Taxi 'dù' bành trướng vùng quê

Thực trạng taxi dù đổ bộ ồ ạt, hoạt động công khai tại các vùng quê đang thách thức lực lượng chức năng ở Bắc Giang và đẩy các doanh nghiệp vận tải chân chính vào cuộc đua không lành mạnh.

Taxi dù hoạt động tràn lan trên địa bàn huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang gây ảnh hưởng đến kinh doanh vận tải và ATGT (Chụp trưa 11/9)

Núp bóng xe gia đình

Ngày 11/9, PV Báo Giao thông gọi số 02043.89.89.89 đặt taxi của Công ty TNHH Vận tải và du lịch Bắc Giang đi từ UBND huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) về bến xe phía Nam huyện Hiệp Hòa. Chỉ sau 3 phút, chiếc xe ô tô 4 chỗ loại Grand i10 BKS 98A - 148.29 đội mào “Taxi 89” nhưng không dán tên doanh nghiệp, thương hiệu, số điện thoại liên hệ, phù hiệu xe… chạy đến UBND huyện đón khách. Khi lên xe, không thấy đồng hồ tính cước, PV thắc mắc, tài xế nói: “Cần gì đồng hồ, em cứ nhìn km xe chạy tính tiền thôi”. Dừng xe, tài xế báo giá 30 nghìn đồng cho quãng đường di chuyển khoảng 2km.

Khi PV hỏi muốn xe chạy về quận Cầu Giấy, TP Hà Nội, tài xế này báo giá 550 nghìn đồng và cho biết không sợ bị CSGT, TTGT phạt vì sẽ tháo mào taxi xuống, chạy như xe gia đình, muốn đi vào ngõ, ngách nào cũng được.

"Chúng tôi sẽ rà soát lại các đơn vị, phương tiện đăng ký hoạt động vận tải taxi trên địa bàn. Phối hợp Phòng Quản lý vận tải (Sở GTVT Bắc Giang) sàng lọc những phương tiện nào được cấp phù hiệu taxi, sau đó tiến hành xử nghiêm đối với các trường hợp chở khách trái phép”.

Thiếu tá Tạ Văn Hiệu

Cũng thời điểm này, một chiếc ôtô 4 chỗ BKS 98A - 098.67 màu trắng, dựng mào “taxi” nhưng thân xe không có tên doanh nghiệp, số điện thoại hay phù hiệu dừng đỗ, đón khách ngay tại cổng bến xe phía Nam huyện Hiệp Hòa. Tuy nhiên, PV lại gọi điện đặt xe từ tổng đài của “Taxi 72” qua số 02043.72.72.72 để quay trở về UBND huyện Hiệp Hòa. Ngay sau đó, một xe ô tô 4 chỗ màu trắng BKS 98A - 162.85 đội mào “Taxi Hiệp Hòa” trờ tới. Lý giải vì sao xe không có phù hiệu, các thông tin của hãng, bảng niêm yết giá, tài xế thanh minh: “Đúng xe Taxi 72 đây rồi, có đàm, có đồng hồ, có mào đây”.

Trên đường di chuyển, tài xế này nhiệt tình chỉ cho chúng tôi thấy từng chiếc xe taxi “dù” như các xe BKS: 98A - 098.12; 98A - 078.26; 98A - 175.32; 98A - 187.66… và cho biết: “Ở Hiệp Hòa, muốn chạy taxi thì đóng tiền mua đàm với giá 1 triệu đồng/tháng và chỉ cần gắn mào taxi loại nam châm. Nếu chở khách sang tỉnh khác hoặc gia đình thuê, nhất là ra vào sân bay Nội Bài đón, trả khách thì chỉ cần tháo mào chạy như xe cá nhân, không lo bị phạt”.

