Tẩy chay tiêm chủng – Hậu quả khôn lường

Nếu 'anti' hay tẩy chay tiêm vaccine cho con trẻ, sẽ làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh và hậu quả sẽ rất khó lường, trong đó những đối tượng dễ mắc bệnh nhất lại là trẻ em do sức đề kháng kém.

Cha mẹ hãy cho trẻ đi tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch. Ảnh: VGP/Thúy Hà

Từ “anti” vaccine…

Tính đến trung tuần tháng 7/2018, riêng Hà Nội ghi nhận hơn 240 ca mắc sởi. Theo Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, đối tượng mắc sởi chủ yếu là nhóm trẻ dưới 5 tuổi, trong đó nhóm dưới 1 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất, đa phần trẻ mắc sởi không được tiêm hoặc chưa được tiêm đầy đủ vaccine phòng bệnh sởi.

Cách đây không lâu, một số trang mạng xã hội “kêu gọi” tẩy chay tiêm phòng cho trẻ nhỏ sau một vài ca tai biến sau tiêm chủng. Theo các chuyên gia y tế, chính sự lo ngại dẫn tới sự e dè của các bậc phụ huynh trong việc tiêm phòng cho trẻ đang là một nguy cơ có thể dẫn đến bùng phát dịch bệnh bất kỳ lúc nào. Khi đó, hậu quả để lại sẽ rất lớn, hàng loạt trẻ nhỏ phải nhập viện do những căn bệnh hoàn toàn có thể phòng được bằng cách tiêm vaccine. Điển hình là các ca bệnh viêm não Nhật Bản, hầu hết trẻ mắc bệnh này đều không được tiêm phòng hoặc tiêm không đủ mũi.

Mới đây nhất, khi có thông tin vaccine phòng dại của Trung Quốc không đạt chất lượng, một số phụ huynh tiếp tục lo ngại với việc tiêm vaccine phòng bệnh, mặc dù Bộ Y tế đã có công văn khẩn khẳng định, loại vaccine vi phạm do Trung Quốc sản xuất không có tại Việt Nam.

Cũng do không được tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch, năm 2014, cả nước ghi nhận hàng chục nghìn trẻ bị mắc sởi, gần 150 trẻ tử vong, năm 2016 dịch ho gà cũng trở lại tại Hà Nội, hầu hết là trẻ không được tiêm phòng vaccine hoặc chưa đến tuổi tiêm vaccine.

TS. BS Phạm Quang Thái, Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, việc “anti” vaccine hay tẩy chay tiêm vaccine không chỉ xảy ra với một vài quốc gia mà là tình trạng chung toàn cầu khi một số bệnh đã được đẩy lùi và người dân chỉ quan tâm đến vấn đề an toàn trong tiêm chủng và rõ ràng khi dịch bệnh xảy ra, những cộng đồng này là đối tượng gánh chịu hậu quả đầu tiên.

Đừng bỏ lỡ cơ hội tiêm chủng cho trẻ. Ảnh: VGP/Thúy Hà

Theo TS. BS Phạm Quang Thái, việc bỏ lỡ cơ hội tiêm chủng ở trẻ hiện nay cũng xảy ra ở hầu hết các địa phương, từ đồng bào miền núi tới các đô thị lớn. Bỏ lỡ cơ hội tiêm chủng được hiểu là bất cứ trường hợp nào đủ tiêu chuẩn để tiêm chủng (chưa được tiêm/tiêm chưa đủ mũi và không có chống chỉ định) đã tới cơ sở y tế mà lại không được tiêm.

TS.BS Phạm Quang Thái cho biết, việc đánh giá sai trong khâu sàng lọc đối tượng tiêm chủng dẫn đến việc hoãn tiêm không hợp lý. Bên cạnh đó, nhận thức về chống chỉ định tiêm vaccine của cả bố mẹ trẻ cũng như cán bộ y tế cũng tác động đến vấn đề này.

Nhiều người chưa hiểu đúng về chống chỉ định của vaccine, như vaccine BCG cần chống chỉ định đối với người suy giảm miễn dịch hoặc mắc hội chứng AIDS, trong khi không hề có chống chỉ định với người mang HIV. Việc đưa ra những chống chỉ định như vậy làm trẻ mất đi cơ hội phòng một trong những bệnh nguy hiểm trong giai đoạn đầu đời.

Thiếu vaccine cũng là vấn đề muôn thuở của hệ thống là điều được TS. Phạm Quang Thái nhấn mạnh, trong đó việc không sẵn sàng trong khâu cung ứng cũng như dự phòng trước các tình huống có thể xảy ra dẫn tới việc thiếu vaccine cục bộ làm gián đoạn công tác tiêm chủng. Sự bố trí cứng nhắc trong công tác khám chữa bệnh và dự phòng cũng là nguyên nhân ngăn cản tiếp cận với vaccine.

Có một số bệnh nhân đến các cơ sở y tế khám bệnh được phát hiện cần tiêm vaccine như khi bị thương hay bị chó cắn. Họ được chỉ định tiêm nhưng phải đến cơ sở dự phòng để tiêm phòng dại hoặc tiêm phòng uốn ván và một số người đã không chọn giải pháp tiêm chủng.

Hiện nay, một số cơ sở chữa bệnh cũng đã có phòng tiêm chủng là bước đầu cho việc thay đổi này từ đó khi bệnh nhân đến khám bệnh, họ có thể được chỉ định tiêm vaccine kịp thời nếu được phát hiện là cần phải tiêm. Việc tiêm tại bệnh viện góp phần hỗ trợ công tác dự phòng tại cộng đồng.

Riêng tại Hà Nội, ngành y tế cũng đã cải tiến lịch tiêm, từ tiêm hàng tháng sang tiêm hàng tuần, đã làm tăng khả năng tiếp cận với vaccine của người dân. Đây là một biện pháp hữu hiệu để nâng cao tỷ lệ trẻ được tiêm phòng.

Đồng thời, để nâng cao nhận thức của người dân về việc tiêm vaccine phòng bệnh cho trẻ, ngành y tế cũng cần phải truyền thông mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa dưới nhiều hình thức để người dân biết, hiểu và sẵn sàng đưa con đi tiêm vaccine đầy đủ và đúng lịch, mà không phải đổ dồn đi tiêm khi dịch xảy ra.

Thúy Hà

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/suc-khoe/tay-chay-tiem-chung-hau-qua-khon-luong/343343.vgp