Tàu sân bay Mỹ không 'ngán' tên lửa Trung Quốc

Truyền thông Trung Quốc nhấn mạnh các tàu sân bay Mỹ trong khu vực hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của PLA với các loại tên lửa DF-21D và DF-26.

Lời đe dọa quen tai

Truyền thông và giới chuyên gia Trung Quốc đã hơn một lần đe dọa đánh chìm tàu sân bay Mỹ.

Mới đây nhất, tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc đưa ra nhận định các tàu sân bay Mỹ trong khu vực hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), lực lượng có nhiều lựa chọn vũ khí như các tên lửa diệt tàu sân bay DF-21D và DF-26.

Tờ báo Trung Quốc khẳng định tên lửa của PLA có thể dễ dàng hủy diệt lực lượng Mỹ ở Biển Đông. Đây được coi là thông điệp Trung Quốc “nhắn gửi” đến 2 tàu sân bay USS Ronald Reagan và USS Nimitz của hải quân Mỹ thực hiện hoạt động huấn luyện tàu sân bay ở Biển Đông.

Trung Quốc nhiều lần đe dọa đánh chìm tàu sân bay Mỹ

Trung Quốc nhiều lần đe dọa đánh chìm tàu sân bay Mỹ

Về mặt lý thuyết, Trung Quốc sở hữu các loại tên lửa có tầm bắn lên tới 900 hải lý được coi là mối đe dọa đáng kể đối với các tàu sân bay Mỹ.

Giới chuyên gia cho rằng, ngay cả khi không có đầu đạn, một đòn tấn công trúng đích cũng khiến tên lửa xuyên phá tàu sân bay. Bên cạnh đó, việc đánh chặn một vũ khí siêu thanh đi với tốc độ Mach 5 là điều không đơn giản.

Giới phân tích phương Tây cũng bày tỏ lo ngại khi liên tục cảnh báo các loại vũ khí không quá đắt đỏ của Nga và Trung Quốc, như chiến tranh mạng và tên lửa chống hạm, đang đe dọa sự phụ thuộc của phương Tây vào các vũ khí đắt đỏ như tàu sân bay.

Một báo cáo gần đây của Viện nghiên cứu Hoàng gia Anh về Quốc phòng và An ninh (RUSI) nhận định: "Trung Quốc và Nga dường như tập trung nhiều (không phải tất cả) các nỗ lực của họ vào việc có thể đặt ra mối đe dọa cho các khí tài chủ chốt của phương Tây, vốn là những thứ lớn, số lượng ít và đắt đỏ".

Theo báo cáo, phương Tây hiện không thể trông mong vào sự vượt trội về công nghệ. Quân đội các nước như Anh hay Mỹ được định hình để chiến đấu ở nước ngoài, trong các lực lượng viễn chinh hoặc lực lượng hỗ trợ hoặc liên minh. Ngược lại, Nga và Trung Quốc đã lựa chọn tập trung vào chiến đấu gần biên giới quê nhà, như Đông Âu hoặc Biển Đông.

Tên lửa DF-21D được Trung Quốc phô diễn trong một cuộc duyệt binh

RUSI nhấn mạnh: "Do đó, mặc dù Mỹ tiêu tốn nhiều hơn so với các đối thủ tiềm năng về phát triển công nghệ quốc phòng, song công nghệ tốt hơn không nhất thiết chuyển thành ưu thế quân sự tương xứng trong một chiến trường cụ thể".

Báo cáo kết luận rằng, các vũ khí của Nga và Trung Quốc hiện đe dọa sự phụ thuộc của phương Tây vào một số lượng nhỏ các nền tảng phức tạp và không thể thay thế được và các tàu sân bay lớn được Hải quân Mỹ yêu thích dường như nằm trên đầu danh sách này.

Báo cáo của RUSI là nhằm phản ứng lại Chiến lược Bù đắp Thứ 3 của Mỹ - chiến lược giúp Mỹ tìm kiếm các cách thức duy trì ưu thế quân sự của nước này, giữa lúc chiến tranh bất đối xứng gia tăng.

Khả năng một tên lửa hoặc một loại virus máy tính có thể phá hủy hoặc vô hiệu hóa các vũ khí thời Chiến tranh Lạnh như tàu sân bay hoặc xe tăng hoặc vệ tinh và mạng máy tính hỗ trợ chúng đã khiến các nhà hoạch định chính sách của Mỹ phải đau đầu để nghĩ ra những năng lực mới, vừa phải tăng năng lực phòng thủ cho các vũ khí cũ.

Đòn nắn gân không hiệu quả

Để bảo vệ các tàu sân bay, các cuộc tập trận của Mỹ nhằm chuẩn bị cho khả năng thực hiện một cuộc tấn công phối hợp bằng nhiều tàu sân bay.

Lựa chọn tấn công 2 tàu sân bay cùng một lúc không chỉ giúp tăng khả năng tấn công các mục tiêu nằm sâu trong nội địa, kéo dài thời gian tìm kiếm mục tiêu và cho phép thực hiện các cuộc tấn công đa nền tảng phối hợp, mà nó còn cải thiện đáng kể khả năng thực hiện các cuộc tấn công bằng tên lửa được phóng từ tàu khu trục và tàu tuần dương.

