Tàu sân bay Pháp thảm thương vì Covid-19 với hơn 1.000 ca nhiễm

Với hơn 1.000 ca mắc Covid-19 trên tàu sân bay Charles De Gaulle (R-91), quân đội Pháp đã tiến hành 2 cuộc điều tra trước các cáo buộc che giấu thông tin.

Trong phiên điều trần trước Ủy ban Quốc phòng của Quốc hội Pháp ngày 17-4-2020, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp, bà lorence Parly cho biết, tính đến thời điểm hiện tại số quân nhân nhiễm Covid-19 trên tàu sân bay Pháp Charles De Gaulle (R-91) và các tàu hộ tống là 1.081 người, chiếm hơn 1/2 tổng số quân nhân trên các đội tàu này (1.900 người).

Con số ca nhiễm có thể cao hơn nữa, vì theo bà Parly, vẫn còn khoảng 300 xét nghiệm chưa có kết quả.

Trong số những người nhiễm bệnh, có 545 người có triệu chứng rõ rệt, hiện 24 người đang phải nhập viện điều trị và 1 người phải điều trị tích cực.

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp cũng tuyên bố, việc một số quân nhân giấu tên trả lời báo chí Pháp rằng các ca mắc dịch bệnh Covid-19 đã xuất hiện từ đầu tháng 3 nhưng các sĩ quan chỉ huy tàu vẫn quyết định tiến hành nhiệm vụ chỉ là “tin đồn không có căn cứ”.

Giới chức quân đội Pháp hiện nghiêng về giả thuyết rằng một số quân nhân Pháp đã dương tính với SARS-CoV-2 trong hai ngày 13 và 15-3) khi tàu này tạm dừng ở cảng Brest ở miền Tây Bắc nước Pháp.

Quân đội Pháp đã mở hai cuộc điều tra song song, một là về dịch tễ, một về trách nhiệm của các cấp chỉ huy. Bà Florence Parly cam kết sẽ công bố những kết luận đầu tiên ra công luận Pháp trong vòng 2 tuần.

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp cũng cho biết, tàu sân bay Charles De Gaulle dự định quay trở lại tham gia các chiến dịch từ tháng 6-2020 và toàn bộ quân nhân trên tàu sẽ phải thực hiện việc cách ly 14 ngày trên đất liền trước khi lên đường làm nhiệm vụ.

Hiện tại với hơn 1.000 ca nhiễm, tàu sân bay duy nhất của Pháp đã chính thức mất khả năng chiến đấu.

Charles de Gaulle (R91) là tàu sân bay hạt nhân duy nhất của Pháp, hạ thủy năm 1994 và chính thức bàn giao cho Hải quân Pháp năm 2000.

Tàu có thể chở theo 550 tấn vũ khí và 3.400 tấn nhiên liệu. Tàu có hệ thống CMS Model 8 có khả năng theo dõi 2.000 mục tiêu trên không, trên biển và trên bờ cùng lúc, theo Global Security.

Tàu có thể chở từ 35-40 máy bay, mỗi ngày thực hiện khoảng 100 lần cất cánh.

Tàu có 2 máy phóng giúp các máy bay như Rafale, Hawkeye hay Super Etendard tăng tốc lên 300 km/giờ chỉ trong khoảng cách chạy đà 75 m.

Mỗi máy bay có thể xuất phát cách nhau 30 giây và đường băng có thể tiếp nhận 20 máy bay hạ cánh chỉ trong 12 phút.

Đội bay thường trực trên tàu gồm 12 chiến đấu cơ Rafale, 9 chiếc Super Etendard, 2 máy bay do thám Hawkeye, 2 trực thăng chiến đấu Dauphin và 1 trực thăng Alouette.

Đội tàu hộ tống tàu sân bay Charles de Gaulle gồm 1 tàu khu trục phòng không, 1 tàu khu trục chống ngầm, 1 tàu tiếp dầu, 1 tàu khu trục của Anh, 1 tàu ngầm hạt nhân tấn công, và nhiều tàu của các nước khác có thể tham gia đội hộ tống.

Hiện Charles De Gaulle (R-91) cũng là tàu sân bay hạt nhân duy nhất của Châu Âu. Tàu sân bay hạt nhân có ưu điểm có thể hoạt động liên tục hàng chục năm mà không cần tái nạp nhiên liệu.

Pháp cũng là quốc gia thứ hai sau Mỹ sở hữu tàu sân bay hạt nhân. Các nước khác như Nga, Trung Quốc, Brazil vẫn đang sử dụng tàu sân bay chạy bằng động cơ thông thường.

Việt Hùng

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-tau-san-bay-phap-tham-thuong-vi-covid19-voi-hon-1000-ca-nhiem/851084.antd