Tàu nước ngoài gãy đôi, nguy cơ tràn dầu: Chỉ đạo nóng

Ngày 18/10, do thời tiết xấu và sóng lớn, tàu Jakarta đã bị gãy đôi và xuất hiện nhiều vết dầu loang, có hiện tượng tràn dầu.

Tối 18/10, Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, cùng ngày, Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên - Huế đã báo cáo UBND tỉnh về vụ tàu biển Jakarta bị mắc cạn và bị gãy dưới chân đèo Hải Vân.

Theo văn bản báo cáo ngày 18/10 của Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên - Huế, tàu Jakarta bị mắc cạn và bị gãy tại khu vực bãi Chuối dưới chân đèo Hải Vân, thuộc địa phận thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc. Qua kiểm tra tại hiện trường khu vực xung quanh tàu Jakarta mắc cạn, có nhiều vết dầu loang, có hiện tượng tràn dầu.

Ngay sau khi nhận thông tin, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chỉ đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở TNMT, Công an tỉnh, Sở Công thương, UBND huyện Phú Lộc và các sở ngành liên quan triển khai các biện pháp ngăn ngừa ô nhiễm môi trường, huy động lực lượng, trang thiết bị tham gia ứng cứu sự cố tràn dầu.

Chiếc tàu bị gãy làm đôi, có hiện tượng tràn dầu gây ô nhiễm. Ảnh: Báo TN&MT

Chiếc tàu bị gãy làm đôi, có hiện tượng tràn dầu gây ô nhiễm. Ảnh: Báo TN&MT

UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên - Huế chủ trì phối hợp với Sở Ngoại vụ triển khai đề nghị tàu Jakarta khẩn trương triển khai các biện pháp ngăn ngừa ô nhiễm môi trường.

Sở TNMT tỉnh được giao khẩn trương báo cáo Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu khu vực miền Trung để được hỗ trợ xử lý tràn dầu, tăng cường thường xuyên quan trắc, giám sát sự cố môi trường tràn dầu phục vụ công tác chỉ huy, chỉ đạo ứng phó sự cố.

UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế giao UBND huyện Phú Lộc thông báo, cảnh báo cho các xã, thị trấn và các đơn vị, doanh nghiệp biết để có phương án phòng tránh.

UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng yêu cầu các địa phương ven biển tổ chức theo dõi, giám sát khu vực bờ biển. Trường hợp phát hiện có dấu vết dầu loang, dầu vón cục tại khu vực bờ biển thì khẩn trương xây dựng phương án thu gom lượng dầu tràn, dầu vón cục về điểm tập kết an toàn và báo cáo để được hướng dẫn xử lý theo đúng quy định.

Trước đó, lực lượng chức năng phát hiện tàu Jakarta (quốc tịch Indonesia, treo cờ Đài Loan- Trung Quốc) bị sóng biển đánh dạt vào và mắc cạn tại khu vực bãi Chuối. Tàu này có chiều dài khoảng 70m, cao 25m, ngang 30m. Vị trí tàu trôi dạt vào có địa hình hiểm trở, nhiều gành đá, sóng to.

Sau một thời gian mắc cạn, đến ngày 18/10, con tàu Jakarta đã bị sóng đánh gãy làm đôi. Theo lực lượng chức năng, sự cố đứt gãy tàu Jakarta đã làm phần đầu và đuôi tàu cách rời nhau khoảng 25 mét.

Theo ông Nguyễn Việt Hùng, Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường- Sở TN&MT Thừa Thiên - Huế, khi tàu Jakarta bị mắc cạn, trên tàu có khoảng 300 tấn dầu các loại FO, DO, HFO.

Các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đã làm việc với Công ty CP Asiatrans Việt Nam (Đại lý tàu Jakarta) để có kế hoạch và phương án trục vớt, đảm bảo an toàn và phòng ngừa ứng phó sự cố ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, trong những ngày qua, trên địa bàn tỉnh liên tục có mưa lớn, bão tiếp tục đổ bộ nên chưa tiếp cận tàu để xử lý.

Thanh Giang (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/tau-nuoc-ngoai-gay-doi-nguy-co-tran-dau-chi-dao-nong-3420880/