Tàu sân bay CVN-79 không thể phóng được F-35C

Trang Drive dẫn nguồn tin từ Hải quân Mỹ thừa nhận, tàu sân bay lớp Ford chiếc USS John F. Kennedy không đủ lực để phóng tiêm kích F-35C.

Kết luận đầy bất ngờ nói trên được một cơ quan điều tra thuộc Hải quân Mỹ đưa ra khi tiến hành điều tra tổng thể về chương trình đóng 3 chiếc tàu sân bay thế hệ mới thuộc lớp Ford.

Theo kết luận, tàu sân bay USS John F. Kennedy (CVN-79) có thể bị tạm dừng đóng do hệ thống máy phóng điện từ (EMALS) của con tàu này được xác định đã không cung cấp đủ lực để phóng tiêm kích tàng hình F-35C.

Trong những cuộc thử nghiệm gần đây, hệ thống này chỉ có thể phóng được tiêm kích F/A-18 Super Hornet và máy bay EA-19G Growler.

Tàu sân bay USS John F. Kennedy.

Tàu sân bay USS John F. Kennedy.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc, nếu đi vào hoạt động, tàu CVN-79 sẽ không thể phóng được những máy bay cảnh báo sớm hoặc máy bay tiếp dầu trên hạm thế hệ mới của Hải quân Mỹ.

Và mọi chuyện chỉ có thể được giải quyết sau năm 2027 - thời điểm nhà sản xuất Mỹ có thể khắc phục được điểm yếu của hệ thống máy phóng EMALS, nguồn tin từ Hải quân Mỹ cho biết.

Theo thiết kế ban đầu, tàu USS John F. Kennedy mang được 75 máy bay chiến đấu các loại, trong đó bao gồm máy bay chiến đấu tàng hình F-35C, tiêm kích hạm F/A-18E/F, máy bay cảnh báo sớm E-2C, trực thăng. Ngoài ra còn có lượng lớn máy bay không người lái như X-47B.

Tàu USS John F. Kennedy sử dụng radar tìm kiếm và theo dõi 2 băng tần (DBR), so với radar SPS-48 mà lớp Nimitz sử dụng thì ưu điểm lớn nhất của DBR chính là nâng cao khả năng đối phó các mục tiêu có tốc độ siêu âm cao.

Trong khi SPS-48 sử dụng quét tần số, chỉ có thể thực hiện quét điện từ theo hướng cao thấp, góc phương vị vẫn áp dụng quét cơ khí. Vì vậy tốc độ cập nhật số liệu mục tiêu tương đối thấp, nếu tốc độ mục tiêu nhanh, việc xác nhận tương đối khó khăn.

Còn radar DBR (của CVN-79) là quét điện từ 2D, sau khi tìm thấy mục tiêu, có thể nhanh chóng thay đổi tốc độ truyền sóng mục tiêu, tiến hành xác định đối với mục tiêu. Vì vậy tốc độ liên hệ mục tiêu nhanh hơn, trong tình hình tốc độ và số lượng mục tiêu tăng vẫn có thể nhanh chóng xác nhận mục tiêu, sau đó dẫn đường cho hệ thống vũ khí đánh chặn.

Về mặt thiết kế tổng thể thì tàu sân bay USS John F. Kennedy không có thay đổi lớn so với Nimitz hiện nay của Mỹ nhưng đài chỉ huy tàu và boong máy bay đều sử dụng thiết kế hoàn toàn mới.

Bằng cách tối ưu hóa thiết kế làm cho diện tích sử dụng của boong tàu được mở rộng, kết cấu của đài chỉ huy cũng được cải tiến, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu như tầm nhìn, chỉ huy, kiểm soát bay, các loại radar và thông tin liên lạc.

Đồng thời, tàu USS John F. Kennedy khi được thiết kế đặc biệt nhấn mạnh tính năng tàng hình, tàu được lắp đặt vật liệu hấp thụ radar, làm giảm đáng kể diện tích phản xạ radar.

Con tàu này sử dụng 2 lò phản ứng nước áp lực điện hạt nhân A1B kiểu mới. So với A4W của tàu sân bay lớp Nimitz, mật độ năng lượng trung tâm A1B cao, công suất lò phản ứng nước áp lực lớn, kết cấu đơn giản, công suất cũng được tăng 25% trở lên so với tàu sân bay lớp Nimitz.

Tàu sử dụng hệ thống phân phối điện 13.800 volt, có thể tạo ra nguồn điện gấp 3 lần lò phản ứng của tàu sân bay lớp Nimitz. Nhưng để con tàu có thể phát huy được hết sức mạnh như công bố, Hải quân Mỹ phải cần khoảng thời gian ít nhất đến sau năm 2027.

Clip Mỹ lắp tháp điều khiển cho tàu USS John F. Kennedy

Tuấn Vũ

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/tau-san-bay-cvn-79-khong-the-phong-duoc-f-35c-3381017/