'Tay đấm thép' Tyson và cuộc gặp định mệnh với minh sư

Ở tuổi 20, 'Tay đấm thép' Mike Tyson là nhà vô địch trẻ nhất trong lịch sử quyền anh. Quyết tâm trở thành võ sĩ vĩ đại được hun đúc từ khi Tyson là một cậu bé.

Giống như nhiều đứa trẻ da đen khác, Tyson lớn lên trong những điều tồi tệ của xã hội. Gia đình không hạnh phúc, môi trường đầy rẫy bạo lực và tội phạm khiến “Tay đấm thép” dần bị ảnh hưởng.

Tyson kết thúc con đường học vấn từ năm 7 tuổi và bước vào thế giới tội phạm. Huyền thoại người Mỹ bắt đầu trộm cắp, và sớm bị gửi đến các trường phục hồi nhân phẩm dành cho thiếu niên. Tại đây, cuộc đời ông sang trang khi gặp những minh sư soi đường dẫn lối.

Người thầy Cus D’Amato

Trong trại cải tạo, Tyson phải lao động, gặp bác sĩ tâm lý và xem những bộ phim họ chiếu. Thế là “Tay đấm thép” biết đến huyền thoại Muhammad Ali qua bộ phim “The Greatest”. Bộ phim tuyệt vời và sự xuất hiện của Ali tạo ra một nguồn cảm hứng cực lớn đối với Tyson. Ông muốn trở thành một Ali, trở thành người giỏi nhất.

 Cus D'Amato (trái), minh sư chỉ đường cho Mike Tyson từ khi còn nhỏ. Ảnh: World Boxing News.

Cus D'Amato (trái), minh sư chỉ đường cho Mike Tyson từ khi còn nhỏ. Ảnh: World Boxing News.

Tyson tình cờ gặp Bobby Stewart, một người tư vấn trong trại và từng là vận động viên quyền anh. Sau khi ấn tượng về bộ phim của Ali, huyền thoại người Mỹ xin gặp Bobby vì muốn trở thành võ sĩ. Năm 1980, thông qua Bobby, Tyson diện kiến HLV Cus D’Amato.

Xem Tyson thi đấu thử 6 phút, Cus nhận xét: “Con đánh rất tốt. Con sẽ là một võ sĩ vĩ đại. Nếu con nghe lời ta, ta có thể giúp con trở thành nhà vô địch hạng nặng trẻ nhất mọi thời đại.”

Những bài học quyền anh bài bản không chỉ có tập luyện khắt khe mà còn là những bài học lớn về rèn luyện bản lĩnh và nhân cách. Cus dạy Tyson về nỗi sợ hãi và cách vượt qua bản thân. Không chỉ vậy, “Tay đấm thép” còn học được chiến thuật tâm lý và giúp mình tự hin hơn.

Một trong những triết lý HLV Cus từng nói: “Phải tin tưởng vào điều mình muốn. Nếu muốn trở thành nhà vô địch hạng nặng, phải bắt đầu sống như một nhà vô địch. Nỗi sợ như một ngọn lửa. Nếu biết điều khiển, nó sẽ trở thành vũ khí của con. Nếu không biết, nó sẽ thiêu rụi con và mọi thứ xung quanh”.

Từ đó, “Tay đấm thép” tập luyện không ngừng, suy nghĩ như một đấu sĩ La Mã, luôn trong tâm thế chiến đấu, nhưng bề ngoài vẫn bình tĩnh và thả lỏng. Tyson tự nói với bản thân: “Mình là nhà vô địch thế giới, không ai có thể đánh được mình”. Điều này giúp anh hình thành sự tự tin. Tự tin là tất cả. Để có sự tự tin ấy, Tyson phải thử thách chính mình, đưa bản thân đến giới hạn, chứ không phải tự nhiên mà có.

Sau thời gian hoàn thành cải tạo, Cus sợ cậu học trò phải về lại khu ổ chuột ở Brownsville và tiếp tục con đường cũ. Ông quyết định nhận nuôi Tyson và đưa anh đến sống cùng vợ chồng ông. Cus không chỉ là một người thầy mà còn là một người cha tinh thần của “Tay đấm thép”, người giúp anh hình thành nhân cách và phẩm chất của một võ sĩ quyền anh những năm đầu đời.

Muhammad Ali (trái), người hun đúc quyết tâm trở thành nhà vô địch của Mike Tyson. Ảnh: Pinterest.

Đến lúc qua đời vì bệnh viêm phổi, những lời cuối cùng của Cus vẫn luôn thôi thúc Tyson. “Nếu con không thượng đài, con sẽ thấy người chết trở về từ nấm mồ. Ta sẽ theo ám con suốt đời, Tyson à. Cả thế giới sẽ phải nhìn thấy con, Tyson. Con phải là nhà vô địch vĩ đại nhất của làng quyền anh”.

