Taxi truyền thống và taxi công nghệ: 'Kì phùng địch thủ'?

Grab Taxi Việt Nam vừa đề xuất được mở rộng ứng dụng tại các tỉnh ngoài đề án thí điểm, tuy nhiên đề xuất này ngay lập tức đã bị bác bỏ. Điều này cho thấy, cuộc chiến của taxi truyền thống và taxi công nghệ đang diễn ra ngày càng khốc liệt.

Câu chuyện taxi truyền thống đối đầu với Grab đang là minh chứng rõ nét nhất cho làn sóng công nghiệp 4.0 khi ở đó doanh nghiệp chỉ có thể tồn tại nếu biết tự thay đổi mình.

Với sự phát triển thần tốc của công nghệ, đặc biệt là tầm phổ biến của smartphone cùng làn sóng 4.0 đang ở trước mắt. Câu chuyện thay đổi để tồn tại đang trở thành chân lý của mọi lĩnh vực, đặc biệt là trong kinh doanh.

Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải vừa yêu cầu Công ty TNHH Grab Taxi Việt Nam không được mở rộng ứng dụng tại các tỉnh ngoài đề án thí điểm theo Quyết định 24 tại 5 tỉnh thành là Hà Nội, TP. HCM, Khánh Hòa, Đà Nẵng và Quảng Ninh.

Bộ GTVT khẳng định luôn ủng hộ việc ứng dụng khoa học công nghệ nhằm hỗ trợ hoạt động kinh doanh, trong đó khuyến khích các doanh nghiệp vận tải chủ động ứng dụng để nâng cao chất lượng dịch vụ và tạo sự thuận tiện cho người dân. Tuy nhiên, việc ứng dụng chỉ được áp dụng đối với các đơn vị vận tải đã được cấp giấy phép kinh doanh và phương tiện đã được cấp phù hiệu vận tải; Đồng thời, phải chấp hành các điều kiện kinh doanh vận tải, đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh, công khai, minh bạch và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước.

Động thái này được coi như một cú hích cho các hãng vận tải khác thêm cơ hội trong cuộc chiến không khoan nhượng của taxi truyền thống và taxi công nghệ.

 ảnh minh họa

ảnh minh họa

Ở Việt Nam, câu chuyện cạnh tranh giữa taxi truyền thống và Grab đang tạo nhiều dư luận trong suốt 1 năm trở lại đây cũng đặt ra một câu hỏi: Thay đổi hay là chết? Bám víu vào phương thức kinh doanh vốn đã lỗi thời liệu có đủ sức chống lại sự bành trướng của một phương thức khác thuận lợi hơn, hấp dẫn người dùng hơn?

Sau thời gian vật lộn trong cuộc chiến không cân sức với taxi công nghệ, các hãng taxi truyền thống đang tính chiến lược sáp nhập nhằm tăng thị phần cạnh tranh. Sáp nhập để tăng sức mạnh; chuẩn hóa nhân sự, nâng cao chất lượng... là cách mà các doanh nghiệp taxi truyền thống sử dụng để chống lại gã khổng lồ Grab.

Bộ GTVT yêu cầu sở GTVT các tỉnh nêu trên phối hợp với công an tỉnh và cơ quan chức năng làm việc với các đơn vị vận tải taxi, hiệp hội vận tải trên địa bàn để làm rõ việc ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động vận tải hành khách đảm bảo đúng các điều kiện nêu trên; Căn cứ vào tình hình thực tế hoạt động vận tải và an toàn giao thông trên địa bàn để tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo việc ứng dụng khoa học công nghệ trong vận tải trên địa bàn.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, khi có cạnh tranh, taxi truyền thống đã bộc lộ những nhược điểm mà trước đó người tiêu dùng không có gì so sánh hoặc nhận ra nhưng phải cam chịu.Nhưng khi taxi công nghệ ra đời, việc sử dụng ứng dụng minh bạch, giá rẻ là một tiến bộ đã nhận được sự hưởng ứng của người dùng.

Đây cũng là điều cần phát huy. Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cũng cho rằng, so với các doanh nghiệp vận tải nước ngoài như Grab, doanh nghiệp Việt còn nhiều hạn chế về nguồn lực, công nghệ. Tuy nhiên chúng ta lại có lợi thế là sở hữu lượng tài xế chuyên nghiệp, đảm bảo tối đa an toàn cho khách hàng.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng đang có tâm lý “sợ” Grab độc quyền nên bất cứ chuyển biến tích cực nào cũng sẽ dễ dàng được đón nhận. Các doanh nghiệp vận tải cần đầu tư để có hệ thống công nghệ hiện đại, đặc biệt đánh mạnh vào yếu tố an toàn, cải thiện chất lượng dịch vụ.

Bên nào cũng có những ưu và nhược điểm riêng. Cuộc chiến càng gay gắt, người tiêu dùng càng được hưởng lợi. Cuộc cách mạng 4.0 đang lan tỏa đến mọi lĩnh vực trong cuộc sống và dịch vụ vận chuyển hành khách cũng không nằm ngoài tầm ảnh hưởng. Nếu DN không thích ứng được chắc chắn sẽ bị tụt lại phía sau thậm chí là xóa sổ.

Muốn cạnh tranh với taxi công nghệ thì điều đầu tiên là phải có hệ thống công nghệ hiện đại, ít nhất là tương tự. Các hãng taxi truyền thống có thể lợi dụng những điểm yếu của Grab để tạo lợi thế cho mình bằng cách đánh mạnh vào chất lượng dịch vụ, nâng cao độ an toàn để đạt được mức độ hài lòng cao nhất từ phía hành khách.

Uber và Grab là những loại hình kinh doanh được sinh ra từ cuộc cách mạng 4.0 với nhiều ưu điểm không thể phủ nhận, đồng thời cũng tạo nên sức ép lớn với dịch vụ vận tải truyền thống.

Vì vậy, doanh nghiệp truyền thống cần tự tìm ra lối thoát cho chính mình./.

Cẩm Tú

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/doi-song-xa-hoi/giao-thong-do-thi/taxi-truyen-thong-va-taxi-cong-nghe-ki-phung-dich-thu-39521