Đưa PV vào tận bên trong trụ sở UBND huyện Hiệp Hòa và nhận tiền cước 30 nghìn đồng, tài xế xe BKS 98A - 162.85 tiếp tục đón một khách khác lên xe. Để xác nhận lại chiếc xe gắn mào “Taxi Hiệp Hòa” có đúng của hãng taxi 72, PV đã gọi lại số tổng đài và được khẳng định, đó là xe của hãng nhưng nhân viên tổng đài cũng không nhớ BKS xe, chỉ “biết xe có biển số cuối là 85”.

Tra cứu thông tin đăng kiểm, PV Báo Giao thông phát hiện những chiếc xe taxi này đều đứng tên cá nhân, không đăng ký kinh doanh và đang hoạt động trái quy định.

Thực trạng tương tự cũng đang phổ biến tại huyện Lục Nam. Ở các điểm dừng xe buýt, điểm đón trả khách, vỉa hè, lòng đường gần khu vực ngã tư Thân luôn có từ 30-40 xe ô tô taxi “dù” loại 4 chỗ đỗ chờ khách. Tại huyện Lạng Giang, taxi “dù” có phương thức hoạt động tinh vi hơn khi nhiều xe sử dụng thương hiệu của một số hãng taxi, kết nối hệ thống bộ đàm, có mào, trang bị đầy đủ đồng hồ đếm cước, bảng niêm yết giá... Tuy nhiên, những phương tiện này không được Sở GTVT cấp phù hiệu kinh doanh; đồng hồ tính cước không được cơ quan chức năng kiểm định.

Trốn thuế, tạo cạnh tranh không lành mạnh

Được biết, trước đây hãng taxi Mai Linh có hoạt động trên địa bàn huyện Hiệp Hòa nhưng chính vì sự bùng phát của taxi dù và việc mua đàm của các công ty kinh doanh taxi tràn lan, không kiểm soát nên thị trường vận tải taxi ở Hiệp Hòa bị phá vỡ. Mai Linh đã không chịu được nên rút đi.

Giám đốc một hãng taxi tại đây cũng chia sẻ, một đơn vị taxi chính hãng với khoảng 300 xe hoạt động thì trung bình mỗi năm đóng thuế cho Nhà nước gần 3 tỷ đồng. Một chiếc taxi “dù” sẽ không phải chịu bất cứ chi phí nào và nếu chạy khách ổn định, trung bình chủ xe sẽ trốn được 2 triệu đồng/tháng tiền thuế. Nếu để tình trạng này bùng phát, không kiểm soát sẽ gây thất thoát cho Ngân sách một số tiền lớn và tạo môi trường cạnh tranh bất bình đẳng, bất lợi cho các doanh nghiệp chính danh, muốn làm nghiêm túc.

Thiếu tá Tạ Văn Hiệu, Đội trưởng Đội CSGT huyện Hiệp Hòa thừa nhận, tình trạng taxi “dù” đang bùng phát và hoạt động phức tạp trên địa bàn. Một số hãng xe taxi như 89, 72, Đức Thủy…để cho cá nhân mua lại đàm, mào, “nương nhờ” thương hiệu dưới hình thức đóng cổ phần nhưng lại hoạt động sai quy định. Khi lực lượng chức năng phát hiện và tiến hành xử lý vi phạm, các tài xế dùng nhiều cách thức trốn tránh, ngụy tạo các lý do để chối bỏ việc hoạt động chở khách “dù” như: tháo mào, bỏ chạy và phím cho nhau để ẩn núp.

Ngoài ra, hành khách sử dụng dịch vụ taxi “dù” cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro tiềm ẩn vì theo quy định các doanh nghiệp taxi đều phải mua bảo hiểm thân thể cho hành khách, nhưng xe “dù” thì không có. Đó là chưa kể xe “dù” thường chạy ẩu, đỗ đậu trái phép và khi hành khách quên tài sản trên xe, tranh chấp quyền lợi sẽ rất khó để cơ quan chức năng giải quyết.

Hữu Tuấn

Nguồn ATGT: http://www.atgt.vn/taxi-du-banh-truong-vung-que-d272231.html