Tây Ban Nha sẽ thúc đẩy vấn đề chủ quyền với vùng lãnh thổ Gibralta sau Brexit

Tây Ban Nha sẽ thúc đẩy giải quyết vấn đề chủ quyền đối với vùng lãnh thổ Gibraltar sau khi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit.

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez. Ảnh: AFP/TTXVN

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đưa ra tuyên bố trên ngày 25/11 sau khi 27 nước thành viên EU trong hội nghị thượng đỉnh diễn ra trước đó cùng ngày tại Brussels (Bỉ) đã thông qua các điều khoản của thỏa thuận Brexit với Anh.

Phát biểu tại cuộc họp báo, Thủ tướng Sanchez cho biết vị thế của Tây Ban Nha đối với Gibraltar, vùng lãnh thổ hải ngoại thuộc Anh từ năm 1713, đã vững chắc hơn sau khi 27 nước thành viên EU thông qua thỏa thuận Brexit, vì như vậy trên thực tế chính sách của Tây Ban Nha đã trở thành chính sách của EU. Ông Sanchez nói: "Chúng tôi sẽ giải quyết cuộc xung đột đã kéo dài hơn 300 năm qua", đồng thời cho biết thêm ông đã nói rõ điều này với Thủ tướng Anh Theresa May.

Khi được hỏi liệu ông có tìm cách thảo luận về chủ quyền chung đối với vùng lãnh thổ Gibralta sau khi Anh rời EU vào cuối tháng 3/2019 hay không, ông Sanchez nêu rõ: Chúng tôi sẽ thảo luận về mọi vấn đề".

Trước khi EU họp Hội nghị thượng đỉnh tại Brussels ngày 25/11, Thủ tướng Sanchez ngày 24/11 tuyên bố Tây Ban Nha đã đạt được một thỏa thuận với Anh về vùng lãnh thổ Gibraltar và Madrid sẽ bỏ phiếu ủng hộ thỏa thuận dự thảo Brexit và tuyên bố chính trị về mối quan hệ tương lai Anh-EU tại hội nghị thượng đỉnh của khối.

Gibraltar là vùng lãnh thổ hải ngoại thuộc Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, rộng khoảng 6,8 km2 và có khoảng 30.000 dân sinh sống, nằm gần cực Nam Bán đảo Iberia bên trên eo biển Gibraltar, giáp Tây Ban Nha ở phía Bắc. Madrid nhiều lần yêu cầu London trả lại vùng đất mà Tây Ban Nha đã từ bỏ năm 1713 theo Hiệp ước Utrecht.

Dự kiến, Gibraltar sẽ cùng với Anh rời khỏi EU, cho dù trong cuộc trưng cầu ý dân năm 2016 về Brexit, 96% dân số vùng lãnh thổ này đã bỏ phiếu ủng hộ ở lại EU.

Hiện trở ngại lớn nhất đối với thỏa thuận Brexit là sự phản đối mạnh mẽ của giới lập pháp Anh. Nếu Thủ tướng May không có được sự ủng hộ của đa số nghị sĩ trong Quốc hội, Anh có thể sẽ rời EU vào ngày 29/3 tới mà không đạt được một thỏa thuận nào về tương lai quan hệ song phương với EU hậu Brexit.

Minh Châu (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/tay-ban-nha-se-thuc-day-van-de-chu-quyen-voi-vung-lanh-tho-gibralta-sau-brexit-20181126144251923.htm