Tàu sân bay lớp Kiev Nga được thiết kế 'độc và lạ' thế nào?

Tàu sân bay lớp Kiev được trang bị hệ thống vũ khí đồ sộ giúp nó đủ sức tác chiến hoàn toàn độc lập, không cần hộ tống.

Thông tin trên báo Kiến Thức, tàu sân bay lớp Kiev là một trong ba kiểu hàng không mẫu hạm được thiết kế dưới thời Liên Xô. So với tàu sân bay phương Tây, Kiev được trang bị hệ thống vũ khí đồ sộ giúp nó đủ sức tác chiến hoàn toàn độc lập, không cần hộ tống.

Lớp tàu sân bay Kiev được thiết kế cho nhiệm vụ hỗ trợ tàu ngầm chiến lược, tàu mặt nước và không quân hải quân; tấn công và tiêu diệt các mục tiêu trên không, trên biển (gồm cả tàu mặt nước và tàu ngầm).

Tàu sân bay lớp Kiev có chiều dài 273m, rộng 53m, mớn nước 10m và lượng giãn nước toàn tải 42.000-45.000 tấn. Tàu được thiết kế khá kỳ lạ, khác hoàn toàn so với tàu sân bay phương Tây.

Tàu sân bay lớp Kiev là một trong ba kiểu hàng không mẫu hạm được thiết kế dưới thời Liên Xô. Ảnh: Kiến Thức

Tổng cộng 4 chiếc tàu sân bay lớp Kiev được đóng và biên chế chính thức từ 1970-1987 gồm: Kiev; Minsk; Novorossiysk; Baku. Hiện trong số này chỉ còn duy nhất chiếc Baku còn hoạt động trong Hải quân Ấn Độ, sau khi được Nga nâng cấp cải tiến gần như toàn bộ, chỉ còn giữ lại phần vỏ tàu. Tàu sân bay lớp Kiev có khả năng chở tổng cộng 26-30 máy bay gồm: 12-13 Yak-38 và 14-17 Ka-25, Ka-27/29.

Thiết kế đường băng của tàu sân bay lớp Kiev không có đường dốc nhảy cầu hay máy phóng, khiến khả năng phục vụ các loại máy bay hết sức hạn chế. Nó chỉ có thể chở trực thăng săn ngầm Ka-25 hoặc Ka-27/29 và máy bay cất hạ cánh thẳng đứng Yak-38.

Khả năng tác chiến phòng không của lớp tàu sân bay Kiev cũng rất đáng gờm với hai bệ phóng tên lửa tầm trung M-11 Shtorm (72 quả đạn tên lửa, tầm bắn 30km), hai bệ phóng tên lửa tầm thấp 9K33 Osa (40 đạn), hai ụ pháo 76,2mm nòng kép và 8 ụ pháo AK-630. Có thể nói, với hỏa lực này thì khó có vũ khí nào của NATO xuyên thủng được lớp Kiev.

Cho biết thêm về tàu tuần dương lớp Kiev, Zing News đưa tin, phần boong tàu phía trước được trang bị các loại vũ khí hạng nặng để đảm đương vai trò tuần dương hạm. Nhìn từ phía trước Kiev giống một tuần dương hạm, nhìn từ phía sau lại giống một tàu sân bay. Trên thế giới không có loại tàu chiến nào được thiết kế với vai trò tương tự.

Chiếc đầu tiên mang tên Kiev được đưa vào hoạt động năm 1975, chiếc thứ 2 mang tên Minsk biên chế hoạt động năm 1978, chiếc thứ 3 mang tên Novorossiysk đưa vào hoạt động năm 1982, chiếc cuối cùng mang tên Baku (sau đổi thành Đô đốc Gorshkov) được đưa vào sử dụng năm 1987.

Chương trình tuần dương hạm hàng không lớp Kiev được xem là một giải pháp tình thế nhằm đối phó với tàu sân bay hạng nặng lớp Kitty Hawk của Hải quân Mỹ. Nhiệm vụ của tàu là hỗ trợ cho lực lượng tàu ngầm hạt nhân chiến lược, tàu nổi, hỗ trợ hàng không hải quân cũng như tham gia tác chiến chống tàu mặt nước, tàu ngầm.

Phần boong tàu phía trước được trang bị các loại vũ khí hạng nặng. Ảnh: Zing News

Sau khi Liên Xô sụp đổ, các tàu sân bay lớp Kiev phải ngưng hoạt động vào năm 1993 do thiếu kinh phí. Kiev và Minsk bị bán cho Trung Quốc vào năm 1995 và 1996. Novorossiysk bán cho Hàn Quốc và bị tháo dỡ vào năm 1997.

Riêng Đô đốc Gorshkov thì may mắn hơn, khi tàu này chuẩn bị “lên thớt” thì Ấn Độ đã đồng ý mua lại và hoán cải thành tàu sân bay INS-Vikramaditya. Phần vũ khí phía trước được loại bỏ để thiết kế thành đường băng kiểu “nhảy cầu” cho tiêm kích MiG-29K hoạt động.

Mặc dù có khoảng thời gian phục vụ chỉ 18 năm, từ năm 1975-1993 song chương trình tàu tuần dương hàng không lớp Kiev đã để lại nhiều ấn tượng về một thiết kế “2 trong 1” độc đáo.

An Dương (T/h)

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/tau-san-bay-lop-kiev-nga-duoc-thiet-ke-doc-va-la-the-nao-d109225.html