Tàu ULS Nga đánh chặn vượt trội so với Mistral

Với hệ thống phòng thủ cực mạnh, tàu đổ bộ trực thăng (LHD) của Hải quân Nga có thể đánh chặn mọi cuộc tấn công đường không nhằm vào tàu.

Theo kế hoạch, sẽ nhận được chiếc tàu LHD đầu tiên ngay trong năm 2020 - Lớp tàu LHD theo cách gọi của Nga là tàu đổ bộ đa năng (ULS). Việc Nga đóng những chiếc tàu thế hệ mới này để lấp vào chỗ trống do chương trình tàu Mistral Pháp không chuyển giao.

Về cơ bản, ULS sẽ là chiếc tàu được trang bi chính là phi đội Ka-52K. Tàu có lượng giãn nước khoảng 14.000 tấn, có khả năng hoạt động liên tục trong vòng 2 tháng hoặc có tầm hoạt động 11.000km.

Tàu ULS sẽ có khả năng phòng thủ mạnh hơn nhiều Mistral.

Tàu ULS sẽ có khả năng phòng thủ mạnh hơn nhiều Mistral.

Lớp tàu ULS do Nga tự phát triển có thể mang theo 8 trực thăng hải quân Ka-27, sáu tàu đổ bộ cỡ nhỏ trong khoang chứa. Khi dùng cho nhiệm vụ đổ bộ, tàu ULS có thể chở được 500 binh sĩ với đầy đủ trang bị và 60 xe bọc thép chiến đấu.

Điểm làm nên sự đặc biệt của ULS so với tàu Mistral do Pháp đóng chính là khả năng phòng thủ. Theo thông tin được Nga công bố, lớp tàu ULS sẽ được trang bị cả hệ thống phòng thủ tốc độ siêu nhanh AK-630 Duet và Pantsir-ME.

Trong đó, AK-630M2 Duet là một biến thể của pháo hạm nổi tiếng AK-630 được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu bay như tên lửa hành trình, máy bay, trực thăng và các loại phương tiện tấn công đường không khác, cũng như tàu nổi có lượng choán nước nhỏ, ngư lôi, các hỏa điểm và binh lực bờ biển của đối phương.

Duet có rất nhiều khác biệt về hình dáng so với nguyên mẫu và các biến thể trước đó. Đặc biệt là tháp pháo, có cấu tạo đầy góc cạnh thay vì tháp tròn của AK-630, AK-630M và AK-630M1-2. Tháp pháo mới này cho phép nó biến mất trước sóng radar đối phương, hạn chế đến mức thấp nhất khả năng bị tấn công.

AK-630M2 Duet được trang bị 2 pháo ổ xoay tự động 6 nòng bắn nhanh AO-18 30mm. Pháo Duet có thể bắn với tốc độ trên 10.000 viên/phút. Tầm bắn tối đa lên đến 8.100m. Tầm bắn hiệu quả đối với các mục tiêu mặt đất, mặt nước và trên không là 4 – 5km.

Trong khi đó, nhận nhiệm vụ tiêu diệt những mục tiêu ở tầm xa hơn là tổ hợp Pantsir-ME. Khả năng của Pantsir-ME được cho là chênh lêch rất ít so với phiên bản Pantsir-S1 trên cạn, nó đã tối ưu hóa thuật toán xác định phần tử bắn để phù hợp cho việc lắp đặt trên tàu hải quân.

Pantsir-ME có thể đánh chặn tên lửa trong mọi điều kiện thời tiết, kể cả khi bão lớn. Phiên bản hải quân của Pantsir-S có thể nhắm trúng mục tiêu là các tên lửa bay bám mặt biển vốn có đường bay không thể dự báo trước.

Nhờ hệ thống radar mảng pha đa năng 1RS2-1E, hệ thống Pantsir-ME có thể tấn công 4 mục tiêu cùng một lúc, với tốc độ tối đa lên đến 3.605km/h. Thời gian phản ứng là 3-5 giây. Radar của tàu có thể đảm nhiệm tốt việc cảnh báo sớm tầm xa.

Hai pháo tự động 6 nòng xoay GSh-6-30K /AO-18KD 30 mm có thể bắn với tốc độ 6.000 phát/phút là một yếu tố cấu thành khác của hệ thống Pantsir-ME. Với tốc độ bắn này, hệ thống có khả năng đánh chặn hiệu quả các loại tên lửa, máy bay, phương tiện không người lái và tàu chiến cỡ nhỏ. Một số nguồn tin cho biết tốc độ bắn có thể đạt tới 10.000 phát/phút, tầm bắn từ 0,3-4 km ở độ cao 0-3 km.

Tên lửa đất đối không hai tầng đẩy 57E6-E của Pantsir-ME có thể bắn trúng mục tiêu cách xa từ 1,2 đến 20 km, ở độ cao 0,002-15 km. Xác suất tiêu diệt mục tiêu đạt trên 95%. Pantsir-ME có thể phóng các tên lửa "bắn và quên" Hermes-K, vốn đặc biệt hiệu quả khi tấn công các mục tiêu nhỏ ở bờ biển hoặc trên mặt biển.

Với laser bán chủ động dẫn đường cho tên lửa đất đối đất, hệ thống có thể tấn công các mục tiêu xa tận chân trời với độ chính xác cao. Theo đánh giá của giới quân sự Nga, khả năng xuyên qua màn hỏa lực dữ dội của Pantsir-ME là một nhiệm vụ gần như bất khả thi.

Chính vì vậy, tàu ULS của Nga có thể độc lập tác chiến mà không cần tới đội tàu bảo vệ, đây là điều không thể với Mistral của Pháp. Lắp đặt hệ thống này trên tàu sẽ giúp gia tăng đáng kể khả năng tồn tại của tàu. Ngay cả khi các tên lửa bắn trượt, mục tiêu cũng bị hỏa lực từ các khẩu pháo tiêu diệt. Đây là một ví dụ điển hình cho phương pháp sử dụng mọi thứ vũ khí trong tác chiến.

Đưa Pantsir ra biển cho phép Nga có thể giữ vững năng lực phòng thủ tầm gần đáng tin cậy trong khi nước này tiếp tục xây dựng một lực lượng hải quân linh hoạt hơn và sở hữu nhiều công nghệ tiên tiến hơn.

Theo Hòa Bình/Báo Đất Vệt

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/quoc-te/tau-uls-nga-danh-chan-vuot-troi-so-voi-mistral/20191213063119822