Tàu tên lửa mới hướng Biển Đông, Mỹ gửi kèm thông điệp rắn?

Tàu chiến Gabrielle Gifford với tên lửa Naval Strike lần đầu triển khai, được cho là đang hướng tới Singapore.

CNN đưa tin, tàu chiến USS Gabrielle Gifford đã rời San Diego trong tháng này, mang theo tên lửa Naval Strike (NMS) mới của Hải quân Mỹ và một trực thăng không người lái Fire Scout có nhiệm vụ hỗ trợ phóng tên lửa.

Theo tập đoàn Raytheon, NSM là loại tên lửa hành trình chống tàu rất khó bị phát hiện bằng radar và có thể di chuyển để tránh hàng phòng ngự của đối thủ. Còn phát ngôn viên của hạm đội 3, Chỉ huy John Fage cho hay, loại tên lửa này sẽ giúp tăng cường khả năng sát thương của Hải quân Mỹ.

"Lầu Năm góc đang xây dựng một lực lượng quân đội có thể tác chiến trên một nền tàng bền vững hơn và có cơ hội tốt hơn khi chiến đấu và tồn tại trong khu vực nguy hiểm và hạn chế tiếp cận của quân đội Trung Quốc", nhà phân tích quân sự cấp cao Timothy Heath nhận xét về việc Trung Quốc kết hợp tàu chiến, máy bay và tên lửa để kiểm soát một số khu vực của Thái Bình Dương.

Tàu USS Gabrielle Giffords di chuyển trên Thái Bình Dương vào tháng 7/2019 (ảnh: Hải quân Mỹ)

Tàu USS Gabrielle Giffords di chuyển trên Thái Bình Dương vào tháng 7/2019 (ảnh: Hải quân Mỹ)

Tàu Gabrielle Gifford là tàu chiến đấu ven biển (LCS) đầu tiên được triển khai kèm với tên lửa NSM. Tuy nhiên, đầu năm nay giới chức Hải quân Mỹ từng nói với Ủy ban Quân vụ Thượng viện rằng, hầu hết các tàu thuộc hạm đội LCS (bao gồm hơn 30 tàu) đều sẽ được trang bị loại tên lửa này.

Các tàu chiến đấu ven biển gồm hai loại chính: lớp tàu ba thân Independence (bao gồm cả Gabrielle Gifford) và lớp tàu đơn thân Freedom. Cả hai lớp được thiết kế để hoạt động tại những khu vực nước nông xung quanh các bờ biển hoặc các đảo.

Tên lửa Naval Strike có thời gian thử nghiệm khá ngắn trước khi được triển khai trong quân đội Mỹ. Do tập đoàn Quốc phòng và Không gian Kongsberg của Na Uy phát triển cho quân đội Na Uy, NSM từng được phóng thử thành công trên tàu chiến ven biển USS Coronado vào năm 2014. Bốn năm sau đó, ông lớn sản xuất vũ khí Raytheon trở thành nhà thầu Mỹ sản xuất loại tên lửa này.

Điểm đáng lưu ý nhất của tên lửa Naval Strike là tầm di chuyển trên 160km – xa hơn 30% so với các tên lửa Harpoon mà Hải quân Mỹ vẫn sử dụng trong mảng chống tàu.

Một tên lửa Kongsberg Naval Strike phóng đi từ tàu LCS USS Coronado (ảnh: Hải quân Mỹ)

Theo nhà phân tích Carl Schuster, một cựu lính hải quân, trực thăng không người lái Fire Scout đem lại cho tàu chiến "cặp mắt tầm chân trời". "Khả năng quan sát mục tiêu cũng quan trọng như hệ thống tên lửa", ông Schuster nói. "Anh chỉ có thể nhắm trúng cái anh tìm thấy".

Ông Heath cho biết thêm, việc đem theo Fire Scout trên các tàu LCS có kích cỡ nhỏ hơn, sẽ giúp giảm tải áp lực cho các tàu khu trục và hành trình lớn – vốn được thiết kế để hoạt động ở các vùng lãnh hải chiến đấu mở. Ngoài ra, do nhu cầu hiện tại, số lượng các tàu khu trục và hành trình đang ngày càng bị thu hẹp.

"Tôi kỳ vọng nhìn thấy thêm nhiều tàu LCS có mặt tại Biển Đông, thay thế cho các tàu lớn đang thực hiện hầu hết các sứ mệnh tuần tra trong khu vực", nhà phân tích quân sự dự báo.

Trong khi Hải quân Mỹ chưa chính thức thông báo về nơi tàu Gabrille Giffords đang hướng tới, có nhiều đồn đoán rằng, đó sẽ là Singapore – nơi một con tàu tương tự như Gifford là USS Montgomery đã được triển khai vào mùa hè năm nay nhưng không kèm theo tên lửa Naval Strike.

"Sứ mệnh của Gabrielle Gifford là tiến hành các chiến dịch an ninh hải dương, hợp tác an ninh, cung cấp khả năng đối phó với khủng hoảng và duy trì sự hiện diện sắp tới của hải quân Mỹ tại bất kỳ địa điểm nào và bất kỳ thời điểm nào cần thiết. Tuy nhiên, chúng tôi không thảo luận cụ thể vì đó là vấn đề an ninh tác chiến", ông Fage nói.

Trước đó, Hải quân Mỹ từng nhiều lần nhắc tới kế hoạch cử hai tàu LCS hoạt động bên ngoài bờ biển Singapore trong năm nay. Và trong thời gian tới, số lượng có thể sẽ gia tăng khi hạm đội được mở rộng.

Gửi đi thông điệp

Ông Schuster đánh giá, việc triển khai vũ khí gửi đi một thông điệp quan trọng và có thể thực sự "thay đổi trò chơi" tại vùng biển Tây Thái Bình Dương, nơi Trung Quốc đang có lợi thế so với Mỹ.

"Đây là bước đầu tiên hướng tới việc thay đổi sự mất cân bằng trong những năm về sau", ông Schuster giải thích.

Bên cạnh đó, thông điệp không chỉ được truyền tải tới Trung Quốc mà còn cả các đối tác của Mỹ tại châu Á – Thái Bình Dương, bao gồm cả một số nước ASEAN.

"Hiệu ứng ròng chính là việc làm tăng độ tin cậy về năng lực đánh chặn của Mỹ tại khu vực", ông Heath đánh giá. "Nó cũng giúp làm giảm nguy cơ cho các đối tác của Mỹ, do những sự đầu tư này chứng tỏ cam kết của Mỹ tại đây".

"Các nước ASEAN sẽ có lợi ích, đặc biệt khi Mỹ củng cố hiện diện tại Đông Nam Á, vì Trung Quốc gần như chắc chắn sẽ đối phó bằng việc hoạt động thận trọng hơn tại Biển Đông", chuyên gia này dự đoán.

Phương Đỗ

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/tau-ten-lua-moi-huong-bien-dong-my-gui-kem-thong-diep-ran-20190911144604343.htm