Việc đóng góp tùy vào khả năng, điều kiện cũng như lòng hảo tâm của mỗi gia đình. Khi tham gia duy trì kho thóc, mọi người đều cảm thấy thoải mái, nhà nào thu hoạch nhiều thì góp nhiều, nhà nào ít thì góp ít. Thường, không ai bảo ai, mỗi hộ góp từ một đến hai chục ký, nhưng cũng có nhà, do nhiều ruộng, lại được mùa thì đóng góp cả tạ thóc vào kho thóc chung…" - anh Rơ J'Xiếc, Phó Bí thư chi bộ thôn Bha'Lưa cho hay.

Mô hình kho thóc tình thương đầu tiên ở Quảng Nam ra đời từ năm 2009, tác giả là bà Clâu Thị Giáp, khi đó là trưởng thôn J'Đa, xã Lăng. Gọi là "kho", nhưng thực ra chỉ là một ngôi nhà sàn nhỏ, với mặt sàn cao khoảng 2m, rộng 1,5m và dài 2m, nền cao cách mặt đất từ 1-1,5m, tường phên bằng tre đan kín, mái lợp bằng tôn, được dựng ở bìa rừng gần thôn. Sau mỗi vụ thu hoạch rẫy, các hộ gia đình trong thôn lại tự nguyện mang lúa khô đến "nhập kho".

Đến mùa bão, lũ, khi gạo cứu trợ của Nhà nước không đến kịp, số lúa dự trữ này lại được già làng và trưởng thôn đứng ra phân phát cho những gia đình nghèo, trong nhà không còn cái ăn. Học tập thôn J'Đa, thời gian sau đó, được sự khuyến khích của UBND xã Lăng, 6 thôn còn lại trong xã cũng tổ chức đóng góp tre nứa, gỗ lạt để dựng lên “kho thóc tình thương” của riêng thôn mình. Qua một thời gian duy trì hoạt động, những kho thóc này đã giúp nhiều gia đình vượt qua trong những lúc khó khăn, thiếu đói khi thiên tai, bão lũ xảy ra.

"Ở vùng núi Quảng Nam, trong đó có xã Lăng, hầu như năm nào cũng phải chịu ảnh hưởng thiên tai. Nhiều thời điểm, ở các vùng núi cao, có khi bị thiếu lương thực cả tuần, cả tháng do đường không đi lại được. Vì thế, việc duy trì các “kho thóc tình thương” có ý nghĩa rất lớn. Có thể nói, đến nay, mô hình đã thật sự mang lại hiệu quả thiết thực để giúp các hộ dân trên địa bàn trong những lúc không may, khốn khó…" - anh B'ríu Hùng, Chủ tịch UBND xã Lăng chia sẻ.

Việc nhỏ, ý nghĩa lớn

Nhận thấy tính hiệu quả của “kho thóc tình thương” ở xã Lăng, 9 xã còn lại thuộc huyện Tây Giang cũng đã triển khai và duy trì mô hình này. Lúc đầu, công tác tuyên truyền, vận động thành lập kho thóc gặp rất nhiều khó khăn, bởi nhiều ý kiến lo lắng liệu việc xuất kho hỗ trợ các gia đình cần giúp đỡ có dân chủ, công bằng không? Trước tình hình đó, các đồng chí lãnh đạo, đảng viên, cán bộ xã, hội viên Hội Phụ nữ, đoàn viên là những người đi tiên phong. Qua một thời gian, thông qua nhiều biện pháp tuyên truyền mà việc lấy phong trào Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả làm điểm nhấn, các phần việc triển khai xây dựng “kho thóc tình thương” đã đạt được nhiều kết quả. Các xã đã vận động được nhân dân ở 70 thôn xây dựng được 70 “kho thóc tình thương”.

Nói về những kho thóc đang phát huy hiệu quả trong cuộc sống cộng đồng, ông A'Vo Quốc Tổng, Chủ tịch UBND xã B'ha Lêe đánh giá, thực tế công tác ứng phó với thiên tai xảy ra tại địa phương hằng năm cho thấy, yếu tố chủ động, trong đó có việc chủ động về nguồn lương thực tại chỗ có vai trò rất quan trọng. Mô hình “kho thóc tình thương” không chỉ đáp ứng được việc hỗ trợ các hộ dân gặp khó khăn đột xuất trong cuộc sống, mà còn thiết thực dự trữ lương thực thiết yếu ở các cụm, tuyến dân cư để kịp thời phân bổ, ứng cứu ngay trong mưa.

Thấy rõ “kho thóc tình thương” là mô hình thiết thực, giải quyết được bài toán dự trữ phòng chống lụt bão trong điều kiện địa bàn các huyện miền núi trong tỉnh thường xuyên bị đứt giao thông với đồng bằng nhất là các xã dọc tuyến đường Hồ Chí Minh tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo nhân rộng ra các huyện miền núi như Phước Sơn, Nam Giang, Đông Giang, Nam Trà My. Những hạt gạo từ các kho thóc đầy tính nhân văn này đã giúp hàng ngàn hộ dân vùng cao vượt qua khó khăn trong cuộc sống khi thiên tai xảy ra.

"Thực tế cho thấy, sau mỗi trận lũ lụt, các đoàn cứu trợ, khắc phục hậu quả thiên tai của huyện phải mất mấy ngày đi bộ mới có thể đến các địa bàn dân cư vùng sâu, vùng xa. Vậy nên hoạt động cứu trợ khó có thể triển khai ngay để vận chuyển lương thực từ đồng bằng hay trung tâm huyện đến với đồng bào. Chính vì vậy, việc duy trì mô hình kho thóc tình thương là rất cần thiết. Số gạo được hỗ trợ, giúp đỡ các hộ gặp khó khăn trong thiên tai, lũ bão là việc không lớn, nhưng có ý nghĩa không hẳn chỉ về vật chất mà quan trọng hơn, đã thể hiện được tình thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau trong thôn, bản…" - Chủ tịch A'Vo Quốc Tổng phân tích.

Đặng Tuyết

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/tay-giang-khong-con-noi-lo-giac-doi-mua-mua-bao/