Tàu quân sự Italy đưa hơn 500 người tị nạn cập cảng

Theo UNHCR Italy, hơn 500 người di cư được giải cứu trong một loạt chiến dịch, trong đó 42 người được cứu sống sau khi bị đuối nước và cần được chăm sóc y tế lẫn tâm lý.

Người di cư trên tàu cứu hộ ở Địa Trung Hải ngày 12/6. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Đêm 19/6, tàu của Lực lượng bảo vệ bờ biển Italy đã đưa hơn 500 người di cư, bao gồm hàng chục người được Hải quân Mỹ cứu sống ngoài khơi Libya tuần trước, cập cảng ở thành phố Sicily, nhiều ngày sau khi giới chức nước này cấm các tàu cứu hộ do các tổ chức phi chính phủ (NGO) điều hành cập cảng Italy.

Văn phòng Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) ở Italy cho biết: "Tàu Diciotti cuối cùng đã cập cảng Pozzallo đưa 522 người vào cảng an toàn."

Theo UNHCR Italy, những người này đã được giải cứu trong một loạt chiến dịch, trong đó 42 người được cứu sống sau khi bị đuối nước và cần được chăm sóc y tế lẫn tâm lý.

Theo giới chức Italy, có hơn 10 người di cư bị mất nước nghiêm trọng, trong đó có 6 trẻ em, 3 phụ nữ và 1 người đàn ông đã được đưa đến Pozzallo và được tổ chức Chữ thập Đỏ chăm sóc.

Ngày 16/6, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ Italy Matteo Salvini cảnh báo tàu cứu hộ người di cư do các tổ chức phi chính phủ (NGO) điều hành sẽ không được phép cập cảng Italy, đồng thời từ chối tiếp nhận hơn 600 người di cư trái phép được tàu Aquarius của tổ chức phi lợi nhuận Pháp SOS Mediterranee giải cứu trên Địa Trung Hải. Động thái này đã vấp phải sự phản đối của cộng đồng thế giới.

Cùng ngày, hàng nghìn người dân tại thủ đô Rome của Italy đã xuống đường biểu tình để phản đối các chính sách cứng rắn của chính phủ mới đối với người di cư. Các tranh cãi về chính sách với người di cư hiện đang là đề tài gây tranh cãi tại châu Âu.

Theo thống kê, đã có hơn 700.000 lượt người di cư đặt chân lên các bờ biển của Italy kể từ khi bùng nổ làn sóng di cư ồ ạt sang châu Âu vào năm 2013.

Căn cứ quy định của EU, người di cư phải xin cấp quy chế tị nạn tại quốc gia châu Âu đầu tiên họ đặt chân tới. Tuy nhiên, quy định này đã tạo áp lực đối với Italy và Hy Lạp bởi đây là những điểm cửa ngõ mà hàng trăm nghìn người di cư tìm đến đầu tiên sau khi trốn chạy khỏi nội chiến và nghèo đói tại Trung Đông, Bắc Phi và nhiều khu vực khác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/tau-quan-su-italy-dua-hon-500-nguoi-ti-nan-cap-cang/509163.vnp