Cảm hứng từ Benitez, quyết tâm từ Ali và thần tượng Duran

Những bài học của người thầy Cus D’Amato tiếp tục soi sáng con đường của Tyson và giúp anh ôm ấp những điều vĩ đại. “Tay đấm thép” lần lượt gặp mặt các võ sĩ nổi tiếng lúc bấy giờ là Wilfred Benitez, Roberto Duran và Muhammad Ali. Những lần gặp ấy càng hun đúc quyết tâm trở thành nhà vô địch của Mike.

Wilfred Benitez, một nhà vô địch hạng nhẹ và hạng trung thời ấy, khiến quyết tâm của Tyson trở nên rõ ràng hơn. Huyền thoại người Mỹ có cơ hội xem Benitez thi đấu ở ngoài đời và cảm thấy mình trở nên nhỏ bé. Tyson mô tả Benitez như có một ra đa khi thi đấu, cựu võ sĩ 61 tuổi có thế đấm trúng đối thủ dù đang nhắm mắt.

Lúc bấy giờ, Benitez tập luyện ở phòng tập của HLV Cus nên việc gặp gỡ với Tyson càng dễ dàng hơn. Khi đến phòng tập, Benitez đem theo đai vô địch và đó là lần đầu tiên “Tay đấm thép” nhìn thấy một chiếc đai.

Khi đó, Tyson tự nói: “Rồi tôi sẽ giành cho được một chiếc đai như thế. Khi tôi có được, tôi sẽ không bao giờ tháo nó ra, tôi sẽ mang nó kể cả khi đi ngủ”. Sự hiện diện của Benitez khiến Tyson cảm thấy phấn khích, nhà cựu vô địch như một nguồn cảm hứng giúp “Tay đấm thép” phấn đấu.

Sau Benitez, Tyson được gặp Muhammad Ali nhờ vào thầy Cus. Tháng 10/1980, Tyson cùng thầy của mình đến Albany, New York để theo dõi trận đánh giành đai vô địch giữa Ali và Larry Holmes. Ali để thua trong trận đấu đó khiến Cus rất tức giận.

Sau trận đấu, thầy Cus gọi điện thoại cho Ali để trách mắng và để Tyson được nói chuyện với ông. “Tay đấm thép” bấy giờ chỉ biết an ủi người anh quý trọng, nhưng quyết tâm của Tyson dường như lớn hơn sau câu nói của Ali.

“Ta đã bệnh, con ạ. Bệnh nên ta phải uống thuốc và viên thuốc đã làm cho ta suy yếu. Vậy thì Holmes mới hạ ta được chứ. Nhưng ta sẽ khỏe lại, ta sẽ thách đấu và đánh bại Holmes cho con xem”, Ali nói với Tyson.

Roberto Duran (trái), thần tượng của Mike Tyson. Ảnh: Saddo Boxing.

Sự quyết tâm của Tyson được chứng minh qua lời hứa đánh bại Larry Holmes để báo thù cho Ali. Câu nói có chút ngây ngô của cậu bé 14 tuổi lúc ấy như một lời khẳng định cho tương lai của Tyson, một nhà vô địch hạng nặng thế giới.

Những điều Tyson nói với Ali cứ ngỡ như nói với thần tượng, nhưng “Tay đấm thép” thừa nhận Ali là một sự ngưỡng mộ còn Roberto Duran mới là thần tượng của anh. Tyson ví Duran như là chính mình, ngang tàng và không sợ ai cả. Họ không thấy xấu hổ với những gì mình làm lẫn xuất thân của mình.

Tyson lúc ở đỉnh cao sự nghiệp là một phiên bản hoàn hảo của Roberto Duran, nhà vô địch thế giới ở 4 hạng cân. Duran là võ sĩ lớn lên từ đường phố, ông cứ như một con hổ khi thượng đài, gầm gừ khiến đối thủ khiếp sợ. Khi sự nghiệp của Tyson thăng hoa, mọi người cũng bắt đầu gọi anh như vậy, tên hoang dại và dã man. “Tay đấm thép” xem đấy là một lời khen.

Sự xuất hiện của người thầy Cus D’Amato, Benitez, Ali và Duran như là định mệnh thay đổi cuộc đời của Tyson. Cứ như thế, Tyson trở thành một võ sĩ quyền anh vĩ đại, và được bầu chọn vào “Ngôi đền huyền thoại” của làng quyền anh.

Tuệ An

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/tay-dam-thep-tyson-va-cuoc-gap-dinh-menh-voi-minh-su-post1063013.html