Tây Ban Nha lập chính phủ liên minh: Chấm dứt bế tắc chính trị

Bế tắc chính trị tại Tây Ban Nha đã được tháo gỡ khi ngày 8-1, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez vừa tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai trước Nhà vua Felipe VI, trở thành người đầu tiên đứng đầu một chính phủ liên minh tại nước này kể từ năm 1975.

Thủ tướng P.Sanchez sẽ tiếp tục nhiệm kỳ lãnh đạo thứ hai.

Ông P.Sanchez nhậm chức một ngày sau khi vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội và sẽ lãnh đạo chính phủ thiểu số trong một liên minh với đảng cực tả Podemos. Nhà lãnh đạo này lên nắm quyền hồi tháng 6-2018 sau khi người tiền nhiệm Mariano Rajoy thuộc đảng Nhân dân (PP) buộc phải từ chức vì không vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội. Tuy nhiên, đến tháng 4-2019, ông P.Sanchez cũng phải kêu gọi bầu cử sớm vì các đảng ủng hộ độc lập tại vùng Catalonia phản đối dự thảo ngân sách do Chính phủ của ông đề xuất. Kết quả, không có đảng nào giành thế đa số trong cuộc bầu cử này dẫn tới một cuộc bỏ phiếu lại vào tháng 11-2019.

Đảng Xã hội Công nhân (PSOE) của Thủ tướng P.Sanchez tiếp tục chiến thắng trong cuộc bầu cử lần hai với 120 ghế, nhưng ít hơn 3 ghế so với cuộc bỏ phiếu hồi tháng 4. Trong bối cảnh đó, ông P.Sanchez đã nhanh chóng ký thỏa thuận với đảng cánh tả cứng rắn Podemos (35 ghế) để thành lập một chính phủ liên minh đầu tiên tại Tây Ban Nha. Nhưng hai đảng gộp lại chỉ được 155 ghế tại Quốc hội, chưa đủ đa số quá bán khiến đương kim Thủ tướng phải tìm kiếm sự ủng hộ từ một số đảng nhỏ địa phương. Đến ngày 2-1 vừa qua, ERC, một đảng ủng hộ độc lập tại vùng Catalonia, đã "bật đèn xanh" cho ông P.Sanchez đảm nhận thêm một nhiệm kỳ Thủ tướng, chấm dứt bế tắc chính trị đã kéo dài nhiều tháng qua tại xứ sở Bò tót.

Kể từ năm 2015, Tây Ban Nha đã không thể thiết lập một chính phủ ổn định. Những chính đảng được thành lập sau khủng hoảng kinh tế đã tận dụng sự rạn nứt trong quan hệ giữa hai đảng lớn là PSOE và PP để vươn lên thành những thế lực mới tại Tây Ban Nha. Điển hình trong số này là đảng cực hữu Tiếng nói (Vox), chính đảng đã giành được số ghế tăng hơn gấp đôi, từ 24 lên 52 ghế trong cuộc bầu cử hồi tháng 11 năm 2019 so với cuộc bầu cử hồi tháng 4 cùng năm. Sự trỗi dậy của Vox với quan điểm cứng rắn về vấn đề người di cư và Hồi giáo giống như các đảng cực hữu khác trên khắp châu Âu phản ánh một thực tế rằng, những chính đảng này đang tận dụng những khó khăn trong giải quyết vấn đề người di cư để tìm kiếm sự ủng hộ của dân chúng.

Trong khi đó, thời gian gần đây, tăng trưởng của Tây Ban Nha đang có dấu hiệu chậm lại. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo nền kinh tế nước này sẽ tăng trưởng ở mức dưới 2% vào năm nay, thấp nhất kể từ năm 2014. Tỷ lệ thất nghiệp, sau nhiều nỗ lực của Chính phủ, đã sụt giảm mạnh song vẫn ở mức cao so với các quốc gia trong Liên minh châu Âu (EU) và chỉ đứng sau Hy Lạp. Tình hình Catalonia ít nhiều đã hạ nhiệt nhưng vẫn tiếp tục là vấn đề nhức nhối mà các Chính phủ Tây Ban Nha gần đây chưa thể giải quyết dứt điểm.

Trong bối cảnh này, các nhà phân tích nhận định, Chính phủ mới dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng P.Sanchez sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn trong nỗ lực chấm dứt sự bất ổn khiến nền kinh tế lớn thứ tư Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) chao đảo từ năm 2015. Liên minh mới cam kết nâng mức lương tối thiểu, tăng thuế đánh vào những người có thu nhập cao và các doanh nghiệp lớn, trong khi hủy bỏ các cải cách thị trường lao động gây tranh cãi năm 2012 vốn bị cho là đã ảnh hưởng đến các kế hoạch tạo công ăn việc làm.

Tuy nhiên, Chính phủ mới sẽ gặp không ít khó khăn trong thúc đẩy việc thông qua các văn bản luật, trong đó ưu tiên hàng đầu là ngân sách nhà nước đã bị trì hoãn quá lâu. Đây cũng sẽ là thách thức lớn trong nhiệm kỳ lãnh đạo thứ hai của Thủ tướng P.Sanchez.

Thùy Dương

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/the-gioi/955190/tay-ban-nha-lap-chinh-phu-lien-minh-cham-dut-be-tac-chinh-tri