Tây Du Ký: Bi hài chuyện 'nhà cửa' của Tôn Ngộ Không

Sẽ không một ai có thể ngờ rằng, Thủy Liêm Động trong Tây Du Ký lại là nơi chứng kiến nhiều kỉ niệm nhất với đoàn làm phim Tây Du Ký.

Động Ba Nguyệt đẹp mà nguy hiểm

Cảnh sắc trong động Ba Nguyệt được cố đạo diễn Dương Khiết đánh giá là tuyệt sắc động. Một kỳ tạo của thiên nhiên khiến bất kì ai khi đã chiêm ngưỡng thì không thể không thốt câu tuyệt mĩ.

Sau khi được các nhân viên mỹ thuật trong đoàn thiết kế và "phù phép" thì động Ba Nguyệt lập tức đã biến thành một động Thủy Liêm thực sự.

Để có được thành công ấy, nhân viên mỹ thuật đã dành toàn bộ sức lực và tâm huyết để bày biện, trang trí làm cho động trở nên nguy nga và lộng lẫy hơn bao giờ hết.

Hồ nước nhỏ trong động cũng được trang trí bằng vài bông súng và điểm tô bằng những tảng đá nhỏ làm nơi nhảy nhót cho lũ khỉ con nô đùa.

Cảnh quay trong động Ba Nguyệt cho cảnh Thủy Liêm Động.

Thế nhưng duy chỉ có điều là không khí trong động khá loãng vì động tương đối sâu, nhân viên trong đoàn tụ tập trong động lại không phải ít, thêm vào đó lại còn dùng hiệu ứng mây khói và cả nước đá khô tạo sương nên đã khiến toàn bộ anh em trong đoàn cảm thấy ngột ngạt thậm chí khó thở.

Mỗi khi quay phim khoảng 1 tiếng, đoàn phim lại phải dừng lại để nghỉ, đặc biệt là nữ đạo diễn Dương Khiết, bởi bà có tiền sự là căn bệnh phổi và từng qua phẫu thuật nên việc hô hấp càng trở nên khó khăn.

Thế nhưng vất vả nhất vẫn là các diễn viên, những người phải đeo mặt nạ mới thực sự là những người cực khổ nhất.

Lục Tiểu Linh Đồng phải chịu nhiều gian khổ với lớp hóa trang cho nhân vật Tôn Ngộ Không.

Lục Tiểu Linh Đồng phải chịu nhiều gian khổ với lớp hóa trang cho nhân vật Tôn Ngộ Không

Bởi nhân vật Tôn Ngộ Không của Lục Tiểu Linh Đồng được hóa trang tỉ mỉ và nhiều chi tiết nhất, không thể muốn tháo muốn cởi là được.

Mặc dù ngột ngạt thế nhưng chỉ khi quay xong cảnh trong động thì Lục Tiểu Linh Đồng mới dám gỡ bỏ mặt nạ ra, đành ngậm ngùi chịu đựng.

Ngoài Tôn Ngộ Không, trong đoàn có Ngưu Ma Vương Lý Ba cũng phải chịu thua.

Nhân vật Ngưu Ma Vương ban đầu do nghệ sĩ Diêm Hoài Lễ thể hiện

Chuyện là đến động Ba Nguyệt, Lý Ba lập tức được hóa trang, nhưng vừa đeo mặt nạ lên thì anh này đã cảm thấy khó thở, nhưng vẫn còn khá quyết tâm nên cho rằng một lúc sau sẽ quen.

Được một lúc thì Lý Ba thều thào: "Không được! Đạo diễn, tôi thở không nổi!". Nghệ sĩ hóa trang vội gỡ mặt nạ xuống và cho anh này uống một ngụm nước, dùng quạt phe phẩy cho có chút không khí.

Sau này vai diễn đã được giao cho Diêm Hoài Lễ thay thế (ông cũng chính là người thể hiện vai nhân vật Sa Tăng), may là cảnh quay Ngưu Ma Vương trong Thủy Liêm động cũng chỉ có duy nhất một phân cảnh.

Về sau vai diễn này được giao cho nghệ sĩ Vương Phu Đường đến từ Kịch viện Nghệ thuật Thanh niên Trung Quốc đảm nhiệm.

Thế mới thấy lòng yêu nghề và sự nhiệt huyết của lớp diễn viên Tây Du Ký năm xưa mãnh liệt thế nào.

