Tàu ngầm tấn công lớp Los Angeles - hộ vệ dưới mặt biển của hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson

Hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson (CVN-70) cùng 2 tàu hộ tống USS Lake Champlain (CG-57) và USS Wayne E. Meyer (DDG-108) đang có chuyến thăm thành phố Đà Nẵng. Đây chỉ là 3 tàu trong số một hạm đội tấn công có hàng không mẫu hạm (Carrier Strike Group - CSG) với nhiều tàu khác, về cơ bản luôn bao gồm tàu sân bay, tàu tuần dương, tàu khu trục, đội bay, các tàu hậu cần và đặc biệt là tàu ngầm - có ít nhất 1 chiếc thuộc lớp Los Angeles luôn theo sát hàng không mẫu hạm và Tinh Tế cũng từng diện kiến USS Pasadena thuộc lớp tàu này. Mời anh em xem qua .

Hàng không mẫu hạm như USS Carl Vinson không bao giờ đi 1 mình mà thông thường khi triển khai nhiệm vụ theo CSG sẽ gồm 1 hàng không mẫu hạm lớp Nimitz, 1 hoặc 2 tuần dương hạm mang tên lửa dẫn đường lớp Ticonderoga (ở đây chính là USS Lake Champlain), 1 hạm đội tàu khu trục với 2 hoặc 3 khu trục hạm mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke (ví dụ như USS Wayne E. Meyer), một đội bay (CVW) có tối đa 9 phi đội, các tàu hậu cần và đặc biệt là 2 tàu ngầm mang tên lửa dẫn đường Tomahawk thuộc lớp Los Angeles.

Tàu ngầm USS Pasadena trong đợt trở về cảng nhà San Diego.

Như đã biết, tàu chiến của Mỹ được chia thành các lớp và các tàu cùng một lớp sẽ mang những đặc điểm giống nhau. Vì vậy qua USS Mustin và USS Pasadena, anh em cũng sẽ có cái nhìn chi tiết hơn về sức mạnh của các tàu chiến đang hộ tống cho USS Carl Vinson. Về vai trò của các tàu này, chúng ta có thể hình dung:

Hàng không mẫu hạm cung cấp rất nhiều chọn lựa cho chính phủ Mỹ từ việc thể hiện khả năng tấn công trên không cho đến tác chiến trên biển và trên bờ. Do các tàu sân bay hoạt động trên vùng biển quốc tế nên nó không cần đến quyền neo đậu tại hải phận nước ngoài. Những hàng không mẫu hạm cũng đóng vai trò duy trì hoạt động bền bỉ, hỗ trợ cho các lực lượng khác.
Tuần dương hạm mang tên lửa dẫn đường như USS Lake Champlain đóng vai trò là tàu tấn công trên mặt biển đa nhiệm, được trang bị tên lửa hành trình Tomahawk nhằm phục vụ cho các chiến dịch công kích tầm xa.
Khu trục hạm như USS Wayne E. Meyer cũng là tàu chiến trên mặt biển đa năng nhưng được dùng chủ yếu cho tác chiến phòng không (AAW). Chúng cũng có thể đem theo tên lửa hành trình Tomahawk.
Tàu ngầm lớp Los Angeles đóng vai trò hỗ trợ trực tiếp với khả năng dò tìm và tiêu diệt tàu nổi cũng như tàu ngầm. Các tàu ngầm này cũng thường được trang bị tên lửa hành trình Tomahawk để tấn công tầm xa.
Các tàu hậu cần sẽ cung cấp đạn dược, dầu, lương thực và thuốc men.

Như vậy, có thể thấy khu trục hạm sẽ "bảo kê" cho hàng không mẫu hạm từ phía trên còn tàu ngầm sẽ lo phía dưới, các tàu này sẽ tạo ra nhiều lớp tấn công và phòng thủ từ gần đến xa.

Trở lại với USS Pasadena (SSN-752) thì đây là một tàu ngầm tấn công thuộc lớp Los Angeles và biết đâu nó cũng đang theo hộ tống cho USS Carl Vinson nhưng nằm ngoài vùng biển quốc tế bởi USS Pasadena cũng có cùng cảng nhà là San Diego, cùng cảng nhà với 3 con tàu đang neo ngoài biển Đà Nẵng.

