Tay ba trong bộ tứ

Cuộc tập trận hải quân chung năm nay giữa Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia ở Ấn Độ Dương tuy ở trong chương trình hợp tác chính trị quân sự và an ninh giữa bốn nước này nhưng lại rất đặc biệt và nhạy cảm về thời điểm.

 Cuộc tập trận Malabar năm 2018. Ảnh: CNN

Cuộc tập trận Malabar năm 2018. Ảnh: CNN

Nước Mỹ vừa có cuộc bầu cử tổng thống và từ trưa ngày 20/1 năm tới sẽ có tổng thống mới. Thời chính quyền sắp mãn nhiệm ở Mỹ thực sự là một thời kỳ hoàng kim của cái gọi là Tứ giác kim cương, biệt danh được gắn cho bộ tứ này với hàm ý về mưu tính chiến lược của họ biến khuôn khổ quan hệ và cơ chế hợp tác bốn bên này thành trụ cột và hạt nhân cho khu vực lớn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Chính quyền cho thời kỳ tới ở Mỹ đang được người sắp lên cầm quyền, cựu phó tổng thống thuộc Đảng Dân chủ Joe Biden, thành lập và thiên hạ hiện chưa thể biết rồi đây ông Biden sẽ trở lại chiến lược "xoay trục" sang khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đã được khởi xướng và thực hiện khi còn đang tại vị cùng với tổng thống Mỹ Barack Obama hay tiếp tục theo đuổi chiến lược của chính quyền hiện tại ở Mỹ về khu vực lớn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, hay pha trộn giữa hai chính sách này. Vì thế, bộ ba Ấn Độ, Nhật Bản và Australia hiện tại không thể không chuẩn bị sẵn sàng cho mọi kịch bản quyền lực ở Mỹ và mọi điều chỉnh chiến lược của Mỹ đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Do đó, ba nước này đã tự co cụm lại với nhau để không bị hụt hẫng hay bị đảo ngược trong trường hợp phía Mỹ tới đây không còn mặn mà với việc kiến tạo khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương như trước và đồng thời giúp nhau tăng vị thế và vai trò nếu ông Biden trở lại với chiến lược khi xưa đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Cả ba nước này đều tìm kiếm động lực mới và bước khai thông đột phá mới cho sự hợp tác tay ba trong bộ tứ bằng việc thúc đẩy rất mạnh mẽ quan hệ hợp tác song phương về chính trị, quân sự, an ninh và quốc phòng.

Nguyên Sa

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/tay-ba-trong-bo-tu-402489.html