Nhận lời mời của cục Du lịch Quý Châu (Trung Quốc), Lục Tiểu Linh Đồng trở lại thác Hoàng Quả Thụ hùng tráng - nơi đã thực hiện những cảnh bên ngoài Thủy Liêm Động

Lãnh đạo cục Văn hóa tỉnh trở mặt với đoàn làm phim

Một ngày nọ, Cục trưởng văn hóa Lãnh Thủy Giang đi cùng một vài nhân viên đến báo một thông tin như dội gáo nước lạnh lên cả đoàn rằng động Ba Nguyệt chuẩn bị cán bộ khai khoáng khai quật để lấy khoáng sản.

Đạo diễn Dương Khiết ngạc nhiên hỏi ngược lại: "Động thạch nhũ đẹp như vậy là báu vật của nơi đây sao không sớm khai thác cho du lịch, lãnh đạo các anh sao nỡ nào lại phá đi?".

Vị Cục trưởng này liền than thở: "Khai thác mỏ thì còn có tiền, vụ kiện này chúng tôi cũng kiện không nổi".

Nữ đạo diễn còn thắc mắc: "Tỉnh ủy đã giới thiệu và cho phép chúng tôi tới đây để quay phim sao còn cho phép người ta đến khai thác nữa?".

Ông cục trưởng giải thích: "Vậy thì sau khi đoàn quay xong họ sẽ tiến hành khai thác. Tôi cầu xin mọi người trong đoàn hãy cứu lấy động này!".

Đạo diễn Dương Khiết đầy phẫn nộ, bà quyết tâm đưa vấn đề này ra ánh sáng để cứu được động Ba Nguyệt.

Ông cục trưởng văn hóa mừng rỡ cảm kích và hứa sẽ dọn dẹp đường dẫn vào động phục vụ cho đoàn phim.

Trở lại Bắc Kinh, Dương Khiết đã đem sự việc này báo cáo lên lãnh đạo tỉnh ủy.

Năm 1983, đoàn phim đến động Ba Nguyệt tiến hành quay tập Ba lần đánh Bạch Cốt Tinh. Lần này thì đường dẫn vào động đã được dọn dẹp sạch sẽ và dễ đi hẳn.

Dương Khiết quay sang hỏi ông cục trưởng về tình hình của động giải quyết đến đâu, ông này nhăn mày cau trán vẻ đầy lo lắng: "Vẫn chưa rõ sự thể ra sao. Hiện tại vẫn chưa thấy có động tĩnh gì".

Dương Khiết an ủi ông này yên tâm vì bà sẽ tiếp tục đề xuất lên cấp trên, và bởi một động đẹp như thế này xứng đáng là một bảo vật nỡ nào lại bị phá hủy.

Và lời đề nghị của đạo diễn Dương Khiết được chấp thuận. Cán bộ đã ra quyết định giữ nguyên động không được phép phá hủy.

Vui mừng khôn xiết trở lại động Ba Nguyệt để quay cho phong cảnh bên trong Thủy Liêm Động, đoàn phim khá bất ngờ và bẽ bàng khi bị lãnh đạo quản lý địa phương trở mặt.

Thái độ của ông cục trưởng giờ cũng thay đổi khác trước, từ chỗ nhiệt tình tiếp đón đoàn phim đã quay ngoắt tình hình khi người trong đoàn phải tới thăm hỏi ông này.

Ngoài ra, ông này còn ra quy định, quay phim trong động sẽ phải thu phí.

Sau khi biết sự việc trên, Dương Khiết cảm thấy khá bất ngờ và cho rằng ông lãnh đạo "qua cầu rút ván" quên người giúp ông giải quyết việc bảo vệ động Ba Nguyệt.

Trước đó không hề có chuyện thương mại hóa trong động mà giờ lại quay sang tính chuyện thu phí với đoàn phim của bà. Nghĩ vậy nhưng Dương Khiết vẫn bỏ tiền ra như yêu cầu của vị cục trưởng kia.

Về sau, khi đoàn phim quay xong và chuẩn bị rời đi thì không hiểu lý do gì ông cục trưởng nọ lại cho người mang tiền đến trả cho đoàn.

Dương Khiết cương quyết không nhận lại vì cho rằng tiền thuê đã trả rồi thì không đời nào nhận lại, đây cũng coi như là hành động mà Dương Khiết muốn cho vị này cảm thấy áy náy day dứt.

(Còn nữa)

Minh Anh

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/tay-du-ky-bi-hai-chuyen-nha-cua-cua-ton-ngo-khong-a418952.html