*Los Angeles là lớp tàu ngầm hạt nhân tấn công nhanh (SSN) của Hải quân Mỹ, còn gọi là lớp 688. Với 35 tàu vẫn đang thuộc biên chế, Los Angeles là lớp tàu ngầm có nhiều tàu còn đang hoạt động nhất trên thế giới. Một điều thú vị là tên gọi của các tàu thuộc lớp Los Angeles đều được đặt theo tên của các thành phố và thị trấn như New York, San Francisco, Houston, Los Angeles, Philadelphia … trước đây các tàu ngầm tấn công của Mỹ thường được đặt tên theo các loài sinh vật biển như Seawolf, Shark …

Các tàu ngầm hạt nhân thuộc lớp Los Angeles có nhiều đặc điểm chung như chiều dài đến 110 m, rộng 10 m, mớn nước 9,4 m và lượng giãn nước khi nổi khoảng 6000 tấn, khi chìm lên đến 7000 tấn. Tàu được trang bị một lò phản ứng hạt nhân của General Electric cung cấp năng lượng cho 2 turbine cho công suất mỗi cái đến 35000 mã lực. Khi lặn sâu, tàu ngầm thuộc lớp Los Angeles có thể đạt tốc độ trên 20 knot tức 37 km/h. Do sử dụng năng lượng hạt nhân nên tầm hoạt động của tàu ngầm lớp Los Angeles gần như vô hạn, mỗi chuyến đi của tàu có thể kéo dài đến 90 ngày trước khi cần tái tiếp tế.

Từ năm 1972 đến nay, lớp tàu Los Angeles đã trải qua 2 đợt cải tiến và tái thiết kế nhằm trang bị những loại vũ khí hiện đại hơn. Đợt cải tiến đầu tiên năm 1982, 8 tàu đóng mới được trang bị 12 ống phóng thẳng đứng dành cho tên lửa Tomahawk và 23 tàu sau đó thuộc chương trình cải tiến 688i được nâng cấp với hệ thống tác chiến điện tử tối tân, vận hành im lặng hơn và thiết kế cánh lặn mới nằm trên thân tàu thay vì ở đuôi. USS Pasadena là một trong số 23 tàu thuộc chương trình 688i.

Bấm để mở rộng...

Tàu ngầm là khí tài quân sự rất hạn chế "lên hình", đợt triển lãm năm 2015 mình và mod @Gia Tường (ảnh) chỉ có thể đứng từ xa chụp vào.

USS Pasadena được đóng tại xưởng đóng tàu của General Dynamics ở Groton, Connecticut năm 1982 và hạ thủy năm 1987. Ban đầu USS Pasadena được biên chế cho lực lượng tàu ngầm thuộc hạm đội Đại Tây Dương nhưng đến năm 90 thì được chuyển giao cho hạm đội Thái Bình Dương.

Là một tàu thuộc lớp Los Angeles nên USS Pasadena có chiều dài theo thông số quy định với 110 m, sườn ngang 10 m, mớn nước 9,4 m và được trang bị một lò phản ứng hạt nhật S6G của General Electric. Hệ thống trao đổi nhiệt chuyển đổi nước thành hơi từ nguồn nhiệt của lõi phản ứng, từ đó nạp vào 2 turbine công suất 35000 mã lực làm quay chân vịt. Khi lặn Pasadena có thể đạt tốc độ tối đa 32 knot, lượng giãn nước khi nổi khoảng 6255 tấn và trên 7102 tấn khi lặn. Vận hành cho tàu là thủy thủ đoàn 110 người.

USS Pasadena bước ra từ chương trình cải tiến 688i của lớp tàu Los Angeles thành ra trang bị cảm biến của tàu tối tân hơn so với các tàu ban đầu cùng lớp. Đáng chú ý là hệ thống định sóng âm (sonar) AN/BQQ-5 do IBM phát triển gắn ở mũi tàu cho phép dò tìm chủ/bị động vật thể ở tần số thấp, mang lại năng lực dò tìm cao hơn và kiểm soát tốt hơn. Ngoài ra, USS Pasadena được trang bị tiêu chuẩn hệ thống phân tích điện từ để giám sát và đánh chặn AN/WLR-8, AN/WLR-9 cảnh báo sớm ngư lôi và hệ thống định vị sóng âm phát hiện thủy lôi và chướng ngại vật dưới nước AN/BQS-15.