National Interest cũng lưu ý rằng mỗi nhóm tấn công tàu sân bay bao gồm 1 tàu sân bay, tàu tuần dương và 2 tàu khu trục, mang đến một tổ hợp lớn, tích hợp các khí tài được phóng từ biển.

Tàu sân bay Mỹ không đơn độc để Trung Quốc tấn công theo ý muốn

Giới chuyên gia cũng chỉ ra rằng thực tế chiến trường sẽ rất khác so với lý thuyết. Các loại tên lửa diệt tàu sân bay của Trung Quốc cần có hệ thống dẫn đường chính xác, khả năng theo dõi và bắn trúng mục tiêu đang di chuyển để có thể tạo ra mối đe dọa thực sự đối với tàu sân bay Mỹ.

Bất kỳ sai sót nào trong cái gọi là "kill chain" (thuật ngữ quân sự chỉ một chuỗi các bước để thực hiện một cuộc tấn công) sẽ khiến loại vũ khí này trở nên vô dụng.

Ngoài ra, National Interest cũng đe dọa ngược lại phía Trung Quốc khi nói rằng Hải quân Mỹ vẫn đang tiếp tục thúc đẩy các công nghệ mới cải thiện hệ thống phòng thủ nhiều lớp.

Hải quân Mỹ tiếp tục có những bước tiến nhanh chóng trang bị cho các tàu mặt nước của mình bằng vũ khí laser mới và các hệ thống tác chiến điện tử tiên tiến có khả năng tấn công những tên lửa đang bay đến, ngăn chặn chúng, phá hủy quỹ đạo của chúng hoặc đơn giản là làm chúng trệch ra khỏi hành trình.

Tên lửa Evolved Sea Sparrow (ESSM) Block II của Mỹ

Cũng theo National Interest, hệ thống phòng thủ theo lớp của Hải quân Mỹ không chỉ bao gồm các cảm biến tầm xa mới đặt trên không, không gian và trên tàu, mà còn bao gồm các máy bay đánh chặn trên boong vốn đang tiếp tục được nâng cấp phần mềm để cải thiện độ chính xác.

Ví dụ, các tên lửa SM-6 và Tên lửa Evolved Sea Sparrow (ESSM) Block II hiện đang được thiết kế với các nâng cấp phần mềm và cảm biến cho phép chúng nhận biết tốt hơn và tiêu diệt "các mục tiêu đang di chuyển".

Hay loại máy bay tàng hình F-35C được cho là đủ khả năng trinh sát, do thám và giám sát giúp báo hiệu cho các chỉ huy trên mặt đất về những tên lửa đang tiến đến.

Do đó, giới phân tích cho rằng dù Trung Quốc tuyên bố rằng tên lửa diệt tàu sân bay của họ khiến tàu sân bay trở nên lỗi thời, song trên thực tế các nhóm tác chiến tàu sân bay vẫn là một mối đe dọa nghiêm trọng. Đây chính là lý do để Mỹ tự tin điều động tàu sân bay đến các điểm nóng khi cần thiết.

Theo hải quân Mỹ, càc tàu sân bay của họ đã tiến hành hoạt động ở Tây Thái Bình Dương, bao gồm Biển Đông và Biển Hoa Đông cũng như Biển Philippines trong những năm qua.

Những hoạt động này về cơ bản diễn ra khi các nhóm tàu tấn công triển khai tới khu vực hoạt động của Hạm đội 7 từ Bờ tây nước Mỹ liên kết với nhóm tàu sân bay tấn công được triển khai từ Yokosuka.

Tàu tên lửa dẫn đường USS Chancellorsville hộ tống tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ

Theo tờ Thời báo Nhật Bản, đợt triển khai đến Thái Bình Dương lần này là hoạt động lớn nhất kể từ năm 2017 khi Mỹ điều 3 tàu sân tới đến khu vực.

Ngày 21/6, Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ cho biết nhóm tàu sân bay tấn công USS Theodore Roosevelt và USS Nimitz đã bắt đầu tiến hành các hoạt động chung tại Biển Philippines.

Theo một tuyên bố, hai nhóm tàu sân bay tấn công này đã được lên kế hoạch tiến hành các cuộc diễn tập phòng không, giám sát trên biển, huấn luyện chiến đấu phòng không, diễn tập tấn công tầm xa, điều động phối hợp và các khoa mục khác.

Tàu sân bay USS Ronald Reagan được đặt tại thành phố Yokosuka, tỉnh Kanagawa (Nhật Bản) và nhóm tàu tấn công cũng tiến hành các hoạt động tại Biển Philippine, theo những bức ảnh của Hạm đội Thái Bình Dương.

Mặc dù chưa rõ các tàu sân bay Mỹ hoạt động ở nơi nào tại vùng Biển Philippines song tờ báo Nhật Bản phỏng đoán Eo biển Luzon giữa Đài Loan và Philippines là lối vào "chảo lửa" Biển Đông.

Đông Triều

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/tau-san-bay-my-khong-ngan-ten-lua-trung-quoc-3413474/