Tàu Trung Quốc ở bãi Tư Chính phạm luật quốc tế nghiêm trọng

Các diễn biến mới tại Biển Đông cho thấy Trung Quốc tiếp tục leo thang căng thẳng, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế vốn là cơ sở duy trì hòa bình, ổn định tại khu vực.

Trước thông tin trên truyền thông quốc tế về việc tàu Trung Quốc xuất hiện trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng hôm 19-7 xác nhận: “Trong những ngày qua, nhóm tàu khảo sát Địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía nam Biển Đông. Đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên".

Hai động thái quan trọng của Trung Quốc

Bà Hằng cho biết Việt Nam đã tiếp xúc nhiều lần với phía Trung Quốc ở các kênh khác nhau, trao công hàm phản đối, kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam; tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam vì quan hệ hai nước và ổn định, hòa bình ở khu vực.

Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam tiếp tục triển khai nhiều biện pháp phù hợp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán một cách hòa bình, đúng pháp luật nhằm bảo vệ vùng biển Việt Nam.

Giáo sư Ryan Martinson, thuộc ĐH Hải chiến Mỹ và thông tin từ tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) cho biết Trung Quốc đang tiến hành hai động thái quan trọng.

Thứ nhất, Trung Quốc đưa tàu Địa chất Hải Dương 8 đến vùng biển khu vực gần bãi Tư Chính – Vũng Mây (nằm trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, thuộc vùng nước ngay phía tây quần đảo Trường Sa của Việt Nam) để thực hiện hoạt động thăm dò địa chất. Con tàu này được một số tàu dân quân của Trung Quốc tham gia hộ tống.

Thứ hai, thông tin từ AMTI cho thấy tàu cảnh sát biển Haijing 35111 của Trung Quốc cũng xuất hiện ở Biển Đông với mục tiêu khiêu khích hoạt động kinh tế của Việt Nam. Cũng theo AMTI, hồi cuối tháng 5 vừa qua, Haijing 35111 đã tiến hành tuần tra vùng nước gần cụm bãi cạn Luconia, ngoài khơi bờ biển bang Sarawak, Malaysia. Tại đây, tàu Trung Quốc đã ngăn cản hoạt động của giàn khoan Sapura Esperanza. Số liệu công khai của Hệ thống nhận diện tự động (AIS) cho thấy tàu Haijing 35111 vận hành trong khu vực và có hành động khiêu khích mạnh đối với tàu khác.

Tàu Haijing 35111. Ảnh: SOCIAL MEDIA

Tàu Haijing 35111. Ảnh: SOCIAL MEDIA

Đó là chưa kể các hoạt động leo thang quân sự hóa như thử tên lửa, cho lực lượng dân quân biển thực hiện các vụ va đâm với tàu cá các nước, v.v. Điều này đúng như nhận định của chuyên gia châu Á Jonathan Manthorpe trên tờ Asia Times: “Trung Quốc đã có những bước tiến đáng kể trong kế hoạch biến biển Đông thành “ao nhà” của mình.”

Vi phạm pháp luật quốc tế nghiêm trọng

Trao đổi với PLO, chuyên gia luật biển Vũ Thanh Ca (Đại học Tài nguyên - Môi trường Hà Nội, nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và khoa học công nghệ - Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam), nhận định tàu Trung Quốc đã thực hiện thăm dò tài nguyên tại khu vực bãi Tư Chính và khu vực vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam với khoảng cách gần nhất tới bờ biển Việt Nam trên 120 hải lý tính từ bờ biển Việt Nam. Khu vực thăm dò của Trung Quốc nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Đây không phải là vùng chồng lấn về chủ quyền với bất cứ một quốc gia nào khác vì Phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực năm 2016 đã nêu rõ hai điểm: (i) Không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong đường 9 đoạn và (ii) Không một cấu trúc nào tại Trường Sa có khả năng tạo ra các vùng biển mở rộng và các đảo Trường Sa không thể cùng nhau tạo ra các vùng biển như một thực thể thống nhất. Như vậy, không thể dùng “đường lưỡi bò” hoặc quần đảo Trường Sa để biện minh rằng vùng biển Việt Nam mà Trung Quốc đang thăm dò tài nguyên là vùng tranh chấp.

PGS.TS. Vũ Thanh Ca. Ảnh: INTERNET

Ông Ca nhấn mạnh: Thực hiện thăm dò tài nguyên trong vùng biển Việt Nam, Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và luật pháp Việt Nam. Hành động này đang làm xấu hình ảnh của Trung Quốc và làm mất lòng tin của các nước trong và ngoài khu vực đối với Trung Quốc.

Đặc biệt, hiện nay ASEAN và Trung Quốc đang đàm phán COC. Hành động này của Trung Quốc đã gây khó khăn rất lớn, nếu không phải là cản trở quá trình đàm phán và Trung Quốc phải chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu đàm phán COC thất bại.

"Tôi cho rằng Trung Quốc sẽ chịu thiệt thòi rất nhiều nếu cứ tiếp tục các hành động vô pháp như thế này.” – PGS. TS. Vũ Thanh Ca khẳng định.

Chủ quyền của Việt Nam dựa trên UNCLOS

Theo quy định của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về luật biển (UNCLOS), quốc gia ven biển có quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia đối với vùng đặc quyền kinh tế.

Quyền chủ quyền bao gồm đặc quyền thăm dò, khai thác, quản lý và bảo tồn tài nguyên tại mặt biển, vùng nước bên trên đáy biển, trên đáy biển và trong lòng đất dưới đáy biển và các hoạt động khác nhằm thăm dò, khai thác các tài nguyên nêu trên vì mục đích kinh tế.

Quyền tài phán của quốc gia ven biển bao gồm quyền cho phép các quốc gia khác thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên, nghiên cứu khoa học, lắp đặt cáp ngầm và các công trình, thiết bị trong vùng này.

Đối với thềm lục địa, quốc gia ven biển có quyền chủ quyền như nêu trên với tài nguyên trên đáy biển và trong lòng đất dưới đáy biển, cũng như quyền tài phán với việc thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên, nghiên cứu khoa học, lắp đặt cáp ngầm và các công trình, thiết bị trên đáy biển và trong lòng đất dưới đáy biển.

UNCLOS cũng quy định rằng các quốc gia khác khi thực hiện các hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thì phải tuân thủ pháp luật của quốc gia ven biển nếu pháp luật đó không trái với luật pháp quốc tế.

Việt Nam đã thực hiện tất cả các quyền của quốc gia ven biển, bao gồm Tuyên bố của Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam năm 1982, Hồ sơ ranh giới ngoài của thềm lục địa trình lên Liên hợp quốc năm 2009, ban hành Luật Biển Việt Nam năm 2012 và Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015. Trong các văn bản pháp luật nêu trên cũng như các văn bản dưới luật, Việt Nam đã xác định rõ vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam cũng như quy định chi tiết quyền và nghĩa vụ của các quốc gia khác khi thực hiện các hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.

PGS.TS. Vũ Thanh Ca

ĐỖ THIỆN

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/tau-trung-quoc-o-bai-tu-chinh-pham-luat-quoc-te-nghiem-trong-847236.html