Taxi truyền thống phải tự thay đổi để cứu mình

Câu chuyện cạnh tranh giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ vốn đã là đề tài được bàn luận nhiều trong 3 năm qua kể từ khi Uber, Grab đổ bộ vào Việt Nam, thì nay có phần nóng hơn với đề xuất của Bộ Công thương mới đây.

Các doanh nghiệp taxi công nghệ như Uber, Grab đang thắng thế so với các doanh nghiệp taxi truyền thống

Các doanh nghiệp taxi công nghệ như Uber, Grab đang thắng thế so với các doanh nghiệp taxi truyền thống

Quy định Uber, Grab là doanh nghiệp vận tải có dễ quản lý?

Cụ thể, trong công văn gửi tới Văn phòng Chính phủ ngày 6/10, Bộ Công Thương kiến nghị: “Cần sửa đổi quy định để xác định doanh nghiệp cung cấp các ứng dụng công nghệ như Uber, Grab là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải. Đây là điều mấu chốt để quản lý loại hình dịch vụ này”.

Theo Bộ Công thương, quy định hiện hành chưa tính đến loại hình dịch vụ vận chuyển hành khách ký hợp đồng qua ứng dụng thương mại điện tử. Điều này dẫn đến khó quản lý và không công bằng với các doanh nghiệp vận tải khác.

“Thứ nhất, họ không phải chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn cho hành khách, trong khi họ chính là đơn vị thu tiền dịch vụ của khách hàng.

Thứ hai, họ không chịu sự điều chỉnh của các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải, gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng giữa các doanh nghiệp vận tải, cũng như dịch vụ taxi truyền thống.

Thứ ba, với trường hợp doanh nghiệp thí điểm là doanh nghiệp ở nước ngoài, thì việc cho phép dịch vụ này hoạt động không phù hợp với cam kết của Việt Nam trong WTO (Việt Nam không cam kết dịch vụ vận tải qua biên giới), gây thiếu bình đẳng cho các doanh nghiệp trong nước”, Công văn nêu.

Bộ Công Thương cũng cho rằng, theo quy định hiện hành, việc cung cấp các ứng dụng công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng như Uber, Grab hiện nay còn phải đáp ứng các quy định về thương mại điện tử.

“Cần nghiên cứu các biện pháp bảo đảm hoạt động bình đẳng giữa loại hình dịch vụ vận tải công nghệ với dịch vụ vận tải truyền thống”, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Trước đó, trong văn bản phản hồi kiến nghị của Hiệp hội Taxi Hà Nội về một số vấn đề của xe thí điểm hợp đồng điện tử, Bộ Giao thông – Vận tải đã yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh như Uber, Grab triển khai dán logo nhận diện ở hai bên thân xe, cũng như bổ sung việc kê khai giá với phương tiện này giống như taxi, xe khách…

Bình đẳng để phát triển bền vững

Kể từ khi Uber, Grab chính thức hoạt động tại Việt Nam, việc kinh doanh của các hãng taxi lớn trong nước như Vinasun, Mai Linh, Taxi Group… trở nên điêu đứng, khi thị phần bị thu hẹp đáng kể khiến doanh thu, lợi nhuận sụt giảm mạnh, thậm chí nhiều lái xe đã bỏ việc để ra lái Uber, Grab khiến nhân sự các doanh nghiệp này bị thiếu hụt…

Theo các doanh nghiệp taxi truyền thống, đang có diễn ra tình trạng cạnh tranh bất bình đẳng giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ.

“Đơn cử, trong khi taxi truyền thống không được đi vào những đường có đặt biển báo cấm taxi hoạt động, thì Uber, Grab vẫn được lưu thông”, đại diện một doanh nghiệp taxi truyền thống nói.

Chia sẻ với, Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Trần Anh Minh, Phó tổng giám đốc Vinasun, cho biết, chính sách thuế đang gây bất lợi lớn, tác động trực tiếp đến giá thành sản phẩm, khiến doanh nghiệp taxi truyền thống khó cạnh tranh hơn.

“Trong 3 năm qua, Grab chỉ đóng hơn 9,6 tỷ đồng tiền thuế, trong khi Vinasun đóng góp tới hơn 1.000 tỷ đồng. Đây là mức chênh lệch quá lớn. Chúng tôi mong Nhà nước giảm thuế cho doanh nghiệp taxi truyền thống để có điều kiện giảm giá thành, cũng như tập trung đầu tư mạnh cho khoa học công nghệ và nâng cao chất lượng dịch vụ”, ông Minh kiến nghị.

Theo ông Minh, người Việt cũng làm được như Uber, Grab. Nếu Nhà nước xem xét tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ taxi truyền thống, doanh nghiệp nội sẽ không thua các doanh nghiệp ngoại.

“Các Bộ chủ quản đã khách quan và công tâm khi kiến nghị tạo cạnh tranh công bằng giữa doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ taxi truyền thống với doanh nghiệp taxi sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin như Uber, Grab. Hy vọng sẽ có thêm nhiều thay đổi trong thời gian tới, đặc biệt là chính sách thuế”, ông Minh nói.

Tuy nhiên, theo giới quan sát, chất lượng dịch vụ là mới vấn đề mà các doanh nghiệp kinh doanh taxi truyền thống cần nhìn nhận và thay đổi ở thời điểm hiện tại, nếu muốn “khỏe” trở lại trong tương lai.

“Taxi Uber, Grab đang thắng thế không chỉ bởi giá rẻ, minh bạch, mà còn bởi chất lượng dịch vụ khá hoàn hảo, thái độ lái xe văn minh, lịch sự, chế độ phản hồi, đánh giá chất lượng công khai… Doanh nghiệp taxi truyền thống cần nhìn nhận thực tế này để thay đổi”, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ phân tích.

Động thái của các Bộ chủ quản đang hé mở cánh cửa để doanh nghiệp taxi truyền thống có cơ hội bình đẳng hơn tại sân nhà. Tuy nhiên, để thị trường taxi thực sự phát triển, ngoài cạnh tranh bình đẳng, các doanh nghiệp Việt cần phải tự thay đổi để cứu mình.

Hải Minh

Nguồn ĐTCK: http://tinnhanhchungkhoan.vn/thuong-truong/taxi-truyen-thong-phai-tu-thay-doi-de-cuu-minh-207572.html