Trong một cuộc diễn tập năm 1999, tàu ngầm HSM Farncomb của Hải quân Hoàng gia Úc đã thử nghiệm phóng ngư lôi Mk 48 ADCAP vào tàu khu trục thải bỏ HMAS Torrens. Ngư lôi nổ dưới sống tàu, bẻ gãy con tàu làm đôi.

USS Pasadena là tàu ngầm tấn công, trang bị vũ khí của tàu rất mạnh với 4 ống phóng ngư lôi 21" có thể phóng các loại ngư lôi như Mk 48 ADCAP (số lượng mang theo 10 quả) - một loại ngư lôi hạng nặng có thể đánh chìm các loại tàu ngầm hạt nhân lặn sâu và các tàu nổi cỡ lớn. Mk 48 ADCAP có thể được dẫn đường bằng dây dẫn hoặc cảm biến chủ/bị động tích hợp để tìm kiếm, khóa và tấn công mục tiêu được thiết lập sẵn. Mk 48 ADCAP có đặc tính nổ dưới sống tàu, áp lực tạo ra cực lớn có thể bẻ gãy con tàu làm đôi và có thể … quay lại khi phóng trượt.

Tên lửa chống hạm Harpoon UGM-84 được phóng từ tàu ngầm Canakkale S-358 của Hải quânThổ Nhĩ Kỳ.

Cũng bằng ống phóng này, USS Pasadena có thể nhả tên lửa chống hạm Harpoon với biến thể UGM-84 với động cơ tên lửa đẩy dùng nhiên liệu rắn. Harpoon mang đầu đạn nổ xâm nhập 221 kg, tầm bay tối đa 140 km ở độ cao 910 và tốc độ 850 km/h, dẫn đường bằng radar chủ động.

USS Pasadena còn có thể nhả thủy lôi Mk 67 từ ống phóng 21". Loại mìn chống hạm này dùng hệ thống đẩy riêng để di chuyển đến địa điểm định sẵn. Khi tới vị trí, mìn nằm ở độ sâu đến 183 m dưới mặt biển. Mỗi quả Mk 67 chứa 150 kg thuốc nổ và dùng cảm biến từ/địa chấn/áp lực để phát hiện mục tiêu và tự động kích nổ. Loại thủy lôi này có chức năng chính là hạn chế hoạt động của tàu chiến và tàu ngầm trên biển.

Ngoài ra còn có thủy lôi Mk 60 CAPTOR- một dạng thủy lôi chứa ngư lôi, chữ CAPTOR viết tắt của enCAPsulated TORpedo. Khi được thả xuống, Mk 60 CAPTOR sẽ neo chặt xuống đáy biển và khi cảm biến sonar tích hợp phát hiện tàu ngầm địch, nó sẽ phóng ra một quả ngư lôi Mk 46 chứa đầu đạn 44 kg.

Lúc neo đậu tại quân cảng Changi, phần mũi của USS Pasadena được dán kín để che giấu các ống phóng thẳng đứng VLS Mk 45.

Hệ thống ống phóng thẳng đứng trên USS Oklahoma City (SSN-723) - cùng lớp Los Angeles với USS Pasadena.

Cuối cùng, không thể thiếu là tên lửa hành trình Tomahawk. Phiên bản trang bị trên USS Pasadena là biến thể có tầm bay rất xa, lên đến 3100 km nhờ động cơ đẩy cải tiến. Tên lửa này được phóng từ các ống phóng thẳng đứng (VLS) hoặc ống phóng ngư lôi. Khi được phóng từ dưới mặt biển, tên lửa kích hoạt động cơ đẩy nhiên liệu rắn trong vài giây để đưa tên lửa lên khỏi mặt nước trước khi bung các cánh và kích hoạt động cơ đẩy phản lực. Tomahawk bay ở tốc độ cận siêu thanh (890 km/h), định vị bằng GPS và các cảm biến địa hình như TERCOM, DSMAC, INS để dẫn đường và chủ động tránh chướng ngại vật. Tomahawk mang đầu đạn nổ 450 kg và có thể đánh chính xác trong bán kính sai lệch chỉ khoảng 10 m.

Tham khảo: Navy Mil; Wikipedia

Nguồn Tinh Tế: https://tinhte.vn/threads/tau-ngam-tan-cong-lop-los-angeles-ho-ve-duoi-mat-bien-cua-hang-khong-mau-ham-uss-carl-vinson.2774208/