Tay chân miệng, sởi vào mùa: Nhiều ca được hội chẩn trực tuyến, cứu sống bệnh nhân

PGS.TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, dịch bệnh năm nay tương đối ổn định, so với cùng kỳ năm ngoái.

Trẻ đang điều trị bệnh tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM

Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị tăng cường công tác phòng chống bệnh tay chân miệng và sởi khu vực phía Nam Bộ Y tế tổ chức chiều 10/10.

Theo báo Sức khỏe Đời sống, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho hay, sốt xuất huyết thấp hơn khoảng 55% so với cùng kỳ năm ngoái, số ca mắc tay chân miệng cũng thấp 20% cùng kỳ năm 2017; riêng sởi có vắc xin phòng ngừa, so với giai đoạn 2010 - 2014, cũng thấp hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, trước diễn biến của dịch bệnh, đặc biệt là khu vực phía Nam, Cục Y tế dự phòng đã chủ động đi trước không để dịch bệnh không bùng phát. Đối với bệnh sởi, việc tiêm vét, nhất là các tỉnh có nguy cơ cao cần tiến hành tiêm vét trong tháng 12 và tháng 1/2019.

Nguy cơ lây lan dịch bệnh từ dân nhập cư

Theo VOV news, PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM cho biết, tỷ lệ lây truyền bệnh sởi rất cao, nếu trong cộng đồng chưa được tiêm chủng thì tỷ lệ lây lên đến 90%.

Qua điều tra dịch tễ của Viện Pasteur TPHCM, dịch bệnh năm nay có chiều hướng phát sinh ở các khu vực các khu công nghiệp, nơi có số lượng công nhân lao động, người nhập cư, đối tượng vãng lai di biến động liên tục. Bên cạnh đó, điều kiện nhà ở, vệ sinh môi trường, nước thải, nước sạch vô cùng kém là điều kiện lý tưởng phát sinh dịch bệnh. Đặc biệt, có đến 90% đối tượng là người nhập cư, công nhân chưa được tiêm chủng đầy đủ hoặc không rõ lịch sử tiêm chủng.

Do đó, Viện trưởng Viện Pasteur khuyến cáo, các địa phương cần vận động sự tham gia vào cuộc của hệ thống chính quyền địa phương, các đoàn thể, doanh nghiệp, cộng đồng tham gia vào việc phòng chống dịch bệnh.

Tại bệnh viện Nhi đồng 1 nhiều trẻ bị tay chân miệng phải nằm ghép do quá tải

Hội chẩn trực tuyến cứu nhiều trẻ mắc tay chân miệng

Hiện nay, trong giai đoạn bệnh tay chân miệng diễn biến phức tạp và có nguy cơ gia tăng tại nhiều tỉnh thành trong cả nước, đã có nhiều ca hội chẩn trực tuyến được tổ chức, cứu nhiều trẻ em mắc tay chân miệng biến chứng nặng.

Theo PGS. TS. Phạm Văn Quang (BV Nhi Đồng 1), một ca hội chẩn qua smartphone với BV Bạc Liêu, các bác sĩ chuyên khoa Nhiễm BV Nhi đồng 1 nhận định em bé bị tay chân miệng độ 3. Tuy nhiên các bác sĩ tuyến trên vẫn khuyến nghị tuyến dưới tiếp tục điều trị cho bệnh nhi với sự hỗ trợ từ BV Nhi đồng 1. Bệnh nhi này đã được cứu sống.

Một ca tay chân miệng nặng ở BV Nhi đồng Cần Thơ sau khi hội chẩn trực tuyến, các bác sĩ BV Nhi Đồng 1 nhận thấy bệnh nhi đang tiến triển nặng với nhịp tim đập nhanh nên đã yêu cầu BV Nhi đồng Cần Thơ chuyển gấp bệnh nhi lên BV Nhi Đồng 1. Bệnh nhi bị tay chân miệng nặng ở Cần Thơ hiện đang điều trị ổn định tại BV Nhi đồng 1.

Một trường hợp tay chân miệng độ 4 ở BV Tiền Giang cũng được chuyển lên BV Nhi đồng 1 sau hội chẩn trực tuyến với tuyến trên. Bé hiện đã cai máy thở.

“BV Nhi đồng 1 đã triển khai đào tạo liên tục qua trực tuyến về sốt xuất huyết, tay chân miệng, duy trì thực hiện 2 tuần/lần. Tính từ năm 2017 đến nay, BV Nhi đồng 1 đã thực hiện 55 buổi với 3108 lượt nhân viên y tế tham dự,” TS. Quang cho biết.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh mùa đông-xuân, Bộ Y tế khuyến cáo mọi người dân cần quan tâm, chủ động thực hiện các biện pháp nâng cao sức khỏe, phòng chống dịch bệnh như sau:

- Tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch (đối với các bệnh có vắc xin phòng bệnh như: sởi, rubella, ho gà…).

- Giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh; ủ ấm cho trẻ em khi đi xe máy, khi ra ngoài trời; khi làm việc ngoài trời, ra ngoài trời vào ban đêm, sáng sớm phải mặc đủ ấm, lưu ý giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu.

- Tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm như cúm, bệnh đường hô hấp, tiêu chảy, sởi, rubella, thủy đậu… Hạn chế đến những chỗ đông người.

- Ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng. Ăn cân đối các nhóm dưỡng chất: Tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Uống nước ấm, tránh ăn, uống những thức ăn, nước uống lấy trực tiếp từ tủ lạnh.

- Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày.

- Đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh gia đình, giữ ấm nhà cửa.

- Khi có các dấu hiệu nghi bị bệnh truyền nhiễm cần thông báo ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn, khám và xử trí kịp thời.

Xem thêm bệnh viện nhi ở Sài Gòn vỡ trận vì dịch chồng dịch

Mai Anh (t/h) - Theo Đời sống Plus/GĐVN

Nguồn Đời Sống Plus: http://doisongplus.vn/tay-chan-mieng-soi-vao-mua-nhieu-ca-duoc-hoi-chan-truc-tuyen-cuu-song-benh-nhan-53269-9.html