Tàu sân bay Mỹ, Trung Quốc vừa đụng mặt nhau trên biển Đông

Vài tuần trước, các tàu sân bay của Mỹ và Trung Quốc đã chạm mặt nhau ở Tây Thái Bình Dương.

Trên boong một tàu sân bay Mỹ

Khi các quan chức Lầu Năm Góc nói về “sự cạnh tranh giữa các cường quốc”, đây chính là ý thực sự của họ. Vào tháng 4 và tháng 5, hải quân Mỹ và Trung Quốc từng điều hai tàu sân bay và các tàu hộ tống của họ vào Biển Đông.

Đồng thời, quân đội Philippines được huy động để bảo vệ vùng đặc quyền trước các tàu dân quân Trung Quốc, máy bay chiến đấu của Trung Quốc thăm dò hệ thống phòng không của Đài Loan và máy bay ném bom B-52 của Không quân Mỹ đến Guam để tuần tra trong khu vực.

Đây là một trong những nơi tập trung sức mạnh không quân và hải quân lớn nhất trong thời hiện đại — và là một trong những khu vực dễ biến động nhất thế giới. Những vụ chạm mặt tầm gần này của các hạm đội và lực lượng không quân dự kiến sẽ tiếp tục khi Trung Quốc phát triển lực lượng vũ trang và Mỹ và các đồng minh thực hiện các kế hoạch để ngăn chặn.

Thời điểm nguy hiểm bắt đầu từ ngày 3 tháng 4, khi Liêu Ninh, tàu sân bay đầu tiên của hải quân Trung Quốc, cùng các tàu hộ tống của nó qua eo biển Miyako ở phía nam Okinawa, đến Biển Philippines.

Những vùng biển phía đông Đài Loan rất quan trọng đối với các kế hoạch chiến tranh của Trung Quốc. Nếu Bắc Kinh thực hiện tốt mối đe dọa "thống nhất" hòn đảo này với đại lục, thì rất có thể các tàu sân bay của Trung Quốc - Liêu Ninh, Sơn Đông và cuối cùng là tàu sân bay Type 003 mới, lớn hơn hiện đang được đóng ở Thượng Hải - sẽ hoạt động phía đông Đài Loan phục vụ các cuộc không kích hỗ trợ lực lượng tấn công chính đang chiến đấu trên đường băng qua eo biển Đài Loan.

Cũng chính vùng biển này có thể là nơi diễn ra các trận hải chiến hủy diệt nhất kể từ Thế chiến thứ hai khi các tàu sân bay và tàu ngầm của Mỹ và đồng minh cố gắng đánh chìm tàu sân bay và tàu đổ bộ của Trung Quốc.

Liêu Ninh đã tiến về phía nam sau khi vào Biển Philippines và một tàu khu trục của Mỹ bám theo suốt chặng đường. Tàu sân bay của Trung Quốc đã hoạt động xung quanh bờ biển phía đông của Đài Loan, trong khi hòn đảo này cũng tiến hành các cuộc tập trận không quân và hải quân. Ngày 10 tháng 4, Liêu Ninh ở Biển Đông, phía nam Đài Loan.

Cùng ngày, tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Hải quân Mỹ đã đi vào Biển Đông từ hướng ngược lại. USS Makin Island, một tàu đổ bộ boong lớn mang theo máy bay phản lực tàng hình F-35B, di chuyển trên cùng một lộ trình. Hai tàu đi song song trong thời gian ngắn, kết hợp máy bay và tàu hộ tống của họ thành một trong những đội hình hải quân mạnh nhất trong nhiều thập kỷ.

Họ đã làm như vậy trong khoảng cách dễ dàng đánh bại Liêu Ninh và nhóm chiến đấu của nó. Cùng lúc đó, lực lượng không quân, hải quân, tuần duyên và bảo vệ nghề cá của Philippines đã tràn vào vùng biển trù phú xung quanh Palawan, ngoài khơi bờ biển phía tây Luzon, hòn đảo chính của Philippines.

Nhưng ba hạm đội không đụng độ nhau. Trong thời chiến, khả năng này chắc chắn sẽ xảy ra — ở Biển Đông hoặc xa hơn về phía bắc, ở Biển Philippines. Hãy xem xét lực lượng nào đã đến Guam, tiền đồn chính ở Thái Bình Dương của Mỹ, vào ngày 18 tháng 4. Đó là bốn máy bay ném bom B-52, mỗi máy bay có khả năng phóng hàng chục tên lửa hành trình vào tàu địch hoặc lực lượng mặt đất.

Tàu Liêu Ninh lên đường trở về căn cứ Thanh Đảo ở tỉnh Sơn Đông vào cuối tháng Tư. Tàu Roosevelt và Makin Island rời Tây Thái Bình Dương cùng thời gian và được thế chân bởi hai tàu sân bay của Hải quân Mỹ trú đóng tại Nhật Bản.

Nhưng Trung Quốc đã không dừng các bài tập trận. Tàu Liêu Ninh đã trở về cảng nhà Thanh Đảo trong khi tàu sân bay Sơn Đông rời cảng nhà Tam Á, đảo Hải Nam, tiến vào Biển Đông, cho máy bay xuất kích tập trận rồi quay về. Đó là một lời nhắc nhở rằng hải quân Trung Quốc có thể duy trì nhiều tàu lớn trong khu vực như Mỹ có thể làm.

Anh Minh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tau-san-bay-my-trung-quoc-vua-dung-mat-nhau-tren-bien-dong-post1346